Xứng đáng là những Gia đình cách mạng gương mẫu
Cùng với sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, phát huy truyền thống cách mạng, gia đình bà Lê Thị Săng và gia đình bà Phan Thị Mương (phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên) đã không ngừng nỗ lực vươn lên ổn định cuộc sống, giáo dục thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống, tiếp tục có những đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(BDO)
Tự hào với những kỷ niệm
Những ngày đầu tháng 1-2019, chúng tôi về thăm gia đình bà Lê Thị Săng (sinh năm 1945), ngụ ở khu phố Ông Đông, phường Tân Hiệp, là vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Tuấn. Chúng tôi cảm động khi được bà kể cho nghe những kỷ niệm của thời chống Mỹ nhiều vất vả, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào.
Ông An Văn Minh, Trưởng ban điều hành khu phố Ông Đông, phường Tân Hiệp, thăm hỏi gia đình bà Lê Thị Săng
Ngày ấy, cô gái trẻ Lê Thị Săng rất tích cực tham gia phong trào cách mạng ở địa phương. Đến năm 1963, cô Săng thoát ly gia đình đi bộ đội rồi kết duyên cùng ông Nguyễn Văn Tuấn. Bồi hồi nhắc lại chuyện xưa, bà Săng kể, ông Tuấn ngày trước là một thượng úy giàu lòng quả cảm, chiến đấu rất can trường, lập nhiều chiến công xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ. Ông Tuấn được khen tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Kháng chiến hạng ba. Năm 1971, trong một lần ông Tuấn đóng quân ở Hầm Nhật (nay thuộc phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên), do quân Mỹ càn quét quá dữ dội, ông Tuấn bị máy bay địch phát hiện rồi bắn chết. Sau khi ông Tuấn hy sinh, đồng đội đã chôn cất ông ở khu đất gần Hầm Nhật, rồi sau này được cất bốc đưa về Nghĩa trang TX.Tân Uyên.
Hay tin chồng hy sinh khi đứa con gái chưa đầy 1 tuổi, bà Săng như chết lịm. Nhưng bà cố nén nỗi đau và làm lụng nhiều nghề để mưu sinh. Bà trôi dạt đến Long Khánh (Đồng Nai) làm công nhân cạo mủ đến năm 1996 mới trở về lại quê hương. Tuy chỉ lượm điều thuê để sinh sống, nhưng bà Săng rất tích cực tham gia các hoạt động của khu phố và có nhiều đóng góp cho các phong trào ở địa phương. Ông An Văn Minh, Trưởng ban điều hành khu phố Ông Đông, phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên, cho biết: “Bà Săng là người sống rất gương mẫu, gia đình bà luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, gia đình còn thường xuyên ủng hộ tiền mua quà tặng cho các thanh niên lên đường làm nghĩa vụ trong ngày hội tòng quân của địa phương, tiền thắp đèn chiếu sáng đường phố…”. Ghi nhận những đóng góp của gia đình bà Săng, UBND TX.Tân Uyên đã khen tặng danh hiệu “Người công dân kiểu mẫu, Gia đình cách mạng gương mẫu” nhiều năm liền.
Chia tay bà Săng, chúng tôi luôn ghi nhớ mãi lời bà dặn, tuổi trẻ các con hãy noi gương những người đi trước sống tốt, suy nghĩ thật tích cực và cống hiến thật nhiều để xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp hơn.
Giáo dục con cháu tiếp nối truyền thống
Chúng tôi tìm về khu phố Tân Long, phường Tân Hiệp thăm gia đình bà Phan Thị Mương (sinh năm 1952, vợ liệt sĩ Phan Văn Quý). Qua trò chuyện, chúng tôi thật ngưỡng mộ về lối sống rất mẫu mực của một gia đình 3 thế hệ sống với nhau thật đầm ấm và hạnh phúc.
Nở nụ cười thật tươi, giọng nói hào sảng, bà Mương khoe với chúng tôi về những thành tích mà cả gia đình 3 thế hệ đã đạt được. Nhiều năm liền đạt danh hiệu là “Gia đình văn hóa”, được UBND TX.Tân Uyên khen tặng danh hiệu “Người công dân kiểu mẫu, Gia đình cách mạng gương mẫu”, UBND phường Tân Hiệp khen tặng gia đình văn hóa tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Bà Mương có 2 cháu nội, đứa lớn là sinh viên đại học, Phó Bí thư Chi đoàn khu phố Tân Long; đứa nhỏ đang theo học nghề ở trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore.
Bà Phan Thị Mương chăm sóc đàn gà trong sân vườn nhà
Mỗi năm 2 lần, gia đình bà Mương đều đón các chú bộ đội Sư đoàn 9 hành quân ra trường bắn về nhà để hỗ trợ chỗ ở cho các chú. Rồi cả nhà bà cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ với các chú. Nhìn các chú bộ đội về nhà như vậy, bà Mương như khỏa lấp được phần nào nỗi thương nhớ chồng hơn.
Bà Mương kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện anh dũng của gia đình bà. Không chịu nổi cảnh dân làng bị bọn giặc tay sai hà hiếp, ông Phan Văn Quý đã tham gia đội du kích xã. Nghi ngờ ông Quý là người của cách mạng, lính ngụy nhiều lần bắt giam, đưa về Ty cảnh sát tra tấn đánh đập dã man. Không dừng lại ở đó, chúng còn bắt luôn bà Mương đưa về đồn giặc đánh đập, tra khảo. Do không thu thập được gì nên chúng thả 2 vợ chồng về lại địa phương. Sau nhiều lần như vậy, ông Quý đã thoát ly gia đình theo cách mạng tham gia bộ đội Miền vào năm 1971. Sau khi sinh con được 2 tháng, năm 1972, bà Mương được đồng đội báo tin ông Quý đã hy sinh ở Phú Giáo. Đau đớn khi hay tin mất chồng, bà Mương cố giấu nỗi đau vào trong để tiếp tục giúp đỡ bộ đội, nuôi dạy con nên người. Hiện con trai bà Mương là ông Phan Văn Bí, một nông dân rất cần cù với việc đồng áng. Ông Bí cưới vợ và sinh 2 người con trai. Dù con trai và 2 cháu nội đã lớn, nhưng bà Mương luôn răn dạy con, cháu phải luôn gìn giữ truyền thống gia đình. Đặc biệt, bà luôn dạy 2 cháu nội phải luôn ra sức học tập, rèn luyện để có thể cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương Bình Dương ngày càng phát triển.
MINH HIẾU