Xử lý ngập úng mùa mưa năm 2012: Cần những giải pháp đồng bộ
Kỳ 1: Người dân lao đao vì ngập úng
Dù không nằm trong vùng bị bão lũ nặng nề, mùa mưa đến, nhiều khu vực trong tỉnh vẫn xảy ra tình trạng ngập cục bộ. Mực nước ngập không cao nhưng đã ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Hiện nay, hàng loạt dự án chống ngập úng trọng điểm, cấp bách và tạm thời... đã và đang được thực hiện. Trong lúc chờ các dự án này đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, người dân vẫn phải tiếp tục “sống chung” với ngập. Nước thải lênh láng và hố tử thần tại khu phố Hòa Lân 2, phường Thuận Giao, TX.Thuận An
Dân khổ vì ngập nặng
Vào những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, chúng tôi đến một số điểm ngập nặng để tìm hiểu nỗi khó khăn, vất vả của người dân khi phải “sống chung” với ngập. Đối với các địa phương ven sông Sài Gòn, ảnh hưởng trực tiếp mực nước sông, như An Sơn, Bình Nhâm, Vĩnh Phú thuộc TX.Thuận An, những ngày mưa bão là những ngày họ phải điêu đứng chống chọi với nạn ngập. Mưa lớn, nước ngập hầu như ở mọi chỗ của khu phố Tây, khu phố Trung và khu phố Long Hòa thuộc phường Vĩnh Phú, khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn. Chỗ ngập ít cũng 50cm, nhiều thì hơn 1m nên đã nhấn chìm nhiều vườn hoa màu. Chị Trần Thị Châu, ngụ khu phố Tây, than thở: “Nhiều năm trở lại đây, mỗi lần mưa xuống, dù lớn hay nhỏ, các con đường, vườn, nhà cửa xung quanh đều bị chìm trong nước, cuộc sống chúng tôi bị xáo trộn. Cả gia đình động viên nhau cố gắng tập sống chung với ngập”.
Mùa mưa đến, nỗi lo lớn nhất của người dân những vùng ngập nặng tại Thuận An đó là sự an toàn của con trẻ. Bởi trẻ em thấy nước là nô đùa, chạy nhảy mà không biết hậu quả. Bên cạnh đó, nước lớn không thể “vượt sông” để đưa các cháu đến trường, các bậc phụ huynh phải ở nhà chăm sóc con ảnh hưởng đến công việc. Bà Huỳnh Thị Tỏ, ấp An Quế, xã An Sơn, nói: “Mưa xuống những nhà dân gần sông đều thấp thỏm lo cho mấy đứa nhỏ. Nước ngập, các cháu không biết chỗ nào nông, sâu để tránh, dẫn đến hậu quả đáng tiếc”. Đối với những điểm ngập thường xuyên, người dân nơi đây đã chuyển mình thích nghi, để không phải bỏ quê đi xứ. Họ chỉ biết hy vọng nước mau rút để cuộc sống, sinh hoạt trở lại bình thường.
Có thể nói, để hạn chế phần nào ngập úng do mưa, thủy triều tại một số điểm trên địa bàn TX.Thuận An, tỉnh đã cho xây dựng hệ thống đê bao An Sơn - Lái Thiêu. Tuy nhiên, qua một thời gian đưa vào vận hành, hệ thống đê bao này vẫn chưa đáp ứng được sự mong đợi của người dân, tình trạng ngập vẫn tái diễn. Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần tìm hiểu nguyên nhân, sớm khắc phục hạn chế để giúp người dân vơi bớt khó khăn mùa nước lũ.
Đường phố “xịn” vẫn ngập...
Nếu nói rằng, những con đường được đổ bê tông ở các khu đô thị trong tỉnh cũng chịu cảnh ngập vào mùa mưa, có lẽ sẽ khó tin. Tuy nhiên, đó lại là thực trạng chung đáng lo ngại. Điển hình là đường Trần Hưng Đạo (TX.Dĩ An), đường Phan Đình Phùng (TX.Thuận An), hay đường 30-4 (TP.Thủ Dầu Một)... Đến TX.Dĩ An vào chiều ngày 24-8, với cơn mưa nặng hạt kéo dài gần 2 giờ đồng hồ, mực nước trên đường Trần Hưng Đạo đã dâng lên hơn 50cm. Hầu hết các phương tiện lưu thông qua đây đều bị chết máy. Nhiều người cuống cuồng leo lên lề để tránh, nhưng lề đường cũng lênh láng nước. Anh Ngọc Anh, người đi đường dắt chiếc xe bị tắt máy, bức xúc: “Những tưởng đường bê tông trong nội thị sẽ không ngập, ai ngờ nước ngập liên tục. Rút kinh nghiệm, tôi đã tránh không về lúc trời mưa, nhưng do có việc đột xuất phải về gấp... giờ dắt bộ”.
