Xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng

Thứ bảy, ngày 25/11/2023

(BDO) Năm 2023, trước tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, với sự hỗ trợ tích cực từ các bộ ngành và địa phương, kim ngạch xuất khẩu tăng dần vào cuối năm, đặt nền móng cho tăng trưởng vào năm 2024.

Phát triển thị trường

Trao đổi với chúng tôi về những nỗ lực của ngành công thương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh xuất khẩu, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), cho biết ngay từ đầu năm 2023, ngành công thương đã phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, mở rộng thị trường, thu hút thêm các đơn hàng xuất khẩu. Trọng tâm là các giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn DN tiếp cận thông tin về cung cầu thị trường hàng hóa của các nước đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long (TP.Tân Uyên) nỗ lực sản xuất, giữ gìn thương hiệu xuất khẩu uy tín

Tại Bình Dương, nắm bắt được những cơ hội, trong 6 tháng cuối năm tình hình xuất nhập khẩu đã được cải thiện. Tuy tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu cả năm 2023 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ nhưng ký kết đơn hàng xuất khẩu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo Sở Công thương, ước cả năm 2023 xuất siêu của tỉnh đạt khoảng 9,2 tỷ USD, xuất khẩu ước đạt 32,9 tỷUSD (giảm 5% so với cùng kỳ), nhập khẩu ước đạt 23,7 tỷUSD (giảm 7,1% so với cùng kỳ).

Trong khó khăn, điều đáng mừng là rất nhiều DN vẫn tìm kiếm những bước đi bền vững. Chia sẻ với chúng tôi, ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty TNHH Phước Dũ Long, cho biết năm 2023 công ty tiếp tục được Bộ Công thương bình chọn là DN xuất khẩu có uy tín. Đó là động lực lớn để DN nỗ lực giữ vững sản xuất trong bối cảnh thị trường khó khăn.

“Những tháng vừa qua, do ít đơn hàng, công ty tổ chức bảo trì nhà xưởng, đầu tư máy móc, thử nghiệm những mẫu thiết kế mới… với hy vọng bước sang năm 2024 kinh tế hồi phục, đơn hàng trở lại dồi dào. Công ty cho lắp thêm lò sấy gốm mộc, tận dụng nhiệt thừa từ kênh phát thải và quá trình làm nguội sản phẩm gốm sau khi nung đốt đáp ứng xu hướng tiết kiệm năng lượng hiệu quả”, ông Tín cho biết thêm.

Hướng đến xuất khẩu bền vững

Theo đánh giá của ông Vũ Bá Phú, Bình Dương là địa phương có mức độ tăng trưởng xuất khẩu hàng đầu cả nước, tuy nhiên vẫn cần hướng đến phát triển bền vững. Tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh nhanh nhưng chưa vững chắc, độ mở của nền kinh tế qua kênh xuất khẩu khá lớn nhưng quy mô xuất khẩu còn hạn chế. Bên cạnh đó, xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài. Ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, dẫn đến còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương: Năm 2023, công tác xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm quy mô quốc tếtrong nước và nước ngoài được Sở Công thương phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị triển khai đồng bộ và hiệu quả. Các hoạt động đãhỗ trợ tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho DN quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu trong giai đoạn khó khăn.

Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, ngành đang nỗ lực triển khai kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa và thúc đẩy DN Việt tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030. Năm 2024, ngành sẽ tổ chức thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm phục hồi và tăng trưởng xuất khẩu bền vững, khai thác tối đa cam kết trong các FTA nhằm đa dạng hóa thị trường, từng bước đưa hàng hóa xuất khẩu của tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, củng cố và phát triển thị trường trong nước, tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam; chú trọng những chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến, sản phẩm nông sản; xử lý nghiêm đối với các hành vi buôn lậu, hàng giả, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển trên thị trường nội địa.

Thực hiện có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại nước ngoài cũng là giải pháp giúp DN mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latinh, Đông Âu… Đi cùng giải pháp trên là thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa hướng đến xuất khẩu xuyên biên giới; thực hiện các giải pháp xây dựng thương hiệu hàng Việt; tiếp tục kịp thời cập nhật cho DN, hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường thông qua các cơ quan của bộ, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, ngành sẽ đẩy mạnh khai thác hiệu quả, tập trung hỗ trợ DN tận dụng cam kết trong các FTA; phối hợp với Bộ Công thương triển khai đánh giá Bộ chỉ số FTA Index, qua đó từng bước đổi mới hoạt động hỗ trợ DN thực thi hiệu quả các FTA; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu; thường xuyên tổ chức rà soát, nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để DN phát triển.

TIỂU MY - CẨM TÚ