Xử lý xe chở hàng quá khổ, quá tải

Thứ ba, ngày 23/09/2014

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về việc chấn chỉnh tình trạng xe chở hàng quá tải, quá khổ; các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tăng cường công tác xử lý xe quá khổ, quá tải hoạt động trên địa bàn. Ở Bình Dương, sau thời gian ra quân quyết liệt của các cơ quan chức năng, số lượng xe quá khổ quá tải lưu thông trên đường đã giảm đáng kể, tuy nhiên để xử lý triệt để tình trạng này ngoài sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng cần có sự đồng thuận, chấp hành đúng luật của các lái xe và chủ phương tiện.

(BDO)

 Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đang kiểm tra, xử lý trường hợp xe chở quá khổ, quá tải Ảnh: LÊ ÁNH

Tình trạng xe chở quá khổ, quá tải khá dễ dàng bắt gặp trên bất cứ tuyến đường nào; bởi nhằm giảm thời gian và chi phí, các tài xế đã cơi nới thêm thùng xe để chở được nhiều hơn. Không những thế, khi lưu thông trên đường, các xe này thường không che đậy cẩn thận khiến đất đá rơi vãi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông; chưa kể đến nguy cơ mất an toàn kỹ thuật trong quá trình vận hành phương tiện và làm hư hỏng, xuống cấp các công trình, kết cấu giao thông.

Nhằm giảm thiểu tình trạng này, Phòng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với thanh tra giao thông, Cục Đăng kiểm Bình Dương đặt trạm cân lưu động trên tuyến quốc lộ 13 để xử lý các xe quá khổ quá tải. Qua kiểm tra, từ đầu năm đến nay lực lượng liên ngành tại trạm cân đã kiểm tra trọng tải gần 700 trường hợp. Qua đó, phát hiện gần 300 trường hợp quá trọng tải; 1 trường hợp tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe. Lực lượng còn thường xuyên tuần tra trên các tuyến đường, đặc biệt là các cung đường có nhiều xe vượt quá trọng tải hoạt động. Từ đầu năm đến nay, lực lượng đã lập biên bản xử lý 2.944 trường hợp vi phạm trọng tải, tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe; ra quyết định xử phạt 2.641 trường hợp, với số tiền phạt gần 10 tỷ đồng; đồng thời tước giấy phép lái xe có thời hạn 1.358 trường hợp, tạm giữ phương tiện có thời hạn 55 trường hợp.

Ngoài việc tuần tra phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm, Phòng Cảnh sát giao thông còn phối hợp với Cục Đăng kiểm Bình Dương siết chặt quy trình đăng kiểm, không để các xe vi phạm về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng kích thước của xe được phép tham gia giao thông. Tuy vẫn có một số lái xe chưa thực hiện nghiêm túc việc đăng kiểm, nhưng đa số lái xe cũng đã ý thức rằng đăng kiểm là trách nhiệm của bản thân khi tham gia giao thông, tự bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình.

Sự nhận thức của tài xế xe tải luôn là yếu tố quan trọng để giảm bớt gánh nặng cho lực lượng chức năng, nhưng sức ì vẫn còn và không ít tài xế vẫn thường xuyên chở hàng quá tải trọng, né trạm cân, vận chuyển vào ban đêm để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Trong khi đó, lực lượng liên ngành mỏng, không thể kiểm soát hết các tuyến đường, vì vậy phần nào vẫn chưa xử lý dứt điểm được tình trạng này. Thiết nghĩ, để ngăn chặn tình trạng xe chở quá tải trọng cho phép khi tham gia giao thông, ngoài sự phối hợp của lực lượng liên ngành kiểm tra, xử lý xe vi phạm trên các tuyến đường thì công tác tuyên truyền để lái xe và chủ phương tiện thấy rõ lợi ích về an toàn tính mạng và bảo đảm độ bền của phương tiện, kết cấu cầu đường là rất quan trọng. Vì có nhận thức rõ những vấn đề này thì lái xe và chủ phương tiện mới chấp hành đúng luật giao thông và khi đó tình trạng xe quá khổ, quá tải trên địa bàn mới được ngăn chặn, bảo đảm cho việc lưu thông thực sự an toàn.

 

 LÊ ÁNH