Xử lý lục bình trên sông: Nhiều phương án đưa ra, nhưng…

Thứ tư, ngày 28/08/2013

Cản trở giao thông

Sông Sài Gòn, khu vực đường Bạch Đằng, TP.Thủ Dầu Một trong vài năm gần đây ken đặc lục bình. Hàng năm, từ Tết Nguyên đán đến tháng 9, lục bình từ thượng nguồn ùn ùn tràn về lấp gần kín mặt sông. Chị Nguyễn Thị Kim Thương, ngụ tại phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một cho biết: “Gia đình tôi ở đây từ trước đến giờ thấy nhiều thời điểm lục bình dày kín cả mặt sông, tàu thuyền qua lại rất khó khăn. Năm nào cũng thấy kêu gọi vớt lục bình nhưng không ăn thua vì lục bình sinh sôi nhanh, vài ngày lại phục hồi như cũ”.  

Lục bình trên sông đang là một vấn đề nan giải, gây thiệt hại lớn về kinh tế nếu không xử lý quyết liệt

Nói đến sức tàn phá lớn của lục bình phải đến tận cầu Ông Cộ rồi ngược dòng Thị Tính mới thấy rõ. Trong những năm qua, bất chấp nỗ lực của chính quyền địa phương, lục bình vẫn… xanh tốt quanh năm. Anh Nguyễn Sơn, một người làm nghề chở cát cho biết: “Trong nghề chúng tôi phải hạn chế đi vào con sông này. Lúc trước thì vô tư nhưng dạo này lục bình phát triển mạnh, có nhiều nơi lục bình ken dày chỉ còn lối giữa phải dùng sào gạt đi mới kiếm được chỗ tấp vào bờ giao, nhận hàng”. Điều đáng nói, sông Thị Tính cũng là một nhánh của sông Sài Gòn nên cầu Ông Cộ, nơi tiếp giáp giữa hai dòng sông xanh lè lục bình. Hàng năm, các đợt ra quân dẹp lục bình của tỉnh và huyện Bến Cát cũng chọn nơi này làm trọng điểm nhưng vẫn không vớt xuể.

Không kể hàng trăm kênh, rạch nhỏ chằng chịt khắp nơi, hiện Bình Dương có 3 dòng sông chính là sông Sài Gòn, Đồng Nai và Thị Tính. Trong đó, sông Sài Gòn và sông Đồng Nai là hai con sông lớn mà theo quy hoạch của Bộ GTVT là có nhiều tiềm năng phát triển. Cụ thể đoạn sông ngã ba kênh Tẻ - Bến Súc (sông Sài Gòn, dài 90km) và ngã ba kênh Tẻ - Hiếu Liêm (sông Đồng Nai, dài 90km) có chiều rộng đáy sông 60m, độ sâu 5,5m; chiều rộng luồng đạt tiêu chuẩn sông cấp III, độ sâu đạt tiêu chuẩn sông cấp I, độ tĩnh không các cầu qua sông đạt tiêu chuẩn cấp IV. Bảo đảm cho các phương tiện sà lan tự hành có trọng tải từ 1.000 - 2.000 tấn qua lại thuận lợi. Tuy nhiên, lục bình hiện đang là “sát thủ” vô hình gây ách tắc giao thông và tiềm ẩn nguy tơ lật tàu, chìm thuyền. Chính vì thế, việc xử lý lục bình là việc cấp bách cần làm quyết liệt để tàu thuyền thông thương, bảo đảm các tuyến giao thông đường thủy huyết mạch, bảo đảm quyền lợi kinh tế của địa phương.

Nhiều phương án xử lý

Thực tế, trong nhiều năm qua nạn lục bình đang trở thành vấn đề đau đầu của các địa phương trong cả nước chứ không chỉ riêng Bình Dương. Đích thân Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân mới đây ký quyết định cấp vốn ngân sách mua máy móc, thiết bị và giám sát việc xử lý nạn lục bình. Trong khi đó, lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông đang là vấn đề nan giải của Tây Ninh khiến cho tỉnh này loay hoay với việc xử lý 7 năm nay vẫn chưa có lời giải. Chính vì vậy, dù lục bình trên sông chưa đến mức độ gây ùn tắc giao thông đường thủy hoàn toàn như trên sông Vàm Cỏ Đông nhưng Bình Dương cũng ra quân dọn dẹp, xử lý hàng năm.

Trong các năm trước, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước- Môi trường Bình Dương liên tục cho sà lan có máy múc hỗ trợ xử lý lục bình khu vực cầu Ông Cộ, trường Sĩ quan Công binh tỉnh cũng hỗ trợ tàu bè, phương tiện giải quyết lục bình trên sông Sài Gòn… Đáng chú ý, năm 2012 Tổng Công ty Becamex IDC đã nghiên cứu việc thuê người thu gom lục bình trên các tuyến sông rồi mang về ủ gốc cây sao. Tuy nhiên, phương án này tiến hành không được bao lâu thì thất bại do hiệu quả kinh tế không cao.

Một phương án rất khả thi khác được đề cập trong cuộc họp bàn vấn đề giải quyết nạn lục bình mới đây tại UBND tỉnh là việc kết hợp với trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đấu thầu sử dụng máy cắt, dọn lục bình hoàn toàn tự động. Theo đó, chiếc máy này sẽ được vận hành trên sông và thu dọn, băm lục bình trước khi thu gom về một nơi để xử lý. UBND tỉnh cũng giao cho Sở Khoa học - Công nghệ chủ trì nghiên cứu việc tận dụng lục bình làm phân vi sinh hoặc làm ván ép. Hiện nay, đã có nhiều công ty đặt vấn đề thu mua nguồn lục bình được vớt lên để làm các sản phẩm này nhưng tính khả thi của dự án còn đang là một dấu hỏi.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam, các phương án xử lý lục bình kể trên đều là những phương án khá thú vị nhưng còn cần thời gian để thẩm tra tính khả thi và sự góp sức của nhiều đơn vị khác nhau. Chính vì vậy, ngoài việc vận động, ra quân các đợt cao điểm thu gom lục bình còn cần quan tâm đến việc tìm kiếm điểm tập kết sau thu gom để nghiên cứu làm phân vi sinh hoặc các sản phẩm phụ.

• KHÁNH VINH