Xuất khẩu thủy sản năm 2011: Kim ngạch cao, lợi nhuận thấp
Theo Bộ NN-PTNT, 3 tháng đầu năm 2011, các doanh nghiệp (DN) thủy sản xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD, tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù xuất khẩu tăng nhưng các DN không có lời do chi phí đầu vào quá cao. Vấn đề quan trọng lúc này là giữ vững thị trường và giải quyết việc làm cho người lao động nhằm góp phần ổn định an sinh xã hội.
Chế biến cá tra xuất khẩu thu hút nhiều lao động ở các tỉnh ĐBSCL.
Chấp nhận giảm... lợi nhuận
“Xuất khẩu tăng nhưng không có lời” là thực tế đang diễn ra đối với ngành thủy sản. Ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nam Việt (An Giang), cho biết: “3 tháng qua, công ty xuất đạt hơn 300 tỷ đồng về doanh thu, nhưng tính ra chẳng có lời”.
Theo ông Nhứt, chi phí đầu vào quá cao, trong đó cá tra nguyên liệu nhảy vọt lên 27.000 - 28.000 đồng/kg, cộng với lãi suất ngân hàng, điện, xăng dầu, bao bì… đều tăng trong khi giá xuất khẩu chỉ tăng nhẹ nên kinh doanh không hiệu quả là chuyện hiển nhiên. Biết là vậy, nhưng DN vẫn dồn sức làm bởi mục tiêu chính là duy trì mối quan hệ với khách hàng và giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Gò Đàng, bộc bạch: “Từ đầu năm đến nay chúng tôi tăng được 15% doanh số. Thị trường xuất khẩu tương đối ổn định và đang có chiều hướng tăng, tuy nhiên lợi nhuận chẳng bao nhiêu bởi chi phí đầu vào tăng mạnh”. Các DN xuất khẩu tôm cũng chấp nhận giảm lợi nhuận. Lãnh đạo Công ty CP Thủy sản Minh Hải, cho biết: “Ước tính quý 1- 2011, công ty xuất đạt 13 triệu USD, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù lợi nhuận không như mong muốn nhưng cái được lớn nhất là giữ vững khách hàng cũ, tăng thị trường mới, đồng thời ổn định đời sống cho hơn 2.000 công nhân”.
Theo Hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau, trong 3 tháng qua các DN chế biến tôm đều gặp khó khăn nhưng vẫn nỗ lực xuất khẩu đạt 155 triệu USD, qua đó giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn công nhân.
Trăn trở bài toán nguyên liệu
Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, mới hết quý 1 nhưng có thể thấy áp lực ngày càng đè nặng lên các DN. Thủy sản là một trong những lĩnh vực xuất khẩu đem về nguồn ngoại tệ lớn, đồng thời liên quan đến công ăn việc làm của rất nhiều nông dân. Do đó, mục tiêu chính trong lúc này là không đặt nặng lợi nhuận bởi tất cả đều khó khăn. Vấn đề là làm sao tăng cường sản xuất, xuất khẩu để góp phần ổn định an sinh xã hội, theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ. Trở ngại lớn nhất hiện nay là nguồn nguyên liệu thiếu trầm trọng khiến các DN bị động, hiện các nhà máy thủy sản chỉ hoạt động khoảng 40%-50% công suất. VASEP yêu cầu các DN đẩy mạnh phát triển vùng nuôi để tăng nguồn nguyên liệu trong thời gian tới.
Theo TS Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, khảo sát mới đây cho thấy nhiều DN và hộ nuôi lớn đã mở rộng diện tích nuôi cá tra trở lại. Tuy nhiên giá thức ăn cứ “phi mã”, cộng lãi suất ngân hàng từ 20%-22% nhưng hạn chế cho vay khiến việc phát triển vùng nguyên liệu chưa được như mong muốn.
Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, cho biết thực tế người dân vẫn tha thiết với nghề cá, nhưng vẫn phập phồng bởi giá cả chưa ổn định và thiếu vốn đầu tư. Từ giữa quý 2 trở đi sản lượng cá tra sẽ khá hơn, chủ yếu do các nhà máy phát triển. Các tỉnh ĐBSCL đang đồng loạt vào vụ tôm mới. Mặc dù một số nơi xảy ra dịch bệnh làm tôm chết, nhưng ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn và hỗ trợ kỹ thuật để người dân phát triển lại diện tích.
Theo thạc sĩ Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, tôm chết vừa qua chủ yếu ở những diện tích thả sớm, tự phát, nên không ảnh hưởng đến 68.400ha tôm của tỉnh. Hiện sở chỉ đạo các bộ phận chuyên môn theo dõi chặt diễn biến thời tiết để hỗ trợ người nuôi đạt hiệu quả cao, đồng thời khuyến khích khai thác nhằm tăng nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh chế biến xuất khẩu trong thời gian tới. Tại Cà Mau, các ngành chức năng đang triển khai các mô hình nuôi tôm bền vững, theo hướng tăng năng suất và chất lượng.
Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau cho biết: “Đã và đang gắn kết giữa người nuôi lại với nhau và người nuôi với DN để hình thành những vùng chuyên canh tôm tập trung quy mô lớn, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu quanh năm. Từ nay đến năm 2015 sẽ không xây thêm nhà máy mới, mà tập trung thay đổi trang thiết bị hiện đại, vừa tiết giảm nhiên liệu - vừa tăng công suất chế biến.
Trước mắt, từ nay đến cuối năm, cùng với mặt hàng tôm đông lạnh, Cà Mau sẽ đẩy mạnh chế biến hàng giá trị gia tăng và các sản phẩm khác ngoài tôm như mực, cá, bạch tuộc… để tăng doanh thu và tăng việc làm. Phấn đấu năm 2011, xuất khẩu thủy sản đạt 950 triệu USD, tăng hơn 100 triệu USD so với năm 2010.
Hiện VASEP đã nâng giá xuất khẩu cá tra phi lê vào thị trường Hoa Kỳ từ 3,8 USD/kg lên 4 USD/kg, châu Âu từ 3,2 USD/kg lên 3,4 USD/kg; trong khi giá tôm xuất khẩu vào châu Âu và Hoa Kỳ cũng ở mức 10 - 11,75 USD/kg. Ngoài 3 thị trường chính của thủy sản Việt Nam là EU, Hoa Kỳ và Nhật, hiện các DN đang mở rộng vào các nước có tiềm năng lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Canada… Với đà này, dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2011 tăng 10%-15% so với năm 2010.
Theo SGGP