Xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ: Doanh nghiệp cần tuân thủ nhiều quy định khắt khe
(BDO) Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường đòi hỏi nhiều quy định khắt khe, phức tạp. Vì vậy, DN trong tỉnh cần nắm rõ những điều kiện để xuất khẩu sang thị trường này.
Sản xuất sản phẩm gỗ tại Công ty TNHH Liên Thanh (TX.Bến Cát).
Ảnh: TIỂU MY
Nhiều quy định khắt khe
Hoa Kỳ là thị trường quan trọng bậc nhất của ngành chế biến gỗ, dệt may của DN Bình Dương. Tuy vậy, theo các DN gỗ, để bảo đảm hàng hóa xuất khẩu ổn định và phát triển ở thị trường này, DN trong tỉnh cần nắm vững các quy định của nước sở tại.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc giảm giá mạnh đồng nhân dân tệ trong tháng 8 vừa qua nhằm đáp trả Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh thương mại dự báo sẽ gây nhiều tác động đến tình hình xuất khẩu sản phẩm gỗ của nước ta. Theo đó, giá hàng hóa của Việt Nam sẽ kém cạnh tranh hơn hàng hóa của Trung Quốc, đồng thời giá hàng hóa ở các thị trường xuất khẩu truyền thống của nước ta như Mỹ, Liên minh châu Âu sẽ tăng do tác động của việc quy đổi tỷ giá, dẫn đến sức mua của người tiêu dùng giảm.
Bà Phan Lê Diễm Trang, Giám đốc Công ty TNHH May mặc NALT (TX.Bến Cát), chia sẻ các DN cần nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn dệt may của Hoa Kỳ cùng những yêu cầu mà các đối tác đưa ra. Cụ thể, DN cần tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về chất lượng, tiêu chuẩn an toàn, xuất xứ hàng hóa…
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp tỉnh, cho biết tại hội chợ hàng dệt may tổ chức ở Las Vegas, Hoa Kỳ vừa qua, các gian hàng dệt may của Bình Dương do Sở Công thương hỗ trợ tham gia đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đối tác Hoa Kỳ. “Chúng tôi kỳ vọng sau hội chợ này, nhiều hợp đồng sẽ được ký kết, các DN dệt may của Bình Dương sẽ rộng đường vào thị trường đầy tiềm năng này”, bà Duyên nói.
Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ, ông Trần Anh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Liên Thanh (TX.Bến Cát), cho biết các DN cần lên kế hoạch xuất khẩu hàng hóa một cách kỹ lưỡng, nghiên cứu cẩn thận thị trường cũng như các phương thức, thủ tục xuất khẩu. Trước khi chuyển hàng, nhà xuất khẩu cần kiểm tra những quy định cụ thể khi xuất hàng vào thị trường Hoa Kỳ, ước tính phí hải quan, cung cấp chứng từ theo quy định, trong đó cần chú ý đến xuất xứ hàng hóa.
Trong quá trình chuyển hàng, các DN phải có giấy bảo đảm nợ thuế hải quan, phải trung thực trong khai báo hải quan, kiểm tra chính xác các chứng từ… Bên cạnh đó, các DN cần quan tâm đến việc quản trị cũng như phúc lợi xã hội khi muốn được ký kết hợp đồng với các đối tác. Đây cũng là một quy định không kém phần quan trọng trong nguyên tắc ký kết hợp đồng. “Phía DN Hoa Kỳ không quá xem trọng quy mô DN, mà quan trọng là chất lượng hàng hóa, hiểu biết về thị trường Hoa Kỳ và vấn đề phúc lợi xã hội của DN”, ông Vũ lưu ý.
Chung tay gỡ khó
Theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương, mặc dù có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ nhưng thách thức lớn mà ngành gỗ phải đối mặt là dòng vốn đầu tư vào ngành gỗ từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh, sẽ khiến mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam bị cơ quan thương mại Hoa Kỳ để ý về việc lẩn tránh thuế của DN Trung Quốc.
Rủi ro trong các mặt hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ hình thành nếu các sản phẩm từ Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam, qua sơ chế hoặc không sơ chế, lấy chứng nhận xuất xứ từ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào Hoa Kỳ nhằm né thuế. Đây là hành vi gian lận thương mại có thể gây ra những tổn hại lớn cho ngành gỗ Việt Nam.
Hiện Chính phủ Hoa Kỳ đang thực hiện điều tra 5 công ty nước này nhập khẩu ván ép có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng có chứng nhận xuất xứ của Việt Nam. Để tránh gặp phải những bất lợi từ thị trường Hoa Kỳ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khuyến cáo các DN xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ. Đồng thời, các DN cần phối hợp theo dõi sát thị trường để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các DN trong nước bị liên lụy và ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh và phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm nay Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam với trị giá đạt 7,03 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 46,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Theo bà Trang, khó khăn lớn nhất của DN dệt may trong nước hiện nay là do đa phần đều là DN nhỏ, kỹ thuật còn hạn chế nên khó đáp ứng được các tiêu chuẩn đánh giá khắt khe của đối tác. Bên cạnh đó, các DN dệt may cần nâng cao năng lực quản trị nếu muốn nhận được nhiều đơn hàng từ các đối tác Hoa Kỳ.
Lãnh đạo nhiều DN trong tỉnh cho biết để giải quyết những khó khăn nói trên, bên cạnh sự nỗ lực của các DN cũng cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía ngành chức năng.
Theo thông tin từ Bộ Công thương, hiện nay Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham)… đã đồng ý hợp tác để giúp đỡ các công ty Việt Nam có được quy định xác định trước (Advance Ruling) từ cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ. Từ đó, các DN có thể xác nhận được cách phân loại thuế quan, các loại thuế nhập khẩu, giá trị thẩm định của hàng hóa, các quốc gia xuất xứ và những ghi nhận bắt buộc cho mỗi quốc gia. Điều này sẽ giúp hoạt động thương mại của DN trong nước có nhiều thuận lợi hơn và đưa ra các quyết định kinh doanh khi biết được hàng hóa của mình sẽ được xử lý như thế nào khi nhập khẩu vào Mỹ. |
TIỂU MY