Xứng đáng là cơ quan quyền lực của dân, do dân và vì dân

Thứ năm, ngày 06/01/2011

Cách đây 65 năm, hàng triệu trái tim Việt Nam đã bồi hồi xúc động và tận hưởng niềm vui sướng của thời khắc lịch sử, đó là lần đầu tiên được cầm lá phiếu để lựa chọn ra những người đủ đức, đủ tài gánh vác công việc của nước nhà. Cuộc tổng tuyển cử đã gây tiếng vang lớn, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ ở nước ta. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành công dân của một nước tự do độc lập, tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình...>>>Đoàn ĐBQH tỉnh không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động >>>65 năm- một chặng đường lịch sử vẻ vang của Quốc hội Việt Nam

   Toàn cảnh buổi họp mặt kỷ niệm 65 năm Quốc hội Việt Nam (6.1.1946- 6.1.2011) do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức ngày 5-1

Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền làm chủ của mình...”. Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng đó, ngày 6-1-1946 với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến... từ 18 tuổi trở lên đều nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối.

Cuộc tổng tuyển cử thắng lợi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ ở nước ta. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành công dân của một nước tự do độc lập, tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự lựa chọn và xây dựng chế độ Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, với sự ra đời của bản Hiến pháp năm 1946 đã mở ra trang sử mới của dân tộc, với một hệ thống chính quyền thống nhất hoàn toàn, đầy đủ về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử là kết quả của khát vọng tự do, của sự hy sinh đấu tranh của dân tộc ta và là kết quả của sự đoàn kết, anh dũng của toàn thể đồng bào Việt Nam không kể già, trẻ, lớn, bé, không phân biệt tôn giáo... tất cả đoàn kết thành một khối, không sợ nguy hiểm đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương qua các khóa đã từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo được niềm tin và sự tín nhiệm của nhân dân, xứng đáng là người đại biểu dân cử. Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Phạm Văn Cành, cho biết thời gian qua, đoàn đại biểu tỉnh nhà luôn có sự phối hợp chặt chẽ với UBMTTQVN tỉnh trong công tác giám sát và gặp gỡ, tiếp xúc cử tri. Các đại biểu Quốc hội rất tích cực và có tinh thần trách nhiệm cao trong việc tiếp xúc cử tri, nhờ vậy mà số lượng cử tri tham gia các cuộc tiếp xúc ngày càng đông hơn, phát biểu mạnh dạn, cụ thể hơn. Nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri thuộc tầm vĩ mô được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu và chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, được các bộ, ngành Trung ương giải trình, giải quyết. Những ý kiến, kiến nghị của cử tri có liên quan đến địa phương được đoàn kiến nghị kịp thời với Tỉnh ủy, HĐND, UBND chỉ đạo để các sở, ngành chức năng xem xét giải quyết một cách nghiêm túc.

 

 

Đến nay, trải qua 12 nhiệm kỳ hoạt động, ở mỗi hoàn cảnh, thời điểm lịch sử khác nhau, Quốc hội đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước và nhân dân. Ông Phan Văn Đương, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (khóa X), cho biết từ khi ra đời đến nay, với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của dân tộc. Do hoàn cảnh đặc thù của đất nước, trong nhiều thập niên, đặc biệt là từ năm 1946-1976 cùng với việc xây dựng chế độ dân chủ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội đã cùng Chính phủ đã đề ra các chủ trương, chính sách; tổ chức và động viên toàn dân kháng chiến, kiến quốc giành thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất Tổ quốc.

 Trên nền tảng cốt lõi của Hiến pháp năm 1946: “Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân; nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng Nhân dân do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”, Quốc hội đã thông qua các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 kế thừa và hoàn thiện Nhà nước của dân, do dân, vì dân phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của đất nước trong từng giai đoạn. Từ năm 1986 đến nay, công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề xướng bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng. Kế thừa truyền thống và kinh nghiệm, Quốc hội đã không ngừng đổi mới về tổ chức hoạt động để thực hiện vai trò, chức năng nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức Quốc hội nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước trên thế giới vì hòa bình hữu nghị hợp tác và phát triển

Nhìn lại chặng đường 65 năm của Quốc hội Việt Nam, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất ngày càng thực hiện tốt hơn 3 chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Chặng đường 65 năm xây dựng và trưởng thành của Quốc hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự giúp đỡ, giám sát chặt chẽ của nhân dân, Quốc hội luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng vẻ vang, là biểu tượng cao đẹp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hoạt động của Quốc hội đã không ngừng được đổi mới, có hiệu lực và ngày càng hiệu quả, tạo được niềm tin và sự yêu mến của nhân dân; xứng đáng là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

H.NHÂN - Q.CHIẾN