Xuất khẩu gỗ tăng trưởng hai con số: Các doanh nghiệp không chủ quan

Thứ tư, ngày 23/10/2024

(BDO) Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam trong 9 tháng năm 2024 đã tăng trưởng 2 con số và dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng này cho tới cuối năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) ngành chế biến gỗ Bình Dương không chủ quan vì còn tiềm ẩn nhiều khó khăn. 

Kỳ vọng về đích

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính chung 9 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước đạt 11,7 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2023, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 8,04 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ. Trong đó, Bình Dương chiếm đến gần 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.


Sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Nội thất gỗ Phú Đỉnh (huyện Dầu Tiếng)

Theo số liệu của Sở Công Thương, sản xuất xuất khẩu gỗ vẫn đang đứng đầu cả tỉnh về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chủ lực. Lũy kế 9 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4.896,2 triệu USD, tăng 27,7% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 18,8% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Đáng chú ý, tháng 9 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 657,8 triệu USD, tăng 1,1% so tháng trước, tăng 49,3% so cùng kỳ. Các DN ngành gỗ đã vươn tới 170 thị trường thế giới. Trong đó, 5 thị trường lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ.

Để phát triển thị trường, các DN ngành chế biến gỗ Bình Dương đã phát triển thương mại điện tử, kết hợp giữa bán hàng truyền thống và trực tuyến để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm khách hàng ở những nước tiên tiến phát triển mới. Bên cạnh các thị trường lớn, xuất khẩu tới nhiều thị trường tiềm năng cũng tăng trưởng tốt, trong đó đáng chú ý là Ấn Độ. 

Theo ông Cao Văn Đồng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kettle Interiors Asia (TP.Dĩ An): “Ấn Độ được xác định là một trong những thị trường tiềm năng cho đồ gỗ và nội thất xuất khẩu của Việt Nam với giá trị giao dịch mặt hàng này tăng trưởng khá nhanh trong 2 năm gần đây. Với dân số hơn 1,4 tỷ người, ngành nội thất và thiết kế của Ấn Độ đang bùng nổ do thị trường bất động sản đang phát triển, dân số ngày càng tăng, mức thu nhập tăng và quá trình đô thị hóa không ngừng biến đổi. Với tổng quy mô thị trường là 41 tỷ USD, Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ đồ nội thất lớn thứ tư thế giới. Tuy nhiên, cần có chiến lược đi sâu vào thị trường để tìm hiểu thị hiếu, văn hóa…”.

Tuy có đơn hàng sản xuất, song các DN dự báo từ nay tới cuối năm sẽ đối mặt với nhiều khó khăn bởi tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường. Xung đột địa chính trị, tác động giá cước vận tải biển tăng cao dẫn đến giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng, khiến giá thành sản phẩm đầu ra tăng.

Đánh giá về bức tranh xuất khẩu 9 tháng của năm 2024, ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty Hiệp Long (TP.Thuận An) cho rằng, tăng trưởng hai con số hiện nay chủ yếu do năm 2023 xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã giảm rất sâu (giảm 15,9%) sau nhiều năm tăng trưởng liên tục. Nếu so sánh với năm 2022, là năm kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 16,1 tỷ USD thì tăng trưởng 9 tháng đầu năm nay cũng chỉ nên coi là sự phục hồi sau khi giảm chạm đáy. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đã phục hồi nhanh hơn dự báo và cao hơn nhiều ngành hàng khác.

Tuân thủ quy định 

Nhận định về tình hình xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm của Bình Dương và cả nước, ông Huỳnh Quang Thanh cho rằng, với đà tăng trưởng của 9 tháng năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản của cả năm có thể khả quan. Bởi thông thường, trong quý cuối năm sẽ vào cao điểm mua sắm của người tiêu dùng tại nhiều nước. Do đó, khả năng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ tăng tốc về đích. 


Kết nối phát triển chuỗi cung ứng ngành gỗ theo hướng gắn kết thị trường. Trong ảnh: Sản xuất gỗ tại TP.Tân Uyên

Tuy nhiên, đáng lo ngại là từ ngày 2-10, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố đề xuất hoãn thực thi Quy định chống phá rừng (EUDR). Theo dự kiến, quy định EUDR sẽ bắt đầu thực thi vào tháng 1-2025. Bên cạnh đó là luật cấm nhập khẩu vào EU những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng, nhằm hạn chế các sản phẩm liên quan đến phá/suy thoái rừng vào thị trường EU, đồng thời khuyến khích mua bán các mặt hàng hợp pháp và không gây phá rừng. 

Một trong những điểm mới và gây chú ý nhất của EUDR chính là yêu cầu DN xuất khẩu phải nộp bản cam kết thẩm định chuỗi cung ứng. Bản cam kết này đóng vai trò như một “hộ chiếu” để sản phẩm được lưu thông tự do tại thị trường EU. Tuy nhiên, để hoàn thiện bản cam kết này, DN phải trải qua một quá trình phức tạp và tốn kém.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho hay: DN ở Việt Nam đang sản xuất ở Việt Nam phải tuân thủ tất cả các luật pháp do Việt Nam quy định bao gồm: quyền sử dụng đất hợp pháp; vấn đề về lao động; chứng minh các vấn đề bảo vệ môi trường như đánh giá tác động môi trường, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ luật pháp… 

“Thêm vào đó, DN phải có hệ thống trách nhiệm giải trình (DDS) để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của EUDR. Quy định này làm phát sinh thách thức mới với DN gỗ khi cùng với việc thực hiện trách nhiệm giải trình bảo đảm nguyên liệu gỗ hợp pháp, DN phải cung cấp bằng chứng về tọa độ địa lý đến từng khoảnh rừng để chứng minh gỗ nguyên liệu được khai thác không gây mất rừng và suy thoái rừng. EUDR cũng yêu cầu các DN phải báo cáo công khai hằng năm về hệ thống việc giải trình và các công việc đã làm để hoàn thành trách nhiệm này”, ông Ngô Sỹ Hoài nói.

“Gỗ là lĩnh vực nhạy cảm đã được “nội soi” rất kỹ vì liên quan rừng. Do đó, Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các địa phương cần tăng cường phát đi thông điệp mạnh mẽ ngành công nghiệp gỗ Việt Nam kiên quyết theo đuổi con đường phát triển có trách nhiệm, phát triển bền vững, phát triển không gây hại cho môi trường mà còn giảm phát thải, đảm bảo tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng như toàn cầu”.

(Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST)

Tiểu My - Cẩm Tú