Xuất khẩu thủy sản: Hướng đến mục tiêu 4,5 tỉ USD
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty NTACO (An Giang).
Liệu mục tiêu trên có đạt được trong năm nay khi ngành thủy sản đang gặp khó? Các doanh nghiệp thủy sản đang tìm mọi cách xoay xở làm tăng giá trị và uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Xuất khẩu ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng ấn tượng khi quý 1- 2010 đạt trên 895 triệu USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cũng có không ít trở ngại đe dọa mục tiêu xuất khẩu 4,5 tỉ USD trong năm nay.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), hầu hết các thị trường xuất khẩu thủy sản của VN đều có sự tăng trưởng. Trong đó, thị trường Mexico tăng mạnh nhất với mức tăng 73% về lượng và 61% về giá trị. Dù một số thị trường như Đức, Tây Ban Nha, Ý giảm nhẹ nhưng tính chung thị trường Liên minh châu Âu (EU) vẫn tăng gần 9%, tiếp tục là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của VN. Xuất khẩu đi Mỹ tăng 32,2%, trong khi các thị trường châu Á cũng có mức tăng trưởng mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nhà máy hoạt động cầm chừng
"Người nuôi tôm ở ĐBSCL còn tự bơi rất nhiều, chưa có được công nghệ tiên tiến từ sự hỗ trợ của cơ quan chức năng và việc đầu tư cho lĩnh vực nuôi trồng, chế biến tôm xuất khẩu còn hạn chế, chưa đồng bộ"
Ông Lâm Ngọc Khuân - Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Phương Nam
Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP cho hay, kinh tế thế giới hồi phục đã kéo theo nhu cầu thủy sản, nhất là tôm đông lạnh tăng cao. Tuy nhiên, ngành thủy sản VN hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu chế biến. Dù đầu năm nay giá cá tra tăng lên, có thời điểm lên đến 17.000 đồng/kg nhưng thực tế diện tích nuôi vẫn tiếp tục giảm. Theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), với giá thức ăn cũng tăng thì mức giá 17.000 đồng/kg người dân vẫn chưa có lãi. “Thực tế người dân không bán được với giá này vì bị nhà máy trừ nhiều thứ. Do đó, diện tích nuôi cá tra giảm gần 60%, xu hướng bỏ ao đang tiếp tục”, ông Bình cho biết.
Nguồn nguyên liệu cho các nhà máy tôm cũng thiếu hụt do chưa vào chính vụ và ảnh hưởng bởi thời tiết, ngập mặn. Tại Cà Mau, nơi có diện tích nuôi tôm sú lớn nhất nước, ông Nguyễn Thông Nhận, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết sản lượng tôm chỉ đáp ứng 50% nhu cầu của các doanh nghiệp.
Tại Sóc Trăng, hàng loạt nhà máy chế biến thủy sản quy mô lớn cũng đang hoạt động cầm chừng với chính sách bù lương để giữ chân công nhân. Ông Lâm Ngọc Khuân - Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Phương Nam (Sóc Trăng) cho biết, hiện mỗi ngày chỉ mua được khoảng 15 tấn tôm trong khi công suất nhà máy cần đến 100 tấn/ngày.
Tình hình khan hiếm nguyên liệu tại miền Trung còn trầm trọng hơn khi cả nguồn nguyên liệu đánh bắt và nuôi trồng đều không đủ chế biến. Ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty hải sản Thuận Phước (Đà Nẵng) cho biết, nhiều nhà máy chế biến thủy hải sản tại miền Trung đang trong cảnh èo uột vì chỉ hoạt động 20-30% công suất. Theo ông Lĩnh, năm 2010 diện tích nuôi tôm thẻ nhiều nhưng sản lượng lại ít vì ngập mặn và nguồn con giống không đảm bảo làm tôm chết nhiều. Trong khi đó, nguồn hải sản đánh bắt cũng giảm mạnh do ngư dân ngại ra biển vì sợ rủi ro.
Tập trung vào chất lượng
Hiện để duy trì việc làm cho công nhân, nhiều doanh nghiệp buộc phải mở rộng thị trường và chủng loại sản phẩm. Nhiều công ty đã tích cực mở rộng thị trường sang Trung Mỹ và Nam Mỹ như Mexico, Brazil... Theo ông Lĩnh, ngoài việc đàm phán với khách hàng để ổn định giá bán, công ty phải tăng cường sản xuất hàng giá trị cao nhằm giữ được 70-80% công nhân so với trước kia.
Giải quyết câu chuyện thiếu nguyên liệu hiện nay, theo Bộ NN&PTNT, các vùng nuôi tôm, cá tra phải được đầu tư đảm bảo điều kiện nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Để làm được điều này, sắp tới các địa phương phải đẩy nhanh việc triển khai thực hiện đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra; các đề án phát triển nuôi trồng thủy sản vừa được Chính phủ phê duyệt. “Ngoài quy hoạch, tổ chức quản lý vùng nuôi tốt, quan trọng nhất là phải có chính sách, biện pháp ổn định giá nhằm giảm chi phí đầu vào và ổn định giá thành sản xuất. Có như vậy người dân, doanh nghiệp mới dám đầu tư” - ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp nói.
Hôm nay khai mạc Lễ hội thủy sản VN 2010
Lúc 20g ngày 24-4, tại sân khấu ngoài trời công viên Sông Hậu, cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ sẽ khai mạc Lễ hội thủy sản Việt Nam 2010 với chủ đề “Thủy sản: tiềm năng, phát triển và hội nhập”.
Đây là lần đầu tiên diễn ra một lễ hội thủy sản lớn của cả nước nhằm tôn vinh giá trị ngành thủy sản VN, tạo cơ hội hợp tác giữa người nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và doanh nghiệp với các đối tác trong và ngoài nước, tiến tới xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam.
Lễ hội kéo dài đến hết ngày 27-4 với gần 20 hoạt động chính như: hội thảo “Thủy sản Việt Nam: tiềm năng, phát triển và hội nhập”, hội chợ thương mại thủy sản Việt Nam 2010, liên hoan ẩm thực ĐBSCL, trao kỷ lục Guinness về ẩm thực thủy sản; cuộc thi cá tra, cá ba sa lớn nhất; hội thi tôm sú lớn nhất; tham quan vùng nguyên liệu, nuôi trồng thủy sản và các nhà máy chế biến; hội thi hóa trang, tiếng hát ngành thủy sản; liên hoan biểu diễn nghệ thuật “Hành trình trên đất phù sa”…
Bên cạnh đó, ông Trần Thiện Hải cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành thủy sản hiện nay là tập trung nâng cao giá trị xuất khẩu. Để đạt được điều này, theo ông Hải, thủy sản VN phải làm theo hướng tăng chất lượng, tăng khả năng truy nguyên nguồn gốc, làm theo các tiêu chuẩn toàn cầu...Những việc làm này không những sẽ làm tăng giá trị và uy tín của thủy sản VN, mà còn giúp chúng ta tránh được những rào cản thương mại mà các nước đã dựng lên trong thời gian qua và tương lai.
(THEO TUỔI TRẺ)