Xử lý nạn tin nhắn rác: Cần vào cuộc đồng bộ
(BDO)
Hiện nay, việc rao bán, chào mua các dự án bất động sản, tải nhạc, trò chơi, quảng cáo sim số đẹp… qua điện thoại (còn gọi là tin nhắn rác - TNR) đang nở rộ, gây bức xúc đối với nhiều chủ thuê bao di động.
Một TNR có nội dung bài bạc, lô đề Ảnh: H.PHẠM
Đủ kiểu “hành” người sử dụng
Theo thống kê của Công ty An ninh mạng BKAV, hiện nay khoảng 90% người dùng điện thoại thường xuyên bị TNR làm phiền, trong đó 43% là nạn nhân của tin rác hàng ngày. Chị Hoàng Hà ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một bức xúc cho biết: “Mỗi ngày tôi nhận được hàng chục TNR từ các đầu số của các nhà mạng; trong đó phải đến 3 - 5 tin rao bán nhà đất, còn lại là tin nhắn quảng cáo sim số đẹp, số gần giống với số của quý khách… Do đó, thành ra nhiều khi máy báo tin nhắn đến tôi cũng chẳng muốn mở ra xem, để khi nào máy báo nhiều tin nhắn rồi xem một lần cho tiện. Có những khi tôi còn bị gia đình, bạn bè mắng vốn vì không chịu trả lời tin nhắn”.
Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ nhận tin nhắn giá rẻ được núp bóng dưới những cái tên “sang trọng” như SMS marketing, tin nhắn marketing, tin nhắn quảng cáo, quảng cáo SMS... đang nở rộ, hoạt động một cách công khai. Theo tìm hiểu, đây chính là dịch vụ nhận TNR (spam) thông qua phần mềm cho phép khách hàng tiếp cận tới hàng chục ngàn thuê bao mỗi ngày với cước phí cho dịch vụ này vô cùng... phải chăng, chỉ vài chục đồng/tin. Nếu gửi số lượng tin lớn, lên tới 50.000 tin, giá chỉ còn 25 đồng/tin. Mức giá này rẻ hơn tới 20 lần so với cước dịch vụ tin nhắn quảng cáo của các nhà mạng.
Cách thức phát tán TNR đơn giản. Có khi không cần thuê đơn vị trung gian, một cá nhân bình thường cũng có thể sử dụng phần mềm này để tự phát tán. Chỉ với 1 máy tính có cổng USB, 1 chiếc USB 3G, 1 chiếc sim rác lắp bên trong và 1 phần mềm gửi tin nhắn hàng loạt có tràn lan trên mạng thì hàng chục ngàn TNR dễ dàng được phát tán chỉ qua… một cú click chuột.
Nhà mạng cũng phải vào cuộc
Tuy nhiên, việc đối phó với TNR cũng gặp nhiều khó khăn, do công nghệ “TNR” liên tục được cập nhật. Đa số công ty chuyên phát tán TNR hiện dùng hệ thống chuyên nghiệp, nhắn tin tự động, có hệ thống dò đợt chặn tin nhắn của nhà mạng để giảm tần suất tương ứng. Bên cạnh đó, không phải nhà mạng nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư hệ thống kỹ thuật.
Theo nghiên cứu mới nhất của Công ty An ninh mạng BKAV, 6 tháng đầu năm 2015, tình hình phát tán TNR ở Việt Nam tiếp tục gia tăng so với cùng kỳ năm 2014. Số lượng TNR phát tán mỗi ngày lên tới 13,9 triệu tin, hơn 0,4 triệu tin so với năm 2014. |
Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Mobifone Bình Dương cho biết, hiện tại Mobifone đã triển khai hệ thống chặn tin nhắn rác theo tần suất, nguồn gửi... nhưng số lượng TNR vẫn còn nhiều. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có định nghĩa chính xác như thế nào là TNR: Cũng là một tin nhắn mời mua nhà nhưng bạn bè gửi cho nhau và người không quen biết gửi đến, cái nào được gọi là TNR? Vì thiếu chế tài nên dù đã phát hiện ra khá nhiều trường hợp phát tán nhưng không phải trường hợp nào cũng có thể xử lý được. Do đó, việc xử lý TNR bằng biện pháp khóa số chỉ có tác dụng một phần, do người phát tán thường thay đổi sim sau mỗi lần phát tán TNR.
“Qua kiểm tra các đại lý bán sim số cho thấy, nhiều sim số đã bị kích hoạt ở các địa phương khác trước khi mang đến Bình Dương. Đây cũng là lỗ hổng để kích hoạt sim phát tán TNR, gây khó khăn cho công tác quản lý và xử lý”, ông Phan Thanh Nam, Trưởng phòng Bưu chính- Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết.
Để giải quyết TNR, ngoài việc đẩy mạnh thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng thì việc các nhà mạng kiểm soát chặt kho số sẽ bước đầu hạn chế được TNR. Ông Nam cho rằng, các nhà mạng phải thực hiện việc ký hợp đồng giữa thuê bao trả trước giống như với thuê bao trả sau và phải giải quyết triệt để nạn sim rác, đồng thời phải xây dựng cơ sở dữ liệu thuê bao để quản lý thuê bao di động trả trước hiệu quả. Sở TTTT cũng đã kiến nghị Bộ TTTT cần có hướng dẫn cụ thể trong việc áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu sim và tài khoản trong sim khi phát hiện các sim phát tán TNR.
HOÀNG PHẠM