Xúc động với tiểu phẩm “Cho nhau niềm tin yêu”

Thứ sáu, ngày 20/12/2019

(BDO) “Đừng để HIV hủy hoại cuộc đời bạn”, “Nước mắt chúng tôi không lây nhiễm”, “Chúng tôi cần những bờ vai”, “Hãy bảo vệ và yêu thương”… Đó là những thông điệp nhân ái trong tiểu phẩm “Cho nhau niềm tin yêu” do Trung Hậu làm tác giả và đạo diễn.


Một cảnh trong tiểu phẩm “Cho nhau niềm tin yêu”

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh HIV/ AIDS, qua đó tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh và Trung tâm Phòng chống HIV/ AIDS tỉnh đã phối hợp tổ chức chương trình văn nghệ tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống AIDS. Bên cạnh những tiết mục ca múa nhạc đặc sắc về quê hương đất nước, chương trình còn đặc biệt lắng đọng nhiều cảm xúc trong lòng khán giả với những câu chuyện đầy nhân ái trong tiểu phẩm “Cho nhau niềm tin yêu” do Trung Hậu làm tác giả, đạo diễn.

Tiểu phẩm xoay quanh câu chuyện bi thương của cô Xuân, một bệnh nhân nhiễm HIV đang làm việc tại trường học. Khi biết cô Xuân bị bệnh, bà Năm đã tỏ ra sợ hãi và bàn tán xôn xao với hàng xóm về việc sẽ xin chuyển trường cho con vì sợ bị lây nhiễm. Nhờ được ông Bảy và cô Tiên phân trần, bà Năm đã hiểu rõ những việc làm sai của mình. Chính sự thiếu hiểu biết của bà Năm và sự sợ hãi của một số người đã vô tình làm cho người bệnh bị xa lánh. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người bị nhiễm HIV. Người bị nhiễm HIV vẫn được hưởng quyền của con người, như: Quyền bình đẳng, quyền không phân biệt đối xử, quyền được quan tâm và chăm sóc sức khỏe… Vì vậy, trước đây cô Xuân từng có suy nghĩ, dù mình có khóc cạn hết những giọt nước mắt chân thật, ân hận và đau buồn thì cũng không thể xóa được cái nhìn miệt thị, xa lánh và phân biệt đối xử của mọi người đối với người nhiễm HIV. Thế nhưng, nhờ sự yêu thương chăm sóc tận tâm của gia đình và bác sĩ Nhân, Xuân đã vượt qua mặc cảm, sống lạc quan, khỏe mạnh, có nhiều cống hiến cho gia đình và xã hội.

Với những câu chuyện đầy tính nhân văn, các nhân vật trong tiểu phẩm “Cho nhau niềm tin yêu” đã tạo cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc và có cái nhìn đúng đắn hơn với những người đang mang trong mình căn bệnh AIDS. Bởi trong những năm qua, thế giới đã đạt được nhiều tiến triển trong cuộc chiến phòng, chống HIV/AIDS, với 18 triệu người được tiếp cận các loại thuốc chữa bệnh, tăng gấp hai lần so với 5 năm trước. Hàng năm, chỉ số người tử vong liên quan tới AIDS đã giảm đi và số người bị nhiễm HIV sống được lâu hơn. Công tác phòng, chống HIV/ AIDS ở nước ta ngày càng được chú trọng và triển khai mạnh mẽ với mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Thế nhưng, nhiều thách thức cũng đang đặt ra vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của cả cộng đồng.

Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, cuộc chiến chống lại bệnh này vẫn còn gian nan, khi bên cạnh là vấn đề tài chính để người nhiễm HIV/AIDS có cơ hội để điều trị, thì sự kỳ thị và sự phân biệt đối xử của xã hội vẫn còn rất phổ biến. Và tiểu phẩm “Cho nhau niềm tin yêu” đã vạch ra cụ thể những khó khăn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta hiện nay.

Chia sẻ với chúng tôi về sự thành công của các đêm diễn tại TX.Tân Uyên, ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, cho biết trong đợt lưu diễn này, đơn vị có 11 đêm biểu diễn phục vụ tại 11 xã, phường trên địa bàn thị xã. Chúng tôi rất vui vì có rất đông khán giả đến xem và cổ vũ cho chương trình ở mỗi điểm diễn. Hy vọng, những thông điệp trong tiểu phẩm tuyên truyền sẽ được lan tỏa rộng khắp, để cộng đồng hiểu rõ và sẵn sàng chung tay thể hiện tinh thần đoàn kết trong việc đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS.

 THỤC VĂN