Xuất khẩu vượt khó về đích trước thời gian!
Tuy còn hơn 1 tháng nữa mới kết thúc niên khóa 2010, thế nhưng với kết quả đạt được và ước tính chung trong xuất khẩu (XK) năm thì Bình Dương sẽ vượt kế hoạch đề ra. Kết quả này có ý nghĩa rất lớn trong điều kiện tình hình chung không thuận lợi, nhất là thị trường chịu ảnh hưởng từ biến động bất thường của tỷ giá USD, giá nguyên phụ liệu đầu vào tăng...
10 tháng đầu năm, kim ngạch XK của tỉnh đã đạt 6 tỷ 519,7 triệu USD, tăng 23,2% so cùng kỳ năm 2009. Trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước đạt 1 tỷ 332,4 triệu USD và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5.187,3 triệu USD. Theo tính toán của UBND tỉnh, ước tính năm 2010 kim ngạch XK của tỉnh đạt 8.294 triệu USD, tăng 23,5% so với năm trước và vượt 19,7% so với kế hoạch năm đề ra. Trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước tăng 10,2% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 27,3%. Kết quả này là điều đáng phấn khởi bởi lẽ, với những gì diễn ra trong năm như lạm phát, lãi suất ngân hàng, nguyên phụ liệu gia tăng... nên nhiều nhà kinh tế dự báo XK khó tăng so với năm trước. Tuy nhiên những giải pháp kịp thời của Chính phủ, của địa phương cùng sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp đã góp phần đem lại kết quả rất phấn khởi.
Gỗ tiếp tục là ngành hàng đạt giá trị XK cao nhất và tăng trưởng ổn định
Nổi bật trong XK, các mặt hàng chủ lực có hàm lượng công nghệ cao và các mặt hàng nông sản vốn trì trệ trong những năm trước lại tăng mạnh như dây điện và cáp điện tăng 23,5%; hàng điện tử tăng 24,1%; mủ cao su tăng 71,4%; hồ tiêu tăng 49,4%... đã góp phần làm cho kim ngạch XK của tỉnh tăng nhanh, vượt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, điều lo ngại nhất trong năm cho XK từ các cơ quan quản lý là các mặt hàng giày dép, dệt may, sản phẩm bằng gỗ khó hoàn thành mục tiêu đã không xảy ra. Ba mặt hàng này chiếm đến gần 40% kim ngạch XK của tỉnh nhưng cũng là những mặt hàng chịu tác động lớn nhất, nếu các ngành hàng này không đạt, kế hoạch tăng trưởng XK khó hoàn thành là điều chắc chắn. Song, kết quả vào cuối năm thật đáng mừng, có đến 2/3 mặt hàng giá trị XK cao nhất này đều ổn định như giày dép tăng 5,8%; sản phẩm gỗ tăng 5,3%. Riêng sản phẩm dệt may cả năm ước tính có giảm, nhưng chỉ tính đến hết tháng 10 kim ngạch XK của ngành hàng này đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD cũng là thành công lớn. Theo UBND tỉnh, điểm nổi bật khác trong năm 2010 là có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia XK và thị trường mới luôn được mở rộng, cụ thể đến nay toàn tỉnh có đến 1.600 doanh nghiệp XK trực tiếp vào 183 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Góp phần cho kết quả XK tỉnh nhà, có thể nói đóng góp của các doanh nghiệp tham gia XK là vô cùng quan trọng trong việc nổ lực vượt khó để hoàn thành mục tiêu gia tăng XK. Chia sẻ vấn đề này, Giám đốc DNTN Đại Hồng Phát (Thuận An) Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết : “Tình hình kinh tế không thuận lợi trong năm 2010 đã tác động mạnh lên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khi kinh tế khó thì việc chi tiêu từ các thị trường nhập khẩu cũng giảm theo là tất yếu. Trước tình hình như vậy, doanh nghiệp phải năng động và có chính sách hợp lý, sát thực tế thì mới bảo đảm duy trì hoạt động tốt. Cụ thể Đại Hồng Phát đã tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tiếp tục cải tiến mẫu mã và đa dạng chủng loại sản phẩm... nên XK có phần tăng khá so với năm trước”. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Công ty gỗ Minh Phương (Tân Uyên) cho rằng “Hàng loạt các vấn đề khó khăn trong năm như lạm phát, lãi suất ngân hàng luôn biến động, nguyên liệu đầu vào gia tăng 180%... Để thành công trong điều kiện như vậy, doanh nghiệp phải cân nhắc từng bước có tính chiến lược như chọn lựa đơn hàng, cắt giảm chi phí không cần thiết, tính toán việc triển khai kế hoạch... Nhờ vậy mới ổn định trong hoạt động sản xuất và XK”.
Theo UBND tỉnh, kết quả XK của Bình Dương năm 2010 là đáng phấn khởi, là niềm tin để bước vào triển khai kế hoạch năm 2011 tiếp tục vượt khó hoàn thành mục tiêu, đưa XK gia tăng theo hướng ổn định và bền vững. Giải pháp để thực hiện đạt mục tiêu này là tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư... để mở rộng thị trường; khuyến khích sản xuất các mặt hàng thay thế nhập khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị, tăng nhanh nguồn hàng, nhất là các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh, các mặt hàng XK chủ lực, mũi nhọn của tỉnh.
TRỌNG MINH
Trong năm 2010, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 7 tỷ 126 triệu USD; tăng 25,6% so với năm 2009. Nguyên nhân kim ngạch nhập khẩu tăng cao do nhiều dự án được triển khai, doanh nghiệp ký được nhiều đơn hàng nên nhu cầu nhập vật tư, máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng. Tuy nhiên, giá trị xuất siêu của Bình Dương năm 2010 đạt đến 1 tỷ168 triệu USD; đây là giá trị xuất siêu lớn nhất mà Bình Dương đạt được từ trước đến nay.