Xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng nhẹ

Thứ hai, ngày 18/06/2012

Nhiều chuyên gia đánh giá từ nay đến cuối năm, xuất khẩu thủy sản vẫn giữ được mức tăng trưởng hai con số và sẽ phục hồi, phát triển nhanh trong năm sau.

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản cho biết hiện nay, thiếu vốn và “đói” nguyên liệu cùng với các chi phí đầu vào tăng cao trong khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp là những trở ngại mà doanh nghiệp thủy sản phải đối đầu trong thời điểm này.

Châu Âu, thị trường chủ lực nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam chiếm 19,6% tỷ trọng xuất khẩu, giảm so với gần 25% của cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Mỹ được các doanh nghiệp đánh giá là tăng trưởng tốt nhưng so với năm 2011, mức tăng trưởng cũng giảm, chỉ còn khoảng 1/3 cho dù tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này vẫn giữ ổn định khoảng 20%.

Tuy nhiên, các chuyên gia ngành thủy sản nhận định những doanh nghiệp có nhà máy chế biến, có vùng nuôi hoặc có quy trình sản xuất khép kín vẫn giữ được mức tăng trưởng xuất khẩu khả quan so với năm trước.

Theo thông kê, 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu trong 5 tháng đầu năm nay chiếm 21,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Con số này cao hơn so với 19,3% của cùng kỳ năm ngoái. Đây có thể coi là một sự tăng trưởng quan trọng để xuất khẩu thủy sản tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định và bền vững.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, việc hỗ trợ một cách hợp lý của ngân hàng cho các doanh nghiệp là giải pháp cần thiết để xuất khẩu thủy sản thoát khỏi nguy cơ sụt giảm trong tương lai.

Cùng với đó, để phát huy hiệu quả kinh doanh, các doanh nghiệp chế biến thủy sản cần thực hiện nhiều biện pháp như giảm tối đa chi phí để hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, duy trì và ổn định khách hàng, đảm bảo đời sống và việc làm cho người lao động...

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2011 với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn là tôm, cá, nhuyễn thể...

Theo TTXVN