Xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ: Cần giải pháp quyết liệt
(BDO) Vi phạm quy định về nồng độ cồn là một trong những vi phạm phổ biến của người tham gia giao thông, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) tại các địa phương. Nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng này, UBND tỉnh vừa triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.
TNGT do lạm dụng bia, rượu
Theo báo cáo phân tích của Ban ATGT tỉnh, năm 2015 toàn tỉnh xảy ra 15 vụ TNGT (từ nghiêm trọng trở lên) do người tham gia giao thông lạm dụng bia, rượu gây ra. Riêng tính đến hết quý I-2016, toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ TNGT (từ nghiêm trọng trở lên) liên quan đến tình trạng này. Cũng theo phân tích trên, bên cạnh các TNGT trực tiếp, việc lạm dụng bia, rượu còn là nguyên nhân gián tiếp gây ra nhiều vụ TNGT khác, đặc biệt là trong các trường hợp như không làm chủ tốc độ, không đi đúng phần đường, làn đường…
Những vụ TNGT do người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia gây ra luôn để lại hậu quả rất lớn. Cụ thể như vụ TNGT xảy ra vào tối 28-2-2016 tại đường ĐT743 (phường An Phú, TX.Thuận An) giữa 2 xe máy khiến 3 người phải nhập viện ngay sau đó. Nguyên nhân do một trong hai người điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn, phóng nhanh không làm chủ tốc độ gây ra tai nạn.
Hay như vụ TNGT xảy ra vào ngày 29-5- 2015, nhiều người dân phải truy đuổi hơn 20km để bắt giữ tài xế Đỗ Thế H., người điều khiển xe ô tô bán tải trong tình trạng say xỉn đã gây ra hàng loạt vụ va chạm xe từ TX.Bến Cát về TP.Thủ Dầu Một khiến nhiều người đi đường bị thương. Đáng chú ý là khi bị bắt giữ, tài xế H. có biểu hiện rất say xỉn, không làm chủ được lời nói lẫn hành vi.
Một vụ TNGT xảy ra tại ngã tư Sở Sao. Ảnh: B.MINH
Đặc biệt nghiêm trọng hơn là vụ TNGT xảy ra vào chiều ngày 5-4-2015 tại ngã tư Sở Sao (TP.Thủ Dầu Một) giữa một xe tải và nhiều xe máy, làm 1 người chết và 4 người bị thương. Nguyên nhân do tài xế xe tải đã uống rượu nhưng vẫn điều khiển phương tiện, phóng nhanh không làm chủ tốc độ và lao xe vào đám đông đang dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư…
Tất cả các vụ TNGT nêu trên đều do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm quy định về nồng độ cồn gây ra, làm tổn thất lớn về người và của, đồng thời gây ách tắc cục bộ, ảnh hưởng đến giao thông trong nhiều giờ tại các tuyến đường xảy ra tai nạn. Điều này cho thấy, việc vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông ảnh hưởng rất lớn đến công tác giữ gìn ANTT và ATGT trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, cần có những quy định, chế tài đặc biệt để quản lý, xử phạt nhằm hạn chế tối đa những vi phạm này.
Ông TRẦN THANH LIÊM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh: Các thành viên Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chức năng có liên quan cần xác định nhiệm vụ tuyên truyền, vận động xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải quyết liệt, đồng bộ với các giải pháp từ cấp tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cần phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương về trang thiết bị và lực lượng. Bên cạnh đó, cần chú trọng áp dụng mô hình tổ công tác phối hợp giữa CSGT với CSCĐ, CSHS, người dân và sự tham gia của cơ quan truyền thông… |
Đã uống rượu bia thì không lái xe
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các lỗi vi phạm và số vụ TNGT liên quan đến việc lạm dụng rượu, bia, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tuyên truyền vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn từ năm 2016-2020.
Theo đó, các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở sẽ chung tay phối hợp thực hiện kế hoạch này với mục tiêu chung nhằm ngăn ngừa và kéo giảm các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ nhằm giảm thiểu số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT.
Kế hoạch yêu cầu các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, trong đó chú trọng gắn tuyên truyền về quy định pháp luật, chế tài xử phạt với cảnh báo về nguy cơ TNGT do vi phạm quy định về nồng độ cồn sao cho phù hợp với thực tiễn… Cần tiếp tục xây dựng các mô hình thí điểm về tuyên truyền, vận động thực hiện quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tại một số địa phương.
Bên cạnh đó, phải kết hợp chặt chẽ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quy định pháp luật và vận động thực hiện các quy định pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; đồng thời phải công khai rộng rãi kế hoạch kiểm tra xử lý trên địa bàn tỉnh…
Ngay sau khi kế hoạch được triển khai, các ban ngành chức năng đã bắt tay vào cuộc. Tại nhiều địa phương, công tác tuần tra xử lý các vi phạm về nồng độ cồn đã được tăng cường. Ở các địa bàn trọng điểm như TP.Thủ Dầu Một, TX.Dĩ An, TX.Thuận An… việc tổ chức kiểm tra các đối tượng có biểu hiện uống rượu, bia tại các tuyến đường có nhiều điểm kinh doanh rượu, bia đã diễn ra thường xuyên, qua đó đã phát hiện và tiến hành xử lý nhiều đối tượng vi phạm. Công tác tuyên truyền thực hiện các nội dung của kế hoạch này cũng đã được các ban ngành có liên quan triển khai sâu rộng đến các đơn vị trực thuộc, cơ sở.
Mới đây, Sở Thông tin - Truyền thông đã có văn bản chỉ đạo đến các cơ quan báo chí và Đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường công tác tuyên truyền nội dung của kế hoạch rộng rãi đến người dân. Theo đại diện lãnh đạo Ban ATGT tỉnh, kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020 sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn, qua đó từng bước hình thành thói quen “Đã uống rượu, bia - không lái xe” đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ…
Trong thời gian triển khai kế hoạch, lực lượng chức năng sẽ tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, trong đó sẽ tập trung kiểm tra các đối tượng có biểu hiện uống rượu, bia trên các tuyến đường có nhiều điểm kinh doanh rượu bia. Đồng thời UBND tỉnh sẽ phát động, ban hành và triển khai thực hiện trong cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, các đơn vị kinh doanh vận tải quy định về không uống rượu, bia trong giờ làm việc, đã uống rượu bia không lái xe. Đặc biệt, sẽ triển khai nhân rộng mô hình “Điểm kinh doanh bia, rượu an toàn giao thông” trên địa bàn toàn tỉnh.
BÌNH MINH