Xuất khẩu của Bình Dương: Duy trì đà tăng trưởng khá
(BDO) Trong quý I-2019, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như sản phẩm gỗ, dệt may, da giày, điện tử tăng 10 - 12% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả khả quan này tạo đà cho tỉnh hoàn thành tốt mục tiêu xuất khẩu năm 2019.
Quý I-2019, xuất khẩu của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất gỗ xuất khẩu của Công ty Lâm Việt (TX.Tân Uyên). Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Dồi dào đơn hàng xuất khẩu
Với việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2019 cùng cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ và Trung Quốc đang diễn ra đã tác động tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Bình Dương trong 3 tháng qua. Đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II-2019, lượng đơn hàng cũng tăng từ 10 - 15% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như sản phẩm gỗ, dệt may, da giày, điện tử duy trì mức tăng trưởng cao trung bình 10 - 12%; các mặt hàng còn lại tăng trưởng trung bình 5 - 10% so với cùng kỳ năm trước.
3 tháng qua, gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Các thị trường xuất khẩu gỗ chủ yếu của tỉnh như Mỹ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều đạt mức tăng trưởng tốt, lượng đơn hàng xuất khẩu tăng. Riêng đối với thị trường Mỹ, do Chính phủ nước này ban hành chính sách giảm thuế cho các doanh nghiệp nhằm kích thích nền sản xuất trong nước tăng trưởng, kể cả ngành gỗ, nên dự báo trong thời gian tới các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sẽ chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các doanh nghiệp bản địa.
Ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Lâm Việt (TX.Tân Uyên), cho biết năm 2018 xuất khẩu của công ty đạt 28 triệu USD, tăng hơn 20% so với năm 2017; quý I-2019 tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến thời điểm này, công ty đã ký đơn hàng đến tháng 6. Hiện công ty không nhận thêm nhiều đơn hàng vì năng suất, công suất nhà máy đã đến ngưỡng. Dự kiến trong năm nay, xuất khẩu của công ty đạt 34 triệu USD.
Đối với ngành dệt may, đến thời điểm này các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II-2019, một số doanh nghiệp có đơn hàng đến hết năm 2019; lượng đơn hàng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Nhằm đáp ứng điều kiện xuất sứ hàng hóa theo cam kết của các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia đối với ngành dệt may, đồng thời để được hưởng ưu đãi về thuế quan, các doanh nghiệp may mặc của Bình Dương đang từng bước xây dựng chuỗi cung ứng như đầu tư ngành dệt nhuộm, sản xuất vải, nguyên phụ liệu… nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và năng lực cạnh tranh của sản phẩm dệt may trên thị trường. Trong quý I-2019, ngành giày da của tỉnh tăng trưởng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng này như Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều đạt mức tăng trưởng khả quan; lượng đơn hàng xuất khẩu cũng tăng 10 - 15% so với cùng kỳ năm 2018.
Đối với ngành gốm sứ của tỉnh, xuất khẩu trong 3 tháng qua tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm gốm sứ Bình Dương liên tục được cải tiến về công nghệ, chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm. Đến nay, nhiều doanh nghiệp gốm sứ trong tỉnh đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý II-2019, lượng đơn hàng xuất khẩu cũng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Nỗ lực từ đầu năm
Trong năm 2019, với những tác động tích cực từ việc đẩy mạnh cải cách thểchế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư của Chính phủ và việc xóa bỏ rào cản thuế quan theo lộ trình của CPTPP là điều kiện thuận lợi để hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu đến các thành viên CPTPP.
Dự báo, trong năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của tỉnh tăng trên 15% so với năm 2018. Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương, cho biết hiện các doanh nghiệp thành viên dồi dào đơn hàng xuất khẩu. Hiện các đơn hàng may mặc đang có sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và những thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia mang lại, đặc biệt từ CPTPP.
Theo ông Liêm, năm 2019 các doanh nghiệp gỗ sẽ gặp nhiều thuận lợi. Hiện các doanh nghiệp gỗ trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn hàng xuất khẩu. Tuy vậy, để thực hiện các đơn hàng xuất khẩu lớn, các doanh nghiệp trong tỉnh cần đáp ứng các yêu cầu về mặt bằng, tài chính để đầu tư vào công nghệ sản xuất mới nhưng hiện 2 lĩnh vực này Bình Dương đang gặp khó. Chẳng hạn, để đáp ứng các đơn hàng có giá trị 100 triệu USD thì thiết bị sản xuất của doanh nghiệp phải được tự động hóa mới sản xuất kịp số lượng hàng hóa theo đơn hàng. Nhưng đầu tư vào thiết bị hiện đại đòi hỏi chi phí lớn, trong khi không phải doanh nghiệp gỗ nào ở Bình Dương cũng đủ tiềm lực để đầu tư. Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngành gỗ đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với đó là vấn đề tăng lương cho người lao động...
Bà Trương Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giày da Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (TX.Dĩ An), cho rằng do nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường chính của ngành da giày tiếp tục tăng cao, cộng thêm những ảnh hưởng tích cực của các hiệp định thương mại, đặc biệt là CPTPP nên kim ngạch ngành da giày xuất khẩu năm 2019 được dự báo sẽ tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành giày da Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức như sự gia tăng về chi phí nhân công, khả năng tự động hóa, xu hướng bảo hộ thương mại của một số thị trường... Do đó, để tận dụng tốt các lợi thế, doanh nghiệp da giày Việt Nam cần tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, tỷ lệ nguyên liệu nội địa hóa cũng như các trách nhiệm xã hội khác đã cam kết.
PHƯƠNG LÊ