Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, kinh tế chuyển biến tích cực
(BDO) Trong điều kiện thuận lợi nhất định, doanh nghiệp (DN) nỗ lực duy trì nhịp độ sản xuất, kinh doanh (SXKD), hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh tiếp tục khởi sắc sau 2 tháng đầu năm.
Với nhiều giải pháp đã và đang triển khai, kinh tế Bình Dương nhanh chóng phục hồi và phát triển, sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng tốt. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Đại Hoa (TX.Tân Uyên)
Duy trì tốt cán cân thương mại
Trong 2 tháng đầu năm 2022, tình hình phục hồi, phát triển kinh tế của Bình Dương có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 6 tỷ đô la Mỹ, tăng 18,7% so với cùng kỳ, tiếp tục duy trì cán cân thương mại, hàng hóa xuất siêu đạt 2 tỷ đô la Mỹ. Cụ thể, trong tháng 2, kim ngạch xuất khẩu uớc đạt 2,56 tỷ đô la Mỹ, giảm 15,3% so với tháng trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu tăng 23,5%. Lũy kế 2 tháng giá trị xuất khẩu đạt 5,98 tỷ đô la Mỹ, tăng 18,7% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,9 tỷ đô la Mỹ, giảm 8,6% so với tháng trước và tăng 25,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng, giá trị nhập khẩu đạt 3,98 tỷ đô la Mỹ, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Đây là những tiền đề rất quan trọng để kim ngạch nhập khẩu đạt mức tăng trưởng 14,5% so với năm 2021 như kế hoạch đặt ra.
Liên quan về hoạt động xuất nhập khẩu, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết 2 tháng đầu năm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương vẫn tập trung vào dệt may, da giày, gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, sản phẩm, linh kiện điện tử. Thị trường xuất khẩu hàng hóa của Bình Dương với hơn 120 nước trên thế giới, chủ lực vẫn là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thời gian tới Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, DN xuất nhập khẩu nắm bắt khó khăn, vướng mắc… Qua đó, kịp thời kiến nghị UBND tỉnh có những chính sách hỗ trợ kịp thời để phục hồi kinh tế, cũng như hoạt động SXKD, đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo đánh giá của ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, sở dĩ xuất khẩu của địa phương có sự hồi phục rõ nét là nhờ tỉnh đang kiểm soát tốt dịch bệnh, tích cực hỗ trợ DN duy trì hoạt động SXKD ổn định. Bình Dương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế đồng bộ, hiệu quả theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Thêm vào đó, các DN từ sau tết tới nay đều tăng công suất tối đa và đưa ra nhiều giải pháp thu hút lao động để đáp ứng những đơn hàng đã ký kết. Ngoài ra, việc các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có hiệu lực cũng tạo lợi thế cho DN trong quá trình tiếp cận và mở rộng thị trường. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương triển khai kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế, chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ các vướng mắc cản trở hoạt động SXKD, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi, phát triển kinh tế số.
Ông Iron, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Đại Hoa (TX.Tân Uyên), chia sẻ, năm 2022 DN đặt ra mức tăng trưởng 10% so với năm 2021. Ngay từ đầu năm 2022, đơn hàng của công ty ổn định. Để đáp ứng, công ty đã tuyển thêm 2.000 công nhân. “Vấn đề tuyển lao động phục vụ cho các nhà máy hoạt động theo kế hoạch của công ty khá thuận lợi nhờ việc chăm sóc tốt cho công nhân trong mùa dịch bệnh cùng những chính sách lương, thưởng bảo đảm. Hiện nay, hàng tuần chúng tôi tổ chức họp công nhân để lắng nghe đề xuất, tâm tư nguyện vọng. Nhờ đó, chúng tôi tự tin vào việc sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đặt ra”, ông Iron cho biết.
Tận dụng tối đa các hiệp định thương mại
Theo đánh giá của cộng đồng DN tỉnh, năm 2022, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục được mở rộng ở nhiều quốc gia. Đặc biệt, với một “siêu thị trường” đến từ các quốc gia cùng tham gia những FTA thế hệ mới, các ngành sản xuất, xuất khẩu chính của Việt Nam như dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử… cũng đã đưa ra kế hoạch sẽ tăng trưởng trên 10% so với năm 2021.
“Để tận dụng tốt các FTA DN đã chủ động đa dạng nguồn cung đầu vào, tăng số lượng hàng dự trữ cũng như mở thêm nhà xưởng, liên kết để tạo thành quy trình hoàn thiện sản phẩm. Đặc biệt, công ty cũng đã đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, triển khai các sản phẩm xuất khẩu giá trị gia tăng cao”, ông Iron cho biết .
Bà Nguyễn Thanh Hà, cho biết ngành công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN nắm chắc các quy định để tận dụng các cơ hội, khắc phục những hạn chế, thách thức, khai thác, phát huy tối đa lợi thế của các FTA. Cùng với đó, hỗ trợ các DN mở rộng và đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, thúc đẩy xuất khẩu phát triển bền vững; đồng thời, chú trọng đổi mới công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử...
Kiến nghị đến các ngành chức năng, nhiều DN cho rằng dù xuất khẩu đang trong giai đoạn phục hồi tốt nhưng hiện tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp, căng thẳng chiến tranh Nga - Ukraine cũng đang tác động đến hoạt động xuất khẩu, do vậy thời gian tới các địa phương, các ngành liên quan cần tiếp tục hỗ trợ DN nắm bắt thông tin thị trường. Cùng với đó, cần tạo điều kiện để các đơn vị logistics có hướng liên kết với các hãng tàu biển, cung cấp kịp thời container, hạ giá thành cước tàu biển nhằm hóa giải khó khăn cho DN xuất khẩu.
TIỂU MY - CẨM TÚ