Xuất khẩu của tỉnh tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao

Thứ ba, ngày 05/07/2016

(BDO) Trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của tỉnh tiếp tục tăng cao. Mới đây, sự kiện người dân Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU), nhưng theo các doanh nghiệp, sự việc này không ảnh hưởng nhiều đến thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp trong những tháng tới.

Theo nhận định của doanh nghiệp, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh những tháng cuối năm tiếp tục tăng trưởng ổn định.Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Esquel Việt Nam (TX.Thuận An) Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Kim ngạch xuất khẩu tăng 16,5%

Trong 6 tháng qua, KNXK của cả tỉnh ước đạt gần 10 tỷ 693 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ và đạt 43,7% kế hoạch năm 2016. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt trên 2 tỷ 053 triệu USD, tăng 11,4%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 8 tỷ 640 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Đại diện Sở Công thương cho biết KNXK các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như gỗ, dệt may, da giày, điện tử... trong 6 tháng qua tăng cao. Nhờ tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước ta đã ký kết như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP), FTA Việt Nam - EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu… nên từ đầu năm đến nay, lượng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp tăng từ 10 - 15% so với cùng kỳ. Hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý IV năm 2016.

Đối với mặt hàng sản phẩm gỗ của tỉnh, trong 6 tháng qua KNXK ước đạt 1,17 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 10,9% tổng KNXK của cả tỉnh. Theo các doanh nghiệp gỗ, năm nay ngành chế biến gỗ xuất khẩu có đơn hàng dồi dào, trong khi đó giá nguyên vật liệu trong nước như gỗ tràm, cao su ổn định, giá ván gỗ nhập khẩu giảm. Theo dự báo, đến cuối năm 2016, KNXK ngành chế biến gỗ của tỉnh dự kiến đạt 2,4 tỷ USD. Bà Đỗ Thị Kim Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, Giám đốc Công ty Ván sàn Sao Nam, cho biết trong năm 2016, ngành gỗ của nước ta đặt mục tiêu KNXK đạt 8,3 tỷ USD, trong đó ngành gỗ của Bình Dương chiếm 37%. Dự kiến trong năm nay, ngành gỗ của tỉnh nhà tăng trưởng khoảng 20%.

Bà Loan cho biết thêm riêng đối với Công ty Sao Nam, 6 tháng qua công ty đã nhận được nhiều đơn hàng; đến thời điểm này công ty đã có đơn hàng ký đến hết năm. Hiện công ty đang thực hiện cuốn chiếu theo quy trình sản xuất của công ty và tiết kiệm thời gian. Dự kiến năm nay, công ty đạt mức tăng trưởng từ 20 - 25% so với năm trước.

Đối với hàng dệt may của tỉnh, KNXK trong 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,03 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ và chiếm 9,6% tổng KNXK của cả tỉnh. Riêng ngành giày dép, KNXK 6 tháng qua ước đạt 968 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ và chiếm 9% tổng KNXK của cả tỉnh. Theo bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Bình Dương, Giám đốc Công ty giày Liên Phát, tình hình xuất khẩu của ngành da giày trong tỉnh rất khả quan. Riêng Công ty Giày Liên Phát, hiện lượng đơn hàng đã được ký đến tháng 2-2017.

Theo các chuyên gia, từ nay đến hết năm 2016, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước sẽ có những thuận lợi về chính sách từ Trung ương. Bên cạnh đó, hiện Chính phủ đang nỗ lực loại bỏ các rào cản ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp, như các văn bản trái luật sẽ bị hủy bỏ từ ngày 1-7… Điều này sẽ tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp họ tự tin hơn trong quá trình hội nhập.

Ông Kent Teh, Tổng Giám đốc Công ty Esquel Việt Nam thì cho hay trong 6 tháng qua, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty khá tốt, doanh số tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2015. Esquel đã đầu tư nhà máy dệt nhuộm vào Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II. Để tăng doanh số, phát triển thị trường và bảo đảm kế hoạch đã đề ra, Esquel không chỉ dựa vào TPP, mà cái chính là trên nền tảng con người. Có như thế công ty mới nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của công ty trên thị trường.

Thị trường xuất khẩu ổn định

Từ giữa năm 2015, một số doanh nghiệp ngành gỗ trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, tập trung vào các khu công nghiệp. Điều đó cho thấy sự khởi sắc của ngành chế biến gỗ. Mặc dù hiện nay ngành gỗ vẫn còn gặp khó khăn đối với thị trường châu Âu, nhưng theo nhiều doanh nghiệp, ngành gỗ vẫn tiếp tục phát triển ổn định. Bà Loan cho biết người dân Anh đã quyết định rời EU, do đó thị trường này đang gặp một số khó khăn như đồng bảng Anh sẽ có những biến động tác động đến xuất khẩu của ngành gỗ. Tuy nhiên tác động này không nhiều, ngành gỗ vẫn khởi sắc.

Bà Loan chia sẻ trong điều kiện Việt Nam gia nhập TPP, ngay từ giữa năm 2015, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương đã có sự chuẩn bị và thống nhất thành lập một khu công nghiệp chuyên ngành. Hiện nay, hiệp hội đang xúc tiến tìm quỹ đất phù hợp để sớm cho ra đời khu công nghiệp chế biến gỗ của mình. Dự án này dự kiến có nơi tổ chức hội chợ triển lãm hàng năm, phòng trưng bày mẫu mã sản phẩm... Hiệp hội có thể đàm phán giá với các khách hàng tại trung tâm thương mại và hướng dẫn khách hàng đến các nhà máy trong khu công nghiệp của mình để kiểm tra mẫu mã, chất lượng sản phẩm.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu trong thời gian tới, bà Liên cho biết, Anh là thị trường chiếm 7% tổng KNXK của Việt Nam vào EU. Mặc dù người Anh đã quyết định rời EU nhưng trong năm 2016, ngành da giày chưa bị biến động do đơn hàng của các công ty trong tỉnh đến nay đã ký đến hết năm. Bên cạnh đó, EU đã trấn an việc nước Anh rời EU sẽ không ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam. Đối với tình hình xuất khẩu của Công ty Liên Phát, năm 2016 dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng gần 20% so với năm 2015. Còn theo ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, việc nước Anh rời EU có phần ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Hy vọng, với sự ổn định trong tương lai khi Anh có văn bản chính thức rời EU, thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước nói chung, của tỉnh Bình Dương nói riêng sẽ ổn định trở lại.

Theo ông Xô, trong thời gian tới, Nhà nước cũng cần tiếp tục có những chính sách về lãi vay cho các doanh nghiệp để họ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu tạo nguồn thu ngoại tệ về cho đất nước nhưng lại không được dùng ngoại tệ đó trong sản xuất kinh doanh, mà họ phải bán ngoại tệ đó cho ngân hàng Việt Nam, sau đó phải mua lại. Như vậy, các doanh nghiệp đã phải mất đi vài phần trăm (%) trong việc “mua đi bán lại”. Ông Xô hy vọng Chính phủ sẽ sớm có chính sách hợp lý để tháo gỡ vướng mắc này cho doanh nghiệp.

 

 PHƯƠNG LÊ

 

 

 

 

Từ khóa: