Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ: Kim ngạch chưa cao nhưng bền vững

Thứ tư, ngày 08/09/2010

Là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh hiện nay, ưu thế của ngành hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) so với các ngành hàng khác thật sự nổi bật. Ngoài việc tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, giá trị thực thu cao... xuất khẩu hàng TCMN còn góp phần chuyển tải nét đặc thù truyền thống dân tộc đến bạn bè quốc tế.

Bình Dương là một trong những địa phương có ngành hàng TCMN mạnh nhất nước với nhiều cơ sở và doanh nghiệp (DN) sản xuất sơn mài, gốm sứ, mây tre lá... Trong đó có nhiều thương hiệu trở nên nổi tiếng như Gốm sứ Minh Long I, Cường Phát, Đại Hồng Phát; Sơn mài Đồng Tâm, Hùng Hương; Mây tre lá Ba Nhất... Tuy số lượng có nhiều nhưng xuất khẩu hàng TCMN mạnh hiện nay chỉ tập trung vào khoảng hơn 100 DN gồm 20 DN có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 80 DN trong nước với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm hơn 140 triệu USD. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2010, tuy phải cạnh tranh mạnh với các nước trong khu vực nhưng xuất khẩu hàng TCMN của Bình Dương tiếp tục đạt kết quả khả quan với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 88 triệu USD. Thị trường xuất khẩu hàng TCMN của các DN Bình Dương hiện nay lên đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chiếm tỷ lệ lớn vẫn là thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật...

 

Sản xuất mây tre lá tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn

Nếu so sánh với các ngành hàng khác như gỗ, dệt may, da giày... dù kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN không bằng nhưng lại có tính bền vững hơn vì gỗ, dệt may, da giày có nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu đến 80% và nhiều đơn hàng chủ yếu gia công là chính. Trong khi đó phần lớn nguyên phụ liệu sản xuất hàng TCMN đều tận dụng trong nước. Điểm nổi bật hơn nữa về ưu thế của ngành hàng TCMN khi xuất khẩu chính là nét đặc thù văn hóa trên từng sản phẩm làm thế mạnh cạnh tranh. Nói đến yếu tố truyền thống này trong dòng sản phẩm TCMN Bình Dương, Giám đốc DNTN Đại Hồng Phát Nguyễn Thị Hồng Vân tự hào cho rằng “sản phẩm TCMN của Bình Dương mang đậm dấu ấn về truyền thống của một vùng đất được thể hiện qua những nét hoa văn họa tiết độc đáo trên sản phẩm. Do vậy, ngoài giá trị sử dụng thì sản phẩm còn là những tác phẩm nghệ thuật được khách hàng nước ngoài rất ưa chuộng là điều tất yếu”. Cũng theo bà Vân, vì mang tính truyền thống nên hàng TCMN có đội ngũ công nhân đông đảo và lành nghề được kế thừa và học hỏi những kinh nghiệm quý báu từ những người đi trước, đây là lợi thế lớn tạo nên nét riêng cho từng sản phẩm TCMN của tỉnh nhà.

Tuy thuận lợi nhiều nhưng xuất khẩu hàng TCMN cũng lắm thách thức, nhất là cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các sản phẩm mang đậm phong cách Á Đông của các nước trong khu vực khi xuất khẩu vào Mỹ, châu Âu. Giải quyết vấn đề này, Giám đốc Công ty TNHH Cường Phát Lý Ngọc Bạch cho rằng: “Để nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng TCMN, bên cạnh việc tập trung tìm tòi sáng tạo nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến biện pháp quản lý, cải tiến công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất thì DN cần đầu tư cho việc thiết kế, tạo nhiều sản phẩm mới dựa trên thế mạnh truyền thống của mình và đồng thời nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng để mở rộng thị trường xuất khẩu”.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực hiện nay, ưu thế của hàng TCMN có tính vượt trội. Đó là việc sử dụng nguyên phụ liệu trong nước là chính nên giá trị thực thu từ xuất khẩu rất lớn. Hơn nữa, ngoài giá trị về kinh tế, yếu tố đặc biệt mà các ngành hàng khác không có được đó là khi xuất khẩu, tự thân sản phẩm TCMN đã góp phần giới thiệu và chuyển tải một phần văn hóa truyền thống Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Để tiếp tục đưa xuất khẩu hàng TCMN gia tăng theo hướng bền vững, giải pháp mà DN cần tập trung hiện nay là năng lực, kiến thức, kỹ thuật, thị trường... Qua đó phân tích kỹ và sâu để có chiến lược hợp lý phù hợp với điều kiện sản xuất - kinh doanh của từng đơn vị. Có như vậy mới chủ động gia tăng sản xuất và xuất khẩu mặt hàng TCMN.

TRỌNG MINH