Xử lý tình trạng “kích điện” bắt cá trên sông
(BDO) Nhằm xử lý tình trạng “kích điện” bắt cá trên sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn TP.Tân Uyên, chính quyền các địa phương liên quan đồng loạt triển khai nhiều phương án, trong đó tăng cường tuần tra cũng như vận động người dân cung cấp thông tin khi phát hiện đối tượng đáng ngờ.
“Nóng”… ở cù lao
Theo phản ánh của người dân, vào thời điểm “con nước cạn”, khi vắng bóng lực lượng chức năng tuần tra trên sông, nhiều đối tượng dùng kích điện bắt cá tại các điểm giáp ranh giữa Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Việc này làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái trên con sông này.
Qua tuần tra, lực lượng chức năng xã Thạnh Hội phát hiện, xử lý nhiều trường hợp người dân dùng kích điện bắt cá trên sông
Ông P.V.M. (62 tuổi, ấp Nhựt Thạnh, xã Thạnh Hội, TP.Tân Uyên), cho biết việc người dân lén dùng kích điện bắt cá trên sông Đồng Nai “nóng” lại từ năm 2017 đến nay. Thời gian xảy ra từ khoảng 17 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau, “rộ” nhất là lúc trên sông xuất hiện “con nước cạn”. “Khi thấy lực lượng chức năng xã tuần tra trên sông, những người kích điện bắt cá nhanh chóng điều khiển phương tiện qua địa phận tỉnh Đồng Nai. Sau khi lực lượng rút đi, họ lại bơi xuồng qua địa phận xã Thạnh Hội tiếp tục hành nghề. Trung bình một đêm có “con nước cạn”, một hộ dân dùng kích điện bắt được 15kg cá”, ông M. cho biết.
Qua trao đổi với P.V, ông Trương Văn Thanh Giang, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội, cho biết cù lao Rùa (xã Thạnh Hội) được bao bọc bởi hai nhánh sông Đồng Nai dài khoảng 12km. “Trong 3 năm trở lại đây, qua tuần tra đêm, lực lượng chức năng địa phương phát hiện, xử lý 8 trường hợp dùng kích điện bắt cá trên sông. Các trường hợp vi phạm chủ yếu là người ngoài địa phương đến hành nghề”, ông Giang cho biết.
Vận động người dân cung cấp thông tin
Sông Đồng Nai qua địa bàn xã Bạch Đằng dài khoảng 15km, bờ sông bên kia là xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Lực lượng chức năng địa phương thường xuyên tổ chức tuần tra đêm nhằm ngăn chặn tình trạng người dân từ nơi khác đến hành nghề kích điện bắt cá trên sông. Bà Võ Thị Bảo Xuyên, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết hiện trên địa bàn xã có 6 hộ dân dùng xuồng, ghe thả lưới bắt cá ven bờ sông. Trong 3 năm gần đây, địa phương không phát hiện trường hợp dùng kích điện bắt cá trên sông.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, nhằm phòng ngừa việc kích điện bắt cá trên sông Đồng Nai, địa phương đã vận động người dân sinh sống trên địa bàn 6 ấp dọc theo sông Đồng Nai tích cực thông tin cho lực lượng xã xử lý khi phát hiện các đối tượng mang đồ nghề đến bắt cá. Từ nguồn tin người dân cung cấp, đã kịp thời đẩy đuổi được nhiều trường hợp.
Trong khi đó ông Đặng Thái Học, Phó Chủ tịch UBND phường Khánh Bình, cho biết sông Đồng Nai qua địa bàn xã dài gần 4km. Để phòng ngừa tình trạng kích điện bắt cá trên sông, địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền về tác hại của việc dùng kích điện bắt cá. “Để người dân cung cấp thông tin, 2 năm trước, địa phương đã thành lập Zalo nhóm tố giác hành vi đối tượng dùng kích điện bắt cá trên sông. Thành viên nhóm Zalo này là những người dân có nhà dọc theo mép sông. Thông qua kênh thông tin này, lực lượng chức năng địa phương nhanh chóng đẩy đuổi nhiều trường hợp”, ông Đặng Thái Học cho biết.
Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, cho biết thành phố thường xuyên vận động người dân 6 phường, xã có nhà dọc sông Đồng Nai tích cực tham gia tố giác những trường hợp dùng kích điện bắt cá trên sông. Song song với công tác tuyên truyền là thành lập các tổ, đội hoặc nhóm cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo cơ chế hoạt động hiệu quả. “Để công tác này đạt hiệu quả cao, các tổ chức hội, đoàn thể, MTTQ Việt Nam ở cơ sở chung tay phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đồng thời phát huy những mô hình mới, cách làm hay trong việc vận động người dân chuyển đổi ngành nghề”, ông Đoàn Hồng Tươi cho biết.
Theo Điều 28, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16-5-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản quy định: Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng/trường hợp về hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản. Đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản, bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng/trường hợp và tịch thu tang vật vi phạm. |
THANH QUANG