Xung đột Hamas-Israel: Dư luận lên án vụ tấn công bệnh viện ở Dải Gaza
(BDO)
Đưa nạn nhân đi cấp cứu
Nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới đã kịch liệt lên án vụ tấn công bệnh viện Al-Ahli al-Arabi ở trung tâm thành phố Gaza tối 17/10, khiến khoảng 500 người thiệt mạng.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã chia sẻ nỗi đau với người dân ở Dải Gaza về "thảm kịch kinh hoàng" này.
Ông cho biết: "Trái tim tôi hướng về gia đình các nạn nhân. Theo luật nhân đạo quốc tế, các bệnh viện và nhân viên y tế là những đối tượng cần được bảo vệ."
Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các bên liên quan tại Dải Gaza thực hiện "lệnh ngừng bắn ngay lập tức để tạo điều kiện về thời gian và không gian cho các nỗ lực cứu trợ nhân đạo," nhằm "đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của người dân Gaza, phần lớn trong số họ là phụ nữ và trẻ em."
Ông Guterres đồng thời yêu cầu phong trào Hồi giáo Hamas "thả con tin ngay lập tức và vô điều kiện," ám chỉ ít nhất 199 người bị bắt giữ kể từ khi Hamas tấn công Israel ngày 7/10 vừa qua.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã lên án vụ tấn công nhằm vào bệnh viện Al-Ahli al-Arabi, đồng thời yêu cầu các bên liên quan bảo vệ dân thường và chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay lập tức.
Đại diện của WHO tại Bờ Tây và Dải Gaza Richard Peeperkorn cho biết: “Cuộc tấn công này có quy mô lớn chưa từng thấy, dù chúng tôi đã chứng kiến nhiều cuộc tấn công liên tiếp nhằm vào hệ thống chăm sóc y tế ở khu vực lãnh thổ bị chiếm đóng của người Palestine."
Trong khi đó, ông Ahmed Al-Mandhari - Giám đốc của WHO phụ trách khu vực phía Đông Địa Trung Hải - cho biết có rất nhiều bệnh nhân, nhân viên y tế và những người dân phải rời nhà cửa đi sơ tán đang có mặt tại bệnh viện Al-Ahli al-Arabi khi xảy ra vụ tấn công.
Ông nêu rõ: "Đây là một trong 20 bệnh viện ở phía Bắc Dải Gaza đã nhận được yêu cầu sơ tán của quân đội Israel. Tuy nhiên, lệnh sơ tán không thể thực hiện được do tình hình bất an hiện nay, tình trạng nguy kịch của nhiều bệnh nhân, hay việc thiếu xe cứu thương, thiếu nhân viên và giường bệnh đảm bảo yêu cầu điều trị, cũng như nơi trú ẩn thay thế cho những người phải di dời nơi ở."
Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk khẳng định vụ tấn công bệnh viện Al-Ahli al-Arabi là "hoàn toàn không thể chấp nhận được."
Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi vẫn chưa nắm được quy mô đầy đủ của cuộc thảm sát này, nhưng điều rõ ràng là bạo lực và giết chóc cần phải dừng lại ngay lập tức.” Ông đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia có ảnh hưởng cần nỗ lực hết sức để chấm dứt tình trạng này.
Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan nhấn mạnh rằng "bất kỳ đòn tấn công nào vào lĩnh vực chăm sóc y tế đều vi phạm luật pháp quốc tế."
Ông cũng kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn phá Gaza và mở cửa khẩu biên giới Rafah với Ai Cập để cho phép đưa hàng viện trợ vào khu vực bị bao vây và phong tỏa.
Trong một bình luận được đưa ra vào tối 17/10, Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) cho biết họ bị sốc và bàng hoàng trước những thông tin về việc bệnh viện Al-Ahli al-Arabi bị phá hủy và hàng trăm người thiệt mạng.
Tổ chức này nêu rõ: "Bệnh viện phải là nơi tôn nghiêm để bảo vệ sự sống con người chứ không phải là nơi chết chóc và tàn phá. Bệnh viện phải được bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế."
Cũng trong tối 17/10, Bộ Ngoại giao Ai Cập đã hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới "kêu gọi Israel ngừng nhắm mục tiêu vào khu vực cửa khẩu Rafah" để tạo hành lang an toàn cho việc chuyển hàng viện trợ vào Dải Gaza.
Hiện các đoàn xe viện trợ đã bị mắc kẹt ở Ai Cập trong nhiều ngày qua, sau 4 vụ không kích hồi tuần trước ở khu vực cửa khẩu biên giới Rafah, lối ra vào duy nhất tại Dải Gaza không thuộc sự kiểm soát của Israel.
Nhiều quốc gia Arab và khu vực Trung Đông, như Libya, Liban, Yemen, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên án các cuộc không kích tại Dải Gaza.
Trong khi đó, Chính phủ Anh cho biết "sẽ hợp tác với các nước đồng minh để tìm hiểu những gì đã xảy ra và bảo vệ thường dân vô tội ở Dải Gaza." Ngoại trưởng James Cleverly nhận định: "Việc bệnh viện Al-Ahli al-Arabi bị phá hủy là một mất mát nặng nề đối với cuộc sống người dân địa phương."
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố "không gì có thể biện minh cho việc nhắm mục tiêu vào dân thường", đồng thời kêu gọi tạo điều kiện để người dân tại Dải Gaza tiếp cận hỗ trợ nhân đạo "ngay lập tức."
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông "phẫn nộ và vô cùng đau buồn" về vụ không kích bệnh viện ở Dải Gaza. Ông Biden nêu rõ: “Mỹ kiên định ủng hộ việc bảo vệ dân sự trong xung đột và chúng tôi thương tiếc các bệnh nhân, nhân viên y tế và những người vô tội khác thiệt mạng hoặc bị thương trong thảm kịch này."
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cũng đã tuyên bố một ngày quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công bệnh viện. Trong một thông điệp trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian cũng đã kêu gọi về "sự đoàn kết toàn cầu."
Vụ không kích vào bệnh viện Al-Ahli al-Arabi đã cướp đi sinh mạng của gần 500 người. Phía Palestine cáo buộc Israel đã không kích bệnh viện, trong khi quân đội Israel dẫn thông tin tình báo nói rằng phong trào Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ) - một lực lượng vũ trang ở Gaza, đã bắn nhầm rocket vào cơ sở y tế này.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel đã bước sang ngày thứ 11, với tổng số người thiệt mạng từ cả hai phía ước tính lên tới hơn 3.000 người.
Chính quyền Palestine (PA) đã tuyên bố để quốc tang 3 ngày để tưởng niệm những nạn nhân trong vụ thảm sát tại bệnh viện Al-Ahli al-Arabi, cũng như tất cả những người dân thường Palestine khác đã thiệt mạng trong cuộc xung đột đang diễn ra tại Dải Gaza./.
Theo TTXVN