Mưa xuống, nước dâng cao tác động không nhỏ đến sinh hoạt thường ngày của người dân. Hàng quán bị ngập khiến buôn bán đình trệ. Trong tâm trạng lo âu, chị Đinh Thị Kim Liên, chủ một quán ăn nhỏ trên đường Phan Đình Phùng (TX.Thuận An), nói: “Chiều nay, thấy trời trong xanh nên tôi chuẩn bị rất nhiều đồ ăn để bán. Thế nhưng cơn mưa bất chợt làm quán bị ngập, không biết có bán được không. Nếu đến mùa mưa mà đường sá chưa được sửa, chắc tôi phải đóng cửa quán”.
Sống chung với... nước thải
Nhiều hộ dân sinh sống trên một vài tuyến đường trong tỉnh cũng đang đau đầu bởi nước thải hôi thối. Đến con đường nối từ ngã tư Đất Thánh đến vòng xoay An Phú đoạn qua khu phố Hòa Lân, phường Thuận Giao, TX.Thuận An sau một trận mưa lớn, tối ngày 31-8, chúng tôi mới thấy hết nỗi khổ của người dân nơi đây. Đoạn ngập nặng nhất dài hơn 500m, nhiều chỗ ngập đến 50 - 60cm. Nước đọng đen sì, bốc mùi khó chịu, rác thải nổi lềnh bềnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây. Mỗi khi có xe máy, xe tải đi qua lại dềnh lên thành... sóng tạt vào tận bên trong nhà dân. “Tình trạng ngập úng diễn ra hơn 5 tháng nay. Sau những trận mưa lớn, nước mưa cùng nước thải dâng khắp đường, sâu chừng hơn 1m. Phải sau vài ngày, nước mới rút một ít, nhưng vẫn ứ ở trên mặt đường”, ông Dương Văn Đức, người dân buôn bán tại đây, cho biết.
“Hơn 500 hộ dân sống trên đoạn đường ô nhiễm này khốn khổ trăm bề. Môi trường ô nhiễm, buôn bán khó khăn, sức khỏe bị ảnh hưởng. Người già và trẻ nhỏ thường xuyên mắc phải những căn bệnh ngoài da. Rác thải đủ các loại... trôi nổi khắp đường, tiềm ẩn nhiều mầm bệnh, là nguồn lây nhiễm dịch bệnh”, chị Bùi Thị Ngọc bức xúc.
Theo ý kiến của nhiều người dân xung quanh, lợi dụng mưa, một số công ty, xí nghiệp, người dân hòa theo thải nước thải ra đường. Bên cạnh đó, nhiều đoạn cống bị hư hỏng, ứ tắc, không dẫn nước được gây nên ngập úng, ứ đọng. Đặc biệt, ngay điểm ngập nhất còn có một “hố tử thần” sâu gần 1m nằm giữa đường. Được biết, “hố tử thần” hiện diện tại đây đã được hơn 3 tháng. Để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông, người dân xung quanh đã cắm cây và bỏ nhiều bao cát để lấp hố. Nhiều người dân sống gần khu vực này rất bức xúc và đã nhiều lần kiến nghị với cơ quan chức năng, địa phương nhưng tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục.
Cũng chịu cảnh ngập úng do nước mưa, nước thải, người dân khu vực đường Phạm Ngũ Lão, vị trí cầu Bưng Cải (TP.Thủ Dầu Một) đang ngày đêm lo lắng khi mùa mưa đến gần. Theo nhiều người dân xung quanh khu vực này, mỗi lần mưa đến, nước mưa hòa với nước sinh hoạt từ đâu đổ ra khiến khắp con đường lênh láng nước và bốc mùi hôi, cộng thêm rác thải nổi lềnh bềnh. Họ hy vọng cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nhanh chóng xử lý để người dân ăn ngon, ngủ yên.
Kỳ 2: Những giải pháp trước mắt và lâu dàiBÌNH MINH - THIÊN LÝ