Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, hiệu quả kinh tế cao
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Bình Dương đã xây dựng được nhiều chương trình, dự án phù hợp với xu thế phát triển của nông nghiệp Bình Dương theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao. Từ những chương trình, dự án này của TTKN, tại nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, đạt hiệu quả kinh tế cao. Nông dân ngày càng chú ý đến các loại vật nuôi có giá trị. Trong ảnh: Mô hình nuôi heo rừng lai của một hộ nông dân
Trước áp lực của quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa, đòi hỏi ngành nông nghiệp Bình Dương cần xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp và đạt hiệu quả cao. Trong năm 2011, TTKN đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện được 7 nhóm chương trình, bao gồm: Chương trình nông nghiệp đô thị, ven đô; chương trình phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày; chương trình phát triển chăn nuôi; chương trình phát triển thủy sản; chương trình phát triển vật nuôi đặc sản và thủy sản; chương trình huấn luyện đào tạo và chương trình thông tin tuyên truyền.
Đối với chương trình nông nghiệp đô thị, ven đô đã xuất hiện nhiều mô hình hay, rất thiết thực với tình hình sản xuất mới, trong đó mô hình trồng hoa lay-ơn đã thực hiện trình diễn được 15 điểm tại thị trấn Uyên Hưng, Thái Hòa và xã Thạnh Hội, Thạnh Phước của huyện Tân Uyên với tổng diện tích 0,3 ha. Năng suất bình quân đạt 1.946 cành hoa/200m2, cây sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh; hoa có độ bền và màu sắc đẹp hơn so với hoa nơi khác.
Tương tự, mô hình trồng hoa lan cũng đã thực hiện được 8 điểm trình diễn tại Bến Cát, Thủ Dầu Một và Thuận An. Thực hiện mô hình này cây lan phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, giá thành sản phẩm cạnh tranh tốt, chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Có thể xem đây là những mô hình mới và đã hình thành được các mô hình điểm làm nòng cốt, nông dân tham gia mô hình được tiếp thu được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, có tiềm năng mang lại thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là số lượng nông dân tham gia các mô hình chưa nhiều. Các mô hình khác nằm trong chương trình là mô hình trồng rau ăn lá an toàn (cải, hành lá); mô hình nuôi cá kiểng; dự án sản xuất dưa leo, khổ qua an toàn đều đã đạt được kết quả khả quan, thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều nông dân.
Đối với chương trình phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày có các mô hình như thâm canh cây cao su, thâm canh cây tiêu và thâm canh cây bưởi. Đây là các loại cây trồng chủ lực của nhiều địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù đã xuất hiện từ lâu, nhưng trong quá trình canh tác nhiều nông dân vẫn chưa áp dụng chính xác các phương pháp canh tác phù hợp như lạm dụng quá nhiều phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... Do vậy, việc xây dựng các mô hình điểm là nhằm giúp cho nông dân nắm bắt được kỹ thuật bón phân đủ lượng, đúng thời điểm và kỹ thuật khai thác đúng phương pháp, giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Qua thực hiện chương trình, các diện tích tham gia mô hình đều đạt sản lượng cao hơn so với diện tích ngoài mô hình, trong khi chi phí thấp hơn, góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Ngoài những đối tượng chăn nuôi truyền thống như heo, bò, gà... thời gian qua, người dân trong tỉnh cũng đã chú ý đến việc nuôi các đối tượng đặc sản nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường như nhím, thỏ, heo rừng lai, ba ba, lươn, ếch... Thực tế cũng cho thấy, những đối tượng vật nuôi này vừa phù hợp với việc sản xuất hàng hóa, vừa mang lại giá trị kinh tế cao và đặc biệt là rất phù hợp với môi trường tại Bình Dương. Nắm bắt được vấn đề này, trong năm 2011, TTKN đã xây dựng 5 mô hình trình diễn, gồm: Nuôi heo rừng lai, nuôi nhím, nuôi thỏ, nuôi gà H’Mông và nuôi ếch. Từ chương trình trình diễn cách nuôi đặc sản và thủy sản này đã góp phần làm thay đổi tập quán chăn nuôi cũ của bà con nông dân, từng bước phát triển hình thức chăn nuôi mới, tập trung; sản phẩm đạt năng suất cao, chất lượng tốt, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các mô hình trên tuy có những tác động tích cực trong việc thay đổi tập quán canh tác cũ và nâng cao thu nhập cho nông dân, nhưng việc nhân rộng, phát triển các mô hình này hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này xuất phát từ nguyên nhân là chi phí đầu vào còn cao; trong khi đó đầu ra của các sản phẩm không ổn định nên nhiều nông dân không dám đầu tư phát triển mô hình. Bên cạnh đó, các điều kiện bất lợi về thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng hạn chế nhiều đến sự phát triển các mô hình mới.
Ông Nguyễn Đình Cường, chủ trại nuôi gà thả vườn (xã Cây Trường, Bến Cát): “Mô hình nuôi gà thả vườn phù hợp với nhiều hộ gia đình nông thôn...”
Mô hình nuôi gà thả vườn rất phù hợp với tình hình thực tế của gia đình tôi và nhiều hộ xung quanh. Mô hình này đã thu hút sự quan tâm của nhiều hội viên nông dân trong và ngoài xã, nên thời gian qua đã có nhiều hội viên đến tham quan, học tập. Mô hình gà thả vườn quy mô hộ gia đình đáp ứng được quy trình quản lý nghiêm ngặt trong chăn nuôi. Tôi mong muốn các ngành chức năng tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi gà, các bệnh trên gà... nhằm giúp bà con nắm bắt kịp thời những tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào chăn nuôi, nhằm phát triển kinh tế gia đình.
Ông Nguyễn Hữu Đức, chủ trại hoa lan Mokara (xã An Điền, Bến Cát): “Cây hoa lan cho hiệu quả kinh tế khá cao...”
Sau thời gian thử nghiệm mô hình trồng lan, tôi thấy đây là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế khá cao trong cơ cấu trồng trọt hiện nay, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình ở nông thôn. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng lan và chuyển dần cây lan thành cây trồng chủ lực. Mặc dù đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, nhưng giá cây giống cũng cao, vốn đầu tư ban đầu lớn nên người ít vốn khó thực hiện. Do vậy, trong thời gian tới, cơ quan khuyến nông cần có thêm nhiều chương trình, dự án trồng hoa lan nhằm hỗ trợ, khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với quá trình phát triển của nông nghiệp đô thị.
Đà Bình