Xử lý rác thải y tế tại trạm y tế và các phòng khám đa khoa: Còn nhiều bất cập

Thứ ba, ngày 14/12/2010

Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân thì ngoài các cơ sở y tế (CSYT) công lập còn có rất nhiều các CSYT tư nhân đang mọc lên như nấm. Trong đó, loại hình phòng khám đa khoa (PKĐK) tư nhân là nhiều hơn cả. Tuy nhiên, qua khảo sát của chúng tôi nhận thấy vấn đề xử lý rác thải y tế (RTYT) tại các PKĐK tư nhân cũng như tại các trạm y tế (TYT) còn nhiều bất cập.

Xử lý bằng công nghệ... đốt thủ công

Chúng tôi đến TYT xã Bình Hòa (Thuận An) vào đúng ngày TYT tổ chức tiêm phòng hàng tháng cho các cháu nhỏ. Vì đây là xã có số lượng người dân nhập cư khá đông nên đã hơn 10 giờ sáng nhưng số lượng các cháu chưa được tiêm phòng còn rất đông. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy sau khi tiêm phòng xong cho các cháu, các nhân viên y tế đều cẩn thận bỏ kim tiêm vào một cái thùng chuyên dụng còn lọ thuốc thì bỏ riêng ở thùng khác. Đi vòng ra phía sau TYT, chúng tôi nhìn thấy hai đống lọ thuốc được đựng vào 2 cái chậu chắc đã khá lâu, cạnh đó là một đống rác đã được đốt nhưng có lẽ do mùa mưa nên chưa cháy hết, trong đó còn khá nhiều lọ thuốc và kim tiêm.

  Cha mẹ đưa con đến tiêm phòng hàng tháng tại Trạm Y tế xã An Bình (Dĩ An)

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Thu, Trưởng TYT xã Bình Hòa nói: “Từ trước tới giờ chúng tôi vẫn sử dụng phương pháp xử lý là đốt thủ công. Biết rằng, việc đốt thủ công sẽ không xử lý hiệu quả các RTYT như kim tiêm, lọ thuốc và gây ô nhiễm môi trường... nhưng phải đành chịu. Bác sĩ Thu cho biết, sắp tới TYT xã Bình Hòa sẽ nâng cấp thành PKĐK khu vực, trong thiết kế sẽ có xây lò đốt RTYT!

Y sĩ Mai Thị Thu Lý, Phó TYT xã An Bình (Dĩ An), một xã với hơn 62 ngàn dân, cho biết: “Trung bình mỗi đợt tiêm phòng từ 450 - 500 cháu nên số lượng RTYT cũng khá nhiều. Trước đây, TYT cũng xử lý bằng phương pháp đốt thủ công. Tuy nhiên, thấy việc xử lý bằng phương pháp này không hợp lý nên TYT xã đã chủ động ký hợp đồng với một công ty xử lý rác thải ở quận Thủ Đức. Hàng tuần vào 2 ngày cố định nhân viên của công ty này đến chở đi...”.

Còn bác sĩ Tạ Công Thủy Tiên, Trưởng PKĐK khu vực Thuận Giao (Thuận An) thì tỏ ra bức xúc khi trao đổi với chúng tôi: “Nhận thấy việc xử lý rác thải bằng việc đốt thủ công không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường và cũng không thể đốt cháy hết các loại RTYT, tôi đã nhiều lần kiến nghị cho xây lò đốt đơn giản (khoảng 1 triệu đồng) thế nhưng vẫn không được chấp thuận nên hiện tại việc xử lý RTYT tại phòng khám cũng bằng phương pháp đốt thủ công”. Dẫn chúng tôi ra chỗ đốt rác thải, một hố rác nham nhở với mùi hôi thối bốc lên cộng với những RTYT cháy dở dang trong khi đó sát phía bên đường là nhà ở của người dân”.

Tại TYT phường Phú Hòa (TX.TDM) cũng tương tự, chị Nguyễn Thị Hồng, phụ trách vệ sinh môi trường của TYT cũng cho rằng, hồi nào tới giờ cũng đều xử lý bằng phương pháp đốt thủ công.

Bỏ chung vào rác thải sinh hoạt

Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện tại trên địa bàn Bình Dương có 17 bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, 106 TYT và PKĐK tư nhân. Trong đó, nhiều phòng khám hoạt động như một bệnh viện thu nhỏ, thế nhưng việc xử lý RTYT tại các cơ sở này cũng chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Hậu quả là RTYT tại các phòng khám này phần lớn đều được trộn lẫn với rác thải sinh hoạt.

