Xử lý rác thải rắn sinh hoạt: Những cách làm hiệu quả
(BDO) Số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, hiện tăng 2,5 lần so với năm 2010. Giải quyết vấn đề chất thải rắn, thời gian qua lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến chất thải. Đến nay, việc thu gom, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện, tỷ lệ rác đô thị được thu gom đạt 90%...
Nhân rộng mô hình phân loại rác
Vào mỗi buổi sáng, đội xe thu gom rác của TX.Bến Cát đến các khu dân cư để thu gom rác thải. Tại xã An Điền, mô hình phân loại rác thải tại nguồn đã được thực hiện trong thời gian qua. Theo đó, người dân nơi đây phân loại rác thành rác thải hữu cơ (dễ phân hủy) và vô cơ (khó phân hủy), rồi tập kết về điểm tập trung rác thải để xe chuyên dụng đến gom rác và xử lý.
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương với công nghệ hiện đại, có thể tái chế nhiều sản phẩm có ích từ rác thải
Mô hình phân loại rác thải tại nguồn đang được nhân rộng tại TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An... Cụ thể như TX.Dĩ An, các ngành đã phối hợp cùng các địa phương cấp miễn phí cho mỗi hộ gia đình 2 thùng rác và túi dễ phân hủy (thùng, túi màu xanh và thùng, túi màu xám); rác thải phát sinh sẽ được phân loại vào thùng chứa ngay lúc phát sinh hoặc là khi làm vệ sinh nhà cửa. Cụ thể, thùng màu xanh, túi phân hủy màu xanh dùng để chứa rác hữu cơ, còn thùng màu xám, túi phân hủy màu xám sẽ chứa rác vô cơ. Gần đây, việc phân loại rác thải tại nguồn còn được làm thí điểm tại các nơi công cộng như trung tâm thương mại, siêu thị, khu vực cơ quan hành chính, khối văn phòng, trường học, trung tâm y tế, bệnh viện… trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết trong giai đoạn thí điểm, việc phân loại CTRSH chia ra làm 2 loại, gồm rác thực phẩm (các thành phần dễ phân hủy trong môi trường như thức ăn thừa, rau, củ, quả, xác động vật…) và rác còn lại. Đây là mô hình cần được nhân rộng nhằm góp phần thay đổi ý thức của cộng đồng về việc xứ lý rác thải. Hiện tỉnh có năng lực biến rác thải thành tài nguyên, nguyên liệu sản xuất để cho ra đời các sản phẩm phục vụ lại đời sống người dân.
Trước đây, CTRSH chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Từ khi nhà máy sản xuất phân compost tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn được đưa vào hoạt động, CTRSH đã được phân loại, cụ thể khoảng 35% được dùng để sản xuất phân hữu cơ, 65% rác thải còn lại đem chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, số lượng CTRSH chưa được thu gom, xử lý vẫn còn khoảng 105 tấn/ngày, chủ yếu từ các khu vực nhà trọ.
Rác là tài nguyên
Theo báo cáo, tổng lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 1.600 tấn/ ngày. CTRSH được thu gom, xử lý liên tục; các công ty và xí nghiệp công trình đô thị được tăng cường thêm nhân lực và trang thiết bị, hệ thống thu gom rác dân lập.
Ý thức được mối nguy hại từ rác thải sẽ đe dọa đô thị Bình Dương trong tương lai, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định liên quan đến rác thải và môi trường đô thị. Bên cạnh đó, việc xử lý rác thải trên địa bàn được tỉnh giao các đơn vị, doanh nghiệp liên quan thực hiện rất tốt; điển hình có doanh nghiệp đã sáng tạo biến rác thải thành tài nguyên, tái chế ra nhiều sản phẩm hữu ích…
Vừa qua, Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương (phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát) do Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương đầu tư, đã làm lễ khánh thành giai đoạn II, gồm các dự án: Tổ hợp phát điện chạy bằng khí biogas thu hồi từ rác thải công suất 820KW; nâng gấp đôi công suất nhà máy sản xuất phân vi sinh compost từ rác lên 840 tấn/ngày; lò đốt rác thải nguy hại công suất 100 tấn/ngày. Khu liên hợp này đang làm nhiệm vụ xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp tái chế trở thành các sản phẩm như phân bón hữu cơ, gạch men… và chạy máy phát điện. Thực tế này cho thấy, rác thải không còn là mối đe dọa đối với đô thị, nếu chúng ta có cách biến rác thải thành nguồn tài nguyên quý giá.
Ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam (dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương được hỗ trợ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ Phần Lan), cho biết ở Phần Lan không coi rác thải là gánh nặng, mà là nền “kinh tế tuần hoàn”, ở đó rác thải sau xử lý chiếm đến 90%. Đại sứ Phần Lan cũng cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ tỉnh Bình Dương về mọi mặt nhằm góp phần giúp Bình Dương phát triển bền vững.
Ông Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết Bình Dương đã tích cực thực hiện các quy định, quy hoạch của Trung ương về công tác quản lý và xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Bình Dương là một trong những tỉnh rất quan tâm đầu tư nguồn nhân lực và tài chính cho công tác bảo vệ môi trường, đi đầu về phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong thu gom, xử lý chất thải.
XUÂN VĨ