Xưa thắng giặc nay thắng nghèo
(BDO) Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, nghe theo lời kêu gọi của Tổ quốc, ông đã xung phong lên đường, hy sinh một phần thân thể cho độc lập, tự do của dân tộc. Đến thời bình, phát huy phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ”, ông lại vượt qua muôn vàn khó khăn tiếp tục xung phong trên mặt trận phát triển kinh tế. Đó là ông Tô Hữu Phúc, thương binh hạng 4/4 ở ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm.
Ông Tô Hữu Phúc bên vườn cây ăn trái của gia đình (ảnh chụp khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19)
Tàn nhưng không phế
Chúng tôi tìm về ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm để gặp thương binh Tô Hữu Phúc vào những ngày tháng 7 - tháng tri ân. Ông Phúc là người được mọi người trong xã nhắc đến như một tấm gương thương binh điển hình làm kinh tế giỏi. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp ông đó là một người dáng nhỏ con, nét mặt hiền lành, giản dị ngay cả trong lời nói.
Vừa dẫn chúng tôi tham quan vườn cây ăn trái của gia đình, ông Phúc cho biết, ông sinh ra trong một gia đình nông dân ở Bến Tre. Năm 19 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như bao thanh niên khác của đất nước, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ. Từ năm 1964, ông là y sĩ và sau đó được đơn vị chuyển qua đội phẫu thuật dã chiến ở Phân khu 5 (thuộc Quân khu miền Đông) lúc bấy giờ. Năm 1968, trong chiến dịch tổng tấn công và nỗi dậy Mậu Thân ông bị thương mất nửa bàn chân. Năm 1976, ông về công tác tại Cục Chính trị Quân khu 7 sau đó ông tiếp tục đi phục vụ ở chiến trường Campuchia với vai trò là trưởng đoàn quân y của đoàn chuyên gia quân sự. Năm 1987, ông về nước và công tác tại Sở Y tế tỉnh Bến Tre và nghỉ hưu năm 1993.
Ở cái tuổi 80, ông vẫn còn nhớ như in những tháng ngày chiến đấu đầy gian khổ. “Với tôi, đó là khoảng thời gian phải đối mặt với nhiều hiểm nguy nhưng lại rất đáng tự hào của tuổi thanh xuân. Thời gian trong quân ngũ đã rèn luyện cho tôi ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, gian khổ. Sau khi trở về địa phương, bản thân luôn trăn trở làm thế nào để gia đình thoát khỏi nghèo khó, con cái có điều kiện học hành đàng hoàng. Lúc bấy giờ, con đường duy nhất để thoát nghèo đó chính là tập trung làm kinh tế”, ông Phúc cho biết.
Tuy nhiên, con đường làm kinh tế của ông không mấy thuận lợi. Sau khi hùn vốn nuôi tôm bị thất bại ở quê nhà, năm 1998 ông quyết định về xã Hiếu Liêm làm ại từ đầu với hai bàn tay trắng. Được sự động viên, giúp đỡ của bạn bè, đồng đội năm xưa, ông mua được 5 ha đất để trồng hoa màu. Lúc bấy giờ lợi nhuận từ hoa màu không cao nhưng cũng phần nào giúp ông ổn định cuộc sống gia đình. Từ năm 2005, được huyện hỗ trợ kỹ thuật, ông đã tiến hành chuyển đổi sang trồng cây ăn trái có múi, đem lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. l
Bước lên những quả đồi cao trong vườn cây của ông nhìn xuống, chúng tôi bị choáng ngợp với màu xanh mướt mắt của cây trái và thầm thán phục về ý chí người thương binh này. Người thương binh năm nào dù mang trong mình nhiều thương tích, nhưng với tinh thần không khuất phục cái khó và dù đã ở độ tuổi 80 vẫn hăng say lao động, phát triển kinh tế gia đình xây dựng đất nước.
Người công dân kiểu mẫu
Nhớ lại những năm tháng khó khăn và những hy sinh để có được quả ngọt như ngày hôm nay, ông Phúc không khỏi bồi hồi xúc động. Ông tâm sự: “Có thất bại mới có thành công. Để có được thành quả như ngày hôm nay, tôi đã trải qua nhiều thất bại, đắng cay nhưng may mắn luôn có được sự ủng hộ của gia đình, anh em, bạn bè và đồng đội”.
Không chỉ nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, thương binh Tô Hữu Phúc còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội tại địa phương. Ông từng được mọi người tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã nhiều năm liền. Bằng uy tín, sự gương mẫu đi đầu, ông đã vận động, tuyên truyền nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tham gia phát triển các phong trào tại địa phương.
Với vai trò là người chồng, người cha trong gia đình, ông luôn khuyên nhủ, dạy bảo các con phải cố gắng học tập trở thành người tốt, người hữu ích cho xã hội. Bởi theo ông “có ăn có học mới thay đổi được số phận của cuộc đời mình”. Nhờ sự dạy bảo, dìu dắt của ông mà hiện nay các con của ông đều học cao và có việc làm ổn định.
Sống yêu thương, chan hòa với mọi người xung quanh, sẵn sàng giúp đỡ khi mọi người cần thể hiện đúng như lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông “tỏa sáng” trong thời bình bằng vốn sống, sự gương mẫu và truyền cảm hứng tình yêu quê hương đất nước, yêu hòa bình đến thế hệ sau.
HỒNG PHƯƠNG