Xuất khẩu khởi sắc, doanh nghiệp phục hồi

Thứ năm, ngày 16/05/2024

(BDO) Trong 4 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ghi nhận mức tăng trưởng cao với hơn 10,9 tỷ USD, đứng thứ 4 cả nước. Các sở, ngành, doanh nghiệp (DN) của tỉnh đang nỗ lực hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu. Nhiều DN nước ngoài cũng đã và đang tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư tại Bình Dương.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Yazaki EDS

Nhiều mặt hàng đạt mức tăng trưởng cao

Hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đang có nhiều thuận lợi, xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4-2024 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ. Các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ… đều có mức tăng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh.

Theo số liệu của Cục Hải quan tỉnh, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương đều đang hồi phục mạnh mẽ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của ngành gỗ trong 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.954,4 triệu USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 17,8% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh; mặt hàng dệt may đạt 925,5 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ; giày da đạt 545,9 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu đạt 511,7 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ.

Các DN trên địa bàn tỉnh thuộc hầu hết các ngành hàng cũng nhận định rằng, hoạt động xuất khẩu đang khởi sắc hơn khi tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang tốt dần lên. Điều này thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu tăng. Ông Lưu Phước Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết ngành gỗ luôn là một trong những điểm sáng của Bình Dương về kim ngạch xuất khẩu. Với nhiều thế mạnh cùng những chính sách hỗ trợ DN hiệu quả, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trên thị trường quốc tế. Hiện các DN đang nỗ lực tìm kiếm thêm đơn hàng thông qua tổ chức các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, đồng thời xúc tiến vào các thị trường mới khu vực Trung Đông. DN ngành gỗ cũng đang đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật số để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng tính hiệu quả và năng suất.

Củng cố niềm tin của doanh nghiệp

Những tháng đầu năm 2024, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh có dấu hiệu chậm lại, dù vậy, sản xuất, kinh doanh tại nhiều DN FDI trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định và tăng trưởng, doanh thu và kim ngạch xuất khẩu tăng. Từ đó, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng được củng cố.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2024 của Bình Dương đạt hơn 10,9 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Trong mức tăng trưởng chung, khối DN FDI vẫn tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt với tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt gần 8,9 tỷ USD, tăng 15,3%.

Hoạt động xuất nhập khẩu có tín hiệu phục hồi, xuất khẩu tại nhiều thị trường chủ lực đã lấy lại đà tăng trưởng là cơ hội tốt để các DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Bình Dương đang tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư gắn với xúc tiến thương mại, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm chi phí cho DN, hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là bảo đảm thông quan nhanh hàng hóa.

Khảo sát trong quý II-2024 có 41,78% số DN đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn so với quý trước, trong đó nhiều DN dự đoán số lượng đơn đặt hàng và doanh thu sẽ cao hơn trong quý II. Tuy vậy, nhiều DN FDI phản ánh họ đang phải đối mặt với những rào cản pháp lý ở Việt Nam, từ đó cản trở việc gia nhập thị trường và đầu tư dài hạn. Trong đó, gánh nặng hành chính được coi là trở ngại lớn cho việc thành lập và mở rộng hoạt động.

Tại các buổi gặp gỡ, đối thoại, xúc tiến đầu tư với lãnh đạo tỉnh, hầu hết các DN đều nhận định, mặc dù hiện tại và trong thời gian tới DN vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực, nhưng xét về lâu dài Bình Dương vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận định Bình Dương là “đất lành” để phát triển lâu dài. Theo bà Bonnie Tu, Chủ tịch Tập đoàn sản xuất xe đạp Giant (Đài Loan), sau thời gian hoạt động tại Bình Dương, tập đoàn nhận thấy có nhiều cơ hội để mở rộng quy mô và phát triển hơn nữa. Sắp tới, tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp VSIP 3 với số vốn khoảng 120 triệu USD. Năm 2021, Tập đoàn Giant đã đầu tư xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp VSIP 2A, với số vốn đầu tư giai đoạn I khoảng 60 triệu USD và quy mô dài hạn của dự án là sản xuất 1 triệu chiếc xe đạp mỗi năm.

Mới đây, Tetra Pak cũng công bố sẽ đầu tư thêm 97 triệu Euro vào nhà máy sản xuất hộp giấy đựng đồ uống tại Bình Dương, nâng tổng mức đầu tư kể từ năm 2019 đến nay lên hơn 217 triệu Euro. Ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam, cho biết việc mở rộng này là minh chứng cho cam kết lâu dài của Tetra Pak tại thị trường Việt Nam kể từ khi Tetra Pak bắt đầu hoạt động từ 30 năm trước. Tetra Pak tin tưởng rằng những bước tiến này sẽ cho phép Tetra Pak không chỉ phục vụ các khách hàng của mình tốt hơn mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế của quốc gia và địa phương.

 Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 4, có 4 tỉnh, thành phố đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên, gồm: TP.Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên và Bình Dương. TP.Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì vị thế xuất khẩu lớn nhất cả nước, Bình Dương đứng thứ 4 cả nước về kim ngạch xuất khẩu với hơn 10,9 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước hơn 2 tỷ USD, tăng 16,8%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 8,89 tỷ USD, tăng 15,3%. Mỹ là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất của tỉnh với tổng kim ngch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 4,8 tỷ USD, chiếm 44,2% kim ngạch xuất khẩu và tăng 14,3% so với cùng kỳ.

 NGỌC THANH