Xuân hành hương ở chùa Hội An
Bình Dương là vùng đất lành. Bình Dương còn có những điều rất đáng yêu khác. Đó là tình người, sự hòa hợp giữa các tôn giáo, tín ngưỡng dân gian… Thế nên Thành phố mới Bình Dương cũng đã xuất hiện chùa. Trong đó, Hội An là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng tại Thành phố mới Bình Dương.
Quang cảnh ngày khánh thành chùa Hội An
Chùa được xây dựng vào năm 2012, các hạng mục chính và khu chánh điện đã hoàn thành vào đầu năm Quý Tỵ 2013. Tổng diện tích khuôn viên rộng 5.000m2. Ở chùa Hội An còn có “Kỳ Lam Ngọc Phật”. Đó là bức tượng Phật bằng đá Saphia lớn nhất được an vị vào ngày 18-2- 2013 (nhằm ngày 9 tháng giêng năm Quý Tỵ). Từ khối đá nặng khoảng 46 tấn của vùng đất Quỳ Hợp, Nghệ An, khi hoàn thành pho tượng còn khoảng 30 tấn. Đây là tài sản vô giá cho vùng đất Bình Dương và Phật giáo Bình Dương. Pho tượng cũng đã được xác lập về tượng đá quý lớn nhất tại Việt Nam.
Thượng tọa Thích Huệ Thông, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh nói về việc ý nghĩa xây dựng ngôi chùa: “Người Việt đa phần theo tín ngưỡng Phật giáo, mái chùa là nét văn hóa đặc trưng gắn liền với cây đa, bến nước sân đình của mỗi vùng quê. Thế nên, đến một vùng đất mới cũng cần có ngôi chùa cho bà con đến sinh hoạt Phật sự… Hội An là ngôi chùa lịch sử đầu tiên được xây dựng tại Thành phố mới Bình Dương. Ngôi chùa sẽ là nơi hội tụ sự an lành, hạnh phúc, là nơi sinh hoạt Phật sự, hướng con người sống tốt. Đây còn là công trình kiến trúc làm đẹp hơn cho thành phố mới, cho cư dân ở đây…”.
Những dịp lễ, tết, khách hành hương đến chùa Hội An rất đông với mong muốn cầu bình an, sức khỏe… Bà con khi đến đây chiêm bái đều trầm trồ khen ngợi bức tượng Phật nhập Niết bàn “Kỳ Lam Ngọc Phật” được an vị tại chùa vào ngày mùng 9 tháng giêng năm Quý Tỵ 2013. Đến nay đã tròn một năm an vị bức tượng này. Cũng theo Thượng tọa Thích Huệ Thông, loại đá quý để làm “Kỳ Lam Ngọc Phật” này đã được hấp thụ linh khí trời đất hàng triệu năm tại xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Thượng tọa Thích Huệ Thông nhấn mạnh: “Chúng tôi gọi pho tượng này là “Kỳ Lam Ngọc Phật” với ý nghĩa, pho tượng Phật bằng đá quý này sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc, thịnh vượng và nhiều điều tốt lành cho con người trong hiện tại và tương lai… Ý nghĩa của “Kỳ Lam Ngọc Phật” còn là sự may mắn, an lạc. Đây là điều mà ai ai cũng kỳ vọng trong cuộc sống này”…
Về chất lượng của tượng Phật, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Giám đốc Viện Ngọc học và trang sức DOJI, Chi nhánh Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý DOJI đã trả lời trong văn bản giám định ký ngày 21-12- 2012, tại Hà Nội: “Kết quả giám định của chúng tôi là giám định cho toàn khối đá chứ không phải giám định cho từng vị trí nhất định trong khối đá đó. Chúng tôi đã đến nơi để khảo sát, lấy mẫu và phân tích bằng các phương pháp hiện đại… Có thể kết luận pho tượng Phật được làm từ loại đá có chứa nhiều chất liệu đá quý corindon (saphia) có độ bền và màu sắc đẹp”…
Du khách khi hành hương về chùa Hội An, đứng giữa khoảng đất trời mênh mông trong khuôn viên chùa, bên pho tượng Phật nhập Niết bàn để nghe tiếng chuông, lời kinh kệ ngân vang sẽ thấy một cảm giác bình yên, an vui. Chùa còn là một điểm du lịch tâm linh trong chuỗi các ngôi chùa ở Bình Dương cho khách chiêm bái khi đến với thành phố mới…
QUỲNH NHƯ