Đi chung với một người bạn đến khám bệnh tại PKĐK B. (phường Phú Cường, TX.TDM) trong lúc ngồi chờ chúng tôi thấy một nữ hộ lý xách 2 bịch nilong to từ phòng khám đi qua đường và vô tư bỏ vào thùng đựng rác thải.

  Không có chỗ xử lý, những lọ thuốc bỏ vào 2 chậu tại Trạm Y tế xã Bình Hòa (Thuận An)Tại Phòng khám P. nằm trên quốc lộ 13, thuộc huyện Thuận An, trong hơn 1 giờ đồng hồ ngồi quan sát, chúng tôi cũng ghi nhận điều tương tự. RTYT đều được các hộ lý cho vào bao nilong cột kín và bỏ vào các thùng chứa rác sinh hoạt.

Thạc sĩ Bùi Minh Hiền, Phó phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Bình Dương cho biết: “Khi cấp giấy phép hoạt động cho các PKĐK, ngoài những yêu cầu về mặt chuyên môn, Sở Y tế còn yêu cầu các phòng khám đa khoa phải có hợp đồng xử lý RTYT với doanh nghiệp được cấp giấy phép về xử lý RTYT. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vì thiếu sự giám sát và do giá thành của việc xử lý RTYT khá cao nên nhiều PKĐK đã cố tình lờ đi và không thực hiện nghiêm túc. Theo thạc sĩ Hiền thì Sở Y tế đã có chủ trương trong quý I-2011 sẽ rà soát tất cả các CSYT tư nhân và công lập để kiểm tra việc xử lý RTYT.

Cũng theo thạc sĩ Hiền thì Sở Y tế đã xây dựng xong đề án: “Xây dựng hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế tại tỉnh Bình Dương giai đoạn 2010-2015”. Theo đề án này thì RTYT sẽ được xử lý theo khu vực, RTYT tại các TYT sẽ được thu gom tập trung tại lò đốt của bệnh viện huyện để xử lý. Các lò đốt cũng được tính toán xây dựng xa khu dân cư để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường...

Môi trường đang là vấn đề được quan tâm rất nhiều. Bởi, nếu môi trường bị ô nhiễm nó sẽ kéo theo hàng loạt những vấn đề liên quan. RTYT cũng là một tác nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nếu không có biện pháp quản lý, xử lý hiệu quả, khoa học. Do đó, vấn đề xử lý rác thải tại các TYT và các PKĐK tư nhân nói riêng và các cơ sở hành nghề y tế nói chung cần được sự quan tâm, quản lý chặt chẽ hơn nữa.

Theo báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Bình Dương 5 năm (2005-2010) thì: “Công nghệ xử lý RTYT tại các bệnh viện của tỉnh đều là công nghệ đốt, hiện có 7/17 bệnh viện có trang bị lò đốt chất thải y tế, tổng khối lượng chất thải y tế đốt khoảng 142kg/ngày. Tuy nhiên, tất cả các lò đốt đều chưa có hệ thống xử lý khí thải hoàn chỉnh, điều này đã gây ảnh hưởng đến môi trường rất lớn khi vận hành các lò đốt này nhất là lò đốt của 2 Bệnh viện Đa khoa Thuận An và Dĩ An nằm trong khu vực dân cư, đô thị. Mặc dù, các lò đốt không bảo đảm các yêu cầu về mặt bảo vệ môi trường nhưng ngoài xử lý chất thải tại bệnh viện mình, các bệnh viện còn tiếp nhận RTYT từ các bệnh viện tuyến dưới khác.

Đối với các TYT và PKĐK, công tác quản lý chất thải y tế còn nhiều bất cập, từ khâu phân loại, lưu giữ đến xử lý: 20% các phòng khám hiện nay không thực hiện việc phân loại chất thải rắn y tế theo quy định, còn để lẫn các loại rác y tế với nhau, thậm chí còn có nơi để lẫn với rác sinh hoạt. Chỉ có 35 trong tổng số 106 TYT và PKĐK (chiếm 30%) trên địa bàn tỉnh chuyển giao chất thải y tế nguy hại cho các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý nhưng chỉ có khoảng 50% số lượng CSYT này ký hợp đồng theo quy định...”.

NHÂN QUANG