Xử lý ngập úng mùa mưa năm 2012: Cần những giải pháp đồng bộ
Kỳ 2: Những giải pháp trước mắt và lâu dài
Có thể thấy, tình trạng ngập úng đang ngày đêm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân. Mùa mưa năm 2012 được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương tích cực xử lý những điểm ngập úng, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân. Lãnh đạo tỉnh họp bàn về các biện pháp chống ngập
Thực trạng ngập...
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, tính đến hết tháng 5-2012, toàn tỉnh hiện có 65 điểm ngập, trong đó đã khắc phục 5 điểm, đang khắc phục 43 điểm, 17 điểm chưa khắc phục. Cụ thể, TP.TDM hiện có 7 điểm ngập, ngập nhất phải kể đến đó là điểm ngã ba cống đường Thích Quảng Đức, đường Phạm Ngũ Lão vị trí cầu Bưng Cải. TX.Thuận An có 18 điểm, trong đó có 12 điểm ngập cục bộ, 1 điểm ngập tại cống ngang đường 22/12, 2 điểm ngập trên đại lộ Bình Dương, 1 điểm ngập tại ngã tư Bình Chuẩn, 2 điểm ngập trên đường ĐT743 và đường Bình Đức - Bình Đáng. TX.Dĩ An có 19 điểm ngập, 10 điểm ngập trên các tuyến đường thuộc các địa phương, 2 điểm ngập trên đường 30/4 và tại đường QL1K, 2 điểm ngập vị trí đấu nối kênh 16 với đường QL1K và đường Bàu Ông Cuộng, 1 điểm ngập tại đường ĐT743a, 2 điểm ngập tại khu tái định cư Sóng Thần và khu trung tâm hành chính.
Huyện Bến Cát có 13 điểm, trong đó 12 điểm ngập cục bộ, 1 điểm ngập tại giao lộ QL13 với đường Balangxi. Trong 6 huyện, thị, thành phố bị ngập, huyện Tân Uyên, Phú Giáo là những vùng cao nên số điểm ngập ít hơn. Theo đó, huyện Phú Giáo có 4 điểm ngập (1 điểm ngập cục bộ tại đường 19/8, 3 điểm ngập trên đường ĐT741). Huyện Tân Uyên cũng có 4 điểm, trong đó 2 điểm ngập trên các tuyến đường ĐH746 và 2 điểm ngập trên tuyến đường ĐH401, ĐH407.
Theo khảo sát của Sở Xây dựng, nguyên nhân gây ngập trên địa bàn tỉnh chủ yếu do: tốc độ đô thị hóa, quá trình bê tông hóa làm giảm tỷ lệ thấm tự nhiên; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu kết hợp với triều cường làm giảm khả năng thoát nước ra sông Sài Gòn, gây ngập; khẩu độ thoát nước nhỏ, không đủ khả năng thoát nước; kênh, mương, rạch bị người dân san lấp trái phép làm thu hẹp dòng chảy, gây ngập; công tác nạo vét, duy tu sửa chữa hệ thống thoát nước chưa thường xuyên; công tác quản lý đô thị chưa tốt...
Chủ tịch UBND TP.TDM Nguyễn Thành Tài, cho biết: Hiện nay công tác chống ngập trên địa bàn TP gặp nhiều khó khăn, bởi chưa có “nhạc trưởng”. Các con đường trong TP đã được xây dựng, sửa chữa khang trang, tuy nhiên hệ thống thoát nước chưa ổn. Nhiều đoạn đường ngập úng nhưng chưa có đơn vị nào nhận lấy trách nhiệm thoát nước. Đoạn này thoát nước thì đoạn khác lại bị ứ đọng, dẫn đến ngập.
Giải pháp khắc phục
Để nắm bắt tình hình xử lý các điểm ngập úng, cũng như nghe các giải pháp chống ngập trong thời gian tới, HĐND tỉnh vừa tổ chức cuộc họp nghe Sở Xây dựng, các ban ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị, TP báo cáo về tình hình và kết quả xử lý các điểm ngập trên địa bàn. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Phú Cường, cho biết: Sau khi khảo sát tình hình ngập, sở đã đưa ra những giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt, sở sẽ tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức người dân không lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ; thanh kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang kênh, rạch làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước; chủ động bố trí nguồn vốn trong việc thường xuyên nạo vét khai thông kênh mương rạch, nạo vét hố ga thu nước trên địa bàn; chủ động phối hợp giải quyết, thỏa mãn đấu nối hạ tầng kỹ thuật các công trình với các đơn vị có liên quan; đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng để tập trung thực hiện, hoàn thành các dự án đang phát triển về thoát nước... Về lâu dài, sở sẽ tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thoát nước; lập và phê duyệt đồ án quy hoạch thoát nước và cao độ nền tỉnh Bình Dương làm cơ sở để triển khai các quy hoạch thoát nước chi tiết và lập dự án thoát nước trên toàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An Đặng Văn Ba, nói thêm: Đối với TX.Thuận An, để mùa mưa an toàn, UBND TX đã chỉ đạo các xã, phường chủ động rà soát, kiểm tra các hạng mục bờ bao sông, kênh, rạch; chuẩn bị lực lượng, vật tư và phương tiện vận tải thích hợp để ứng phó, gia cố theo phương châm “4 tại chỗ”; thông báo, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân kiểm tra, bảo quản các hóa chất độc hại để bảo đảm an toàn, không để phát tán gây ô nhiễm môi trường khi có mưa lớn gây ngập úng; khẩn trương sửa chữa công trình, nhà ở dân cư bị hư hỏng, thu dọn cây xanh bị ngã đổ và xử lý vệ sinh môi trường theo quy định. Trong trường hợp xảy ra sự cố ảnh hưởng đến an toàn về người, phương tiện thì sẽ tổ chức ngay công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ nhanh chóng, hiệu quả; kịp thời cứu trợ các cá nhân, hộ gia đình bị thiệt hại do mưa lớn gây ra, sớm có biện pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống của người dân.
Để giải quyết tình trạng ngập úng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Thị Kim Vân đề nghị các sở, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố cần khắc phục những hạn chế trong công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước nhất là tại các điểm trọng yếu; thực hiện thường xuyên việc nạo vét kênh, rạch để khơi thông dòng chảy; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân sống dọc sông tình trạng biến đổi của triều cường để có biện pháp phòng chống kịp thời; tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố, các đơn vị tư vấn trong việc lập đề án, cấp giấy phép xây dựng để tạo sự thống nhất trong công tác quản lý đô thị...
Theo dự báo của Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, hiện nay thời tiết Nam bộ đã chuyển sang mùa mưa, bắt đầu từ giữa tháng 5 và kết thúc vào tháng 11-2012. Mùa mưa năm nay sẽ diễn biến phức tạp, các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra trên diện rộng và trong thời đoạn ngắn, do đó để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ra, đại diện UBND các huyện, thị, TP đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục chung và hướng khắc phục của địa phương mình.
THIÊN LÝ