Xuất khẩu hàng hóa khởi sắc
(BDO) Hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng năm 2024 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Cùng với sự phục hồi của thị trường thế giới, các DN chủ động tìm kiếm đơn hàng, khai thác thị trường mới.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu giúp DN chủ động ổn định đầu ra cho sản phẩm. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Kim Sang (TP.Tân Uyên)
Thị trường xuất khẩu dần phục hồi
Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 22,5 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2023. Với mức tăng trưởng này ghi nhận đà phục hồi thị trường xuất khẩu của các DN Việt Nam.
Theo các DN dệt may, sở dĩ xuất khẩu có sự khởi sắc là do các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên. Thêm vào đó, các DN dệt may Việt Nam đã và đang tích cực mở rộng, đa dạng hóa thị trường và khách hàng, nên chủ động đầu ra cho sản phẩm của mình. Cùng với dệt may, da giày cũng là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 26-27 tỷUSD trong năm nay.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho biết hiện nay DN ngành da giày ở Bình Dương đã có đủ đơn hàng xuất khẩu cho cả năm 2024. Bên cạnh đó, nhờ điều kiện sản xuất trong nước ổn định nên lượng đơn hàng những tháng cuối năm đã dịch chuyển từ một số quốc gia châu Á về Việt Nam, mở ra triển vọng tốt đẹp cho ngành da giày trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng ngành da giày vẫn đối mặt với không ít thách thức, nhất là khi các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu yêu cầu truy xuất nguyên phụ liệu ngày càng chặt chẽ, qua việc sẽ áp dụng các quy định mới trong thời gian tới.
Hoạt động sản xuất gỗ tại Công ty TNHH MTV Danh Tùng (TP.Thuận An)
Chủ động đa dạng hóa thị trường
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết sở đã và đang tích cực phổ biến, hướng dẫn nội dung các cam kết và cách thức tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đến cộng đồng DN, hiệp hội ngành hàng nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời, sở cũng hỗ trợ DN xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng.
“Chúng tôi cũng mời các DN, hiệp hội ngành hàng tham dự các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Tham dự hội nghị, DN, hiệp hội ngành hàng sẽ được hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, DN, hiệp hội ngành hàng về xuất nhập khẩu”, ông Nguyễn Thanh Toàn nói.
Cũng theo lãnh đạo Sở Công thương, khai thác tiềm năng từ những quốc gia có nhiều người dân theo đạo Hồi đang được DN Việt Nam hướng tới. Tuy vậy, những quy chuẩn khắt khe về chứng nhận thực phẩm Halal là điều các DN muốn kinh doanh ở thị trường này cần đặc biệt quan tâm.
Bà Quyền Thị Thúy Hà, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản, cho rằng tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản còn rất lớn. Việc kết hợp giữa sức mạnh sản xuất của Việt Nam và công nghệ, quản lý chất lượng của Nhật Bản có thể mang lại những lợi ích lớn cho cả hai bên. Hiện 2 nước tham gia 4 FTA song phương và đa phương, điển hình như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - FTA thế hệ mới giữa ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand. RCEP là đối tác cung cấp bộ phận, linh kiện điện tử lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 66% tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này. Từ đó, các sản phẩm khi được xuất khẩu sang Nhật Bản cũng sẽ có lợi thế hơn vì giảm được chi phí sản xuất, giảm giá thành...
TIỂU MY - CẨM TÚ