Xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, thặng dư thương mại vượt 1,3 tỷ USD
(BDO)
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Đà tăng ấn tượng của GDP trong quý 1/2018 ở mức 7,38% có sự đóng góp tích cực của các trụ cột kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ.
Trong bức tranh chung đó, xuất khẩu của Việt Nam cũng là điểm sáng hỗ trợ tích cực cho việc tăng trưởng kinh tế và cân bằng cán cân thương mại.
Xuất khẩu của doanh nghiệp nội tăng mạnh
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 3/2018, xuất khẩu cả nước ước đạt 17,16 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, tính đến hết quý 1/2018, xuất khẩu đã đạt con số khoảng 54,31 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Đây cũng là mức tăng rất cao so với cùng kỳ các năm trước khi quý 1/2017 xuất khẩu chỉ tăng 12,8%, trong khi năm 2016 mức tăng là 6,6%.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, qua 3 tháng, xuất khẩu của nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 10,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo ghi nhận, một số mặt hàng trong nhóm được hưởng lợi từ giá xuất khẩu tăng trong quý 1. Trong đó, gạo có mức giá xuất khẩu tăng 13,5% so với cùng kỳ, tính đến hết tháng 3/2018, xuất khẩu gạo đạt 1,352 triệu tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ, trị giá đạt 668 triệu USD.
Thông tin thêm về lĩnh vưc này, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, mới đây, Indonesia đã mở thầu mua tổng số 500.000 tấn gạo và Việt Nam trúng thầu 300.000 tấn trong lần nhập khẩu này.
Chủng loại gạo mà phía Indonesia mua của Việt Nam là gạo 15% tấm và thời gian giao hàng từ tháng 5 đến tháng 7/2018. Giá của hợp đồng gạo này được đánh giá là tương đối tốt.
Trước đó, vào tháng 1/2018, Việt Nam cũng trúng thầu 141.000 tấn trong tổng số 346.000 tấn gạo nước này thu mua. Liên tục trúng các hợp đồng lớn, giá hấp dẫn, tình hình xuất khẩu gạo đang được đánh giá là rất khả quan.
Ngoài ra, hạt điều cũng đạt mức tăng 26,3% so với cùng kỳ năm ngoái, với số lượng đạt 70 ngàn tấn và giá xuất khẩu tăng 9,8%, giúp kim ngạch tăng mạnh 38,7% so với cùng kỳ (đạt 713 triệu USD).
Thống kê của Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), trong quý 1, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò chủ lực khi đem về khoảng 45,26 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm ngoái và cao gấp hơn 2 lần so với mức tăng của năm 2017 (ở mức 12,5%). Riêng hai mặt hàng điện thoại các loại và máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã đóng góp 18,62 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
"Đây cũng là những mặt hàng có mức tăng trưởng ổn định trong những năm vừa qua, là một trong những động lực tăng trưởng của xuất khẩu," đại diện Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương cho hay.
Được đánh giá là một trong những mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu khá cao trong quý 1, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, quý 1, tình hình sản xuất và tiêu thụ của ngành thép gặp khá nhiều thuận lợi khi tăng trưởng 16 - 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó riêng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 949 triệu USD, tăng đến 43,3% so với cùng kỳ.
Nhận định về bức tranh kinh tế quý 1, tại phiên họp báo Chính phủ tối 2/4, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhấn mạnh đến kết quả của hoạt động xuất khẩu quý 1 và cũng là điểm sáng của nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng, bên cạnh sự đóng góp lớn của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi đóng góp 39,34 tỷ USD thì trong quý 1/2018, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước xuất khẩu ước đạt 14,97 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, ngay từ những tháng đầu năm, sức bật của các doanh nghiệp trong nước đã được phát huy và là tiền đề quan trọng giúp hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế trong năm 2018.
Xuất siêu vượt 1,3 tỷ USD
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 3/2018 ước đạt 19 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý 1, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 53 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý 1, nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 46,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ trong đó tập trung chủ yếu vào các mặt hàng phục vụ cho sản xuất trong nước như: máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 30,2%), xăng dầu các loại (tăng 37,1%), hóa chất (tăng 22,9%)... Ngoài ra, nhóm hàng cần kiểm soát cũng đạt khoảng 3,47 tỷ USD, tăng cao ở mức 19,6%.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, nhập khẩu từ ASEAN tăng 12,3%, Hàn Quốc tăng 19%, Nhật Bản tăng 13,4%, Hoa Kỳ tăng 11,5%...
Như vậy, tính chung cả quý 2/2018, Việt Nam xuất siêu 1,304 tỷ USD, chiếm 7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Có được kết quả cao trong quý 1/2018, theo đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), ngoài nguyên nhân kinh tế thế giới phục hồi đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu thì ở trong nước, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, những đổi mới hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cùng với nguồn vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng tích cực... đã thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, đồ gỗ, nông sản và thủy sản tiếp tục được hưởng lợi lớn từ các FTA đã ký kết thời gian qua và kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội hơn tại thị trường EU khi Hiệp định FTA với khu vực này chính thức có hiệu lực.
Về phía chuyên gia, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Tất Thắng (nghiên cứu viên cao cấp, Viện nghiên cứu thương mại) cũng đánh giá cao sự vươn lên mạnh mẽ để có được mức tăng trưởng khá cao của tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trong quý đầu năm, trong đó, riêng xuất khẩu rau quả đã đạt tới 950 triệu USD (gần tới mức “tỷ đô”) tăng 35,6% so với cùng kỳ.
Song, nhìn vào những cảnh báo thị trường của một số mặt hàng nông, thủy sản, chuyên gia này cũng lưu ý các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư đúng mức cho nông nghiệp sạch, công nghệ cao để đảm bảo được các yêu cầu cao từ các thị trường, đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm mở rộng quy mô sản xuất cũng nưh nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang đẩy mạnh và đổi mới công tác phát triển thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại, lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường theo từng giai đoạn cụ thể nhằm đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng, đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và xuất khẩu, Bộ Công Thương cũng chú trọng hơn đến việc tổ chức hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) tại các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực, đồng thời rà soát theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp C/O, cũng như đề xuất các biện pháp tăng cường chống gian lận xuất xứ hàng hóa và tăng cường công tác hậu kiểm tại tổ chức cấp C/O và các doanh nghiệp đề nghị cấp C/O.../.
Theo TTXVN