Xứng đáng là công dân gương mẫu
(BDO) Năm học 2016-2017 đã bắt đầu. Hoạt động dạy và học ở các trường phổ thông đang đi vào nề nếp. Cùng với triển khai nhiệm vụ năm học ở các cấp, ngành giáo dục - đào tạo còn tăng cường giáo dục pháp luật, trong đó có giáo dục an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh (HS). Việc xây dựng ý thức chấp hành tốt luật giao thông cho HS ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ góp phần hình thành nhân cách con người mới văn minh, tiến bộ trong tương lai.
Theo đó, nhà trường phối hợp với các ban ngành liên quan của địa phương xây dựng “cổng trường an toàn giao thông” và tăng cường các buổi phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật về ATGT như: Các lỗi vi phạm thường gặp khi tham gia giao thông, nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông, các kỹ năng tham gia giao thông. Các nhà trường cũng tổ chức cho phụ huynh ký cam kết không giao xe máy cho HS chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Đối với HS, các em cũng ký cam kết nghiêm túc thực hiện những quy định về ATGT.
Dù ngành GD-ĐT đã có nhiều nỗ lực trong việc giáo dục ATGT cho học sinh các cấp, thế nhưng đây đó vẫn còn tình trạng HS vi phạm giao thông. Khi ra đường, chúng ta vẫn còn thấy trường hợp HS đi xe phân khối lớn đến trường, ngược chiều, đi hàng 2 - hàng 3, có em còn chở 2, chở 3 hoặc không đội mũ bảo hiểm. Để tránh bị nhà trường kiểm điểm, các em thường gửi xe ngoài nhà trường và do đó nhà trường không thể kiểm soát và nhắc nhở những trường hợp vi phạm. Theo quy định, HS đi xe gắn máy điện cũng phải đội mũ bảo hiểm, nhưng thực tế rất nhiều em vi phạm quy định này. Thời gian qua đã từng có trường hợp thương tâm HS bị tai nạn giao thông dẫn đến tàn phế như gãy tay, gãy chân, thậm chí tử vong vì vi phạm giao thông.
Xây dựng văn hóa giao thông trong văn hóa học đường với quy định chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT là một tiêu chí đánh giá hạnh kiểm, đạo đức của HS. Việc giáo dục HS nói chung cần có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, vì vậy các bậc phụ huynh nên quan tâm hơn nữa đến con em mình. Phụ huynh không nên quá nuông chiều con khi mua sắm cho con xe máy phân khối lớn. Với HS, các em cũng không nên có tính thích thể hiện với bạn bè, bởi một chút bốc đồng nhất thời cũng có thể để lại những hậu quả khó lường, có ân hận cũng đã muộn. Các em HS nên xây dựng ý thức và thói quen chấp hành luật giao thông. Về phía nhà trường, cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền giáo dục ý thức cho HS. Một khi có ý thức tốt về pháp luật, khi ra đời các em sẽ trở thành những công dân gương mẫu, có lối sống tốt, ý thức, ứng xử thông minh nơi công cộng, đặc biệt là trong tham gia giao thông. Đó cũng là mẫu công dân gương mẫu, hiện đại, văn minh trong thời đại mới.
VĂN HIỆP