Xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng - Kỳ 1

Thứ hai, ngày 14/06/2021

(BDO) Kỳ 1: Ngành hàng chủ lực tăng trưởng cao

 Sau khoảng thời gian khó khăn, hầu hết mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh hiện nay đã cân bằng hoặc lấy lại đà tăng trưởng so với trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Trong đó, nhiều mặt hàng chủ lực đạt mức tăng trưởng cao.

 Tăng trưởng 2 con số

Hoạt động xuất khẩu (XK) của Bình Dương 5 tháng đầu năm 2021 ghi nhận đà tăng trưởng cao so cùng kỳ năm 2020. Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các mặt hàng như điện tử, dệt may, giày dép, chế biến gỗ... đều đã lấy lại đà tăng trưởng, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy XK chung của tỉnh trong năm 2021.

Xuất hàng tại Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (KCN VSIP I)

Tháng 5, kim ngạch XK sản phẩm gỗ ước đạt 654,9 triệu USD, tăng 0,9% so với tháng trước. Lũy kế 5 tháng ước đạt 2.967,5 triệu USD, tăng 56,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 20,9% tổng kim ngạch XK. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp (DN) gỗ đã có đơn hàng đến cuối năm 2021. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hiện vẫn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí có DN phải từ bỏ đơn hàng vì lo không đáp ứng được yêu cầu.

Vượt qua những khó khăn, các DN dệt may cũng nhanh chóng chuyển đổi kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng như bảo hộ lao động, dệt kim, sơ mi truyền thống để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, mức tăng trưởng đã đạt kết quả khả quan. Kim ngạch XK dệt may 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1.181 triệu USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 8,3% tổng kim ngạch XK. Tuy nhiên, các đơn hàng dù đã phủ kín chuyền may nhưng giá trị cũng như chủng loại hàng có những thay đổi khiến DN phải đối mặt rủi ro mới.

Cùng với việc nỗ lực đổi mới, từng bước tận dụng các lợi thế khi Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngành da giày đã dần hồi phục. Trong thời gian dịch bệnh, các DN da giày của Việt Nam đã chứng minh được khả năng làm R&D (nghiên cứu phát triển) và thiết kế mẫu, những công đoạn mang lại giá trị gia tăng lớn trong sản phẩm. Kết quả, kim ngạch XK giày dép ước đạt 179,6 triệu USD trong tháng 5, tăng 1,2% so với tháng trước. Lũy kế 5 tháng ước đạt 853,1 triệu USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 6,0% tổng kim ngạch XK.

Chắt chiu cơ hội

Nhờ tận dụng tốt các hiệp định thương mại, dự kiến hàng hóa XK của Bình Dương sẽ tiếp tục thâm nhập mạnh thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thúc đẩy tăng trưởng mạnh. Tuy vậy, các DN phải chấp nhận và đáp ứng những điều kiện khắc nghiệt hơn khi thời gian giao hàng rút ngắn 30%, giá giao hàng lên tàu (FOB) giảm, phải minh bạch chuỗi cung ứng. Trao đổi với chúng tôi, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, chia sẻ kết quả đạt được những tháng đầu năm 2021 là ngoài kỳ vọng. Song, đơn hàng nhiều lại khiến ngành gỗ rơi vào tình cảnh phát triển nóng, cầu nhiều hơn cung. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu tăng mạnh, loại vật tư tăng giá nhẹ nhất cũng vào khoảng 50%, khiến các DN phải dè chừng trong việc nhận đơn hàng. Nguồn cung hạn chế, chính các DN trong ngành phải tranh giành nguyên liệu, từ đó đẩy giá lên cao.

Hiện nay DN XK vẫn đang khá bị động trong vận chuyển hàng hóa theo đường biển, bởi hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng tàu nước ngoài. Do vậy, các DN mong muốn Chính phủ và các bộ ngành cần sớm có sự can thiệp, làm việc với các hãng tàu nước ngoài để có sự hỗ trợ nhất định cho DN XK Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh. Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ngành công thương nhìn nhận, khi cộng đồng DN tận dụng tốt hơn cơ hội từ các hiệp định thương mại sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình XK. Đặc biệt, cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng, đã và đang là động lực rất lớn trong việc phát triển các DN XK cũng như thu hút, mở rộng đầu tư.

Tuy vậy, hoạt động XNK của các DN hiện vẫn phải đối mặt nhiều thách thức như việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Trước tình hình đó, ngành công thương khuyến nghị bản thân DN phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới. (Còn tiếp)

 Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, trong thời gian tới, ngành công thương sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN về thị trường, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến XNK, tháo gỡ khó khăn về đầu vào, hỗ trợ thông tin, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm thúc đẩy XK hàng hóa. Hiện ngành công thương đã xây dựng Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Bình Dương. Liên hệ với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam để phối hợp tổ chức hội thảo “Hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ hưởng ưu đãi thuế trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu”.  

 TIỂU MY