Xử lý lục bình, khai thông dòng chảy: Cần sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương

Thứ năm, ngày 04/04/2019

(BDO) Những năm gần đây, tại nhiều sông, rạch trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng lục bình bùng phát làm cản trở giao thông đường thủy, ảnh hưởng dòng chảy tự nhiên của các sông, rạch. Xác định nhiệm vụ xử lý môi trường cần sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương liên quan, UBND các tỉnh, thành phố có chung hệ thống sông, rạch như Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai đã thống nhất giao đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ ra quân thu gom, xử lý lục bình trên các tuyến sông, rạch, khai thông dòng chảy trước khi mùa mưa đến.

Nguyên nhân lục bình phát triển mạnh

Bà Nguyễn Thị Lệ, buôn bán tại bến đò Phú Cường - Bình Mỹ (sông Sài Gòn), TP.Thủ Dầu Một, cho hay những năm qua, theo con nước lục bình trôi về dày đặc cả khúc sông Sài Gòn (đoạn qua TP.Thủ Dầu Một) làm đò ngang không chạy được. Lục bình trên đoạn sông Sài Gòn dày đặc khiến nhiều người bơi xuồng ngoài sông bắt cá bị lục bình cuốn vào nhấn chìm cả xuồng.

Trước tình trạng lục bình phát triển ngày một nhiều và dày đặc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức đoàn đi khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân, nguồn gốc xuất phát của lục bình; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về giải pháp thu gom, xử lý tận gốc lục bình nhằm khơi thông dòng chảy, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy gắn với phòng chống lụt bão... Tại các hội nghị, hội thảo này, các nhà khoa học, đại biểu cho rằng, qua khảo sát thực tế ở thượng nguồn cho thấy lượng lục bình ở đây tuy có nhiều nhưng không bằng lượng lục bình đang trôi trên sông, bởi vì đến mùa mưa nước từ các con kênh rạch, bãi đất ngập nước, cửa sông, suối trên địa bàn chảy mạnh đã đẩy lục bình trôi ra sông.

Rô bốt đa năng tham gia thu gom lục bình trên sông Sài Gòn đoạn qua TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: DUY CHÍ

Theo kết quả của đoàn khảo sát Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ven sông Sài Gòn có rất nhiều cửa kênh, cửa rạch, sông nhỏ ăn sâu vào trong. Các con kênh, rạch này lâu ngày không được nạo vét, lục bình, cỏ dại mọc dày đặc vừa là nơi phát sinh côn trùng, mầm bệnh, vừa cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến công tác phòng chống lụt bão tại địa phương. Quan trọng hơn, sông Sài Gòn và hệ thống sông Vàm Cỏ, sông Đồng Nai có sự liên thông nhau bằng những con rạch, con kênh, sông nhỏ... nên lục bình từ đây dễ dàng theo con nước tràn qua tỉnh khác tạo ra tình trạng bùng phát lục bình trên sông Sài Gòn đoạn qua Bình Dương như hiện nay.

Các địa phương nỗ lực vào cuộc

Xác định được nguyên nhân, nguồn gốc xuất phát của lục bình, lãnh đạo các địa phương Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai đã thống nhất giao ngành tài nguyên - môi trường, giao thông - vận tải, nông nghiệp - phát triển nông thôn của các tỉnh, thành phối hợp, thống nhất phương án xử lý lục bình, do đây là vấn đề môi trường liên quan đến nhiều địa phương.

Trên tinh thần đó, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương nói trên thống nhất thực hiện Kế hoạch số 9191 về việc triển khai hoạt động trục vớt, xử lý lục bình, khai thông dòng chảy trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ và các kênh, rạch giáp ranh giữa TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh. Kế hoạch này xác định, lục bình phát triển dày đặc và trôi theo con nước thủy triều làm tắc nghẽn dòng chảy, cản trở hoạt động giao thông đường thủy, hoạt động du lịch, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước, tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước, cảnh quan môi trường.

Đại diện các đơn vị tham gia Kế hoạch số 9191 thừa nhận mặc dù các địa phương liên quan đã tổ chức nạo vét, thu gom xử lý cỏ dại, lục bình, khai thông dòng chảy... nhưng kết quả mang lại chưa cao, chưa có phương án triệt để và đồng bộ. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những việc đã đạt được và chưa được, các bên thống nhất phương án: Đối với các con sông lớn giáp ranh với nhiều địa phương sẽ tổ chức đồng loạt ra quân nạo vét, thu gom xử lý cỏ dại, lục bình, khai thông dòng chảy 1 lần/ năm; các tuyến kênh rạch liên quan đến nhiều địa phương tổ chức 3 đợt ra quân trước, trong và sau mùa mưa bão.

Trong đợt 1, diễn ra ngày 26-3 vừa qua, các địa phương tiếp giáp với các con sông lớn như Sài Gòn, Đồng Nai, Vàm Cỏ đã ra quân đồng loạt. Trong thời gian tới, tại các nhánh sông con, kênh rạch tiếp giáp, từ thượng nguồn đến hạ nguồn các địa phương trong tỉnh tiếp tục phối hợp ra quân các đợt tiếp theo nhằm xử lý triệt để nguồn gốc xuất phát của lục bình, qua đó góp phần khơi thông dòng chảy, bảo đảm chất lượng nguồn nước, cảnh quan môi trường và phòng chống lụt bão hiệu quả.

Bình Dương có cách làm hiệu quả

Trước đây, do chưa có phương tiện, thiết bị chuyên dùng, nhiều địa phương trong tỉnh còn gặp khó khăn, lúng túng khi triển khai phương án thu gom, xử lý lục bình; có nơi đặt hàng các trường đại học sản xuất, có nơi triển khai theo hướng “có chi dùng nấy để từng bước hoàn thiện”... Có thời điểm, để thu gom, xử lý lục bình, các ngành liên quan, địa phương trong tỉnh đã dùng cần cẩu dài có gắn lưới thu gom đặt trên xà lan để vươn ra sông thu gom lục bình. Phương án này tuy giải quyết được yêu cầu trước mắt nhưng lại tốn kém chi phí vì thiết bị không chuyên dụng này giá rất cao.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương, cho biết Dự án Cải thiện môi trường nước nam Bình Dương sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), trong đó có gói mua sắm trang thiết bị phục vụ dự án. Công ty đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, lựa chọn thiết bị phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, sau đó quyết định chọn mua rô bốt thông minh đa năng phục vụ công tác vệ sinh môi trường, phòng chống lụt bão của hãng Watermaster (Phần Lan). Thiết bị này đã được đưa vào sử dụng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và hoạt động rất hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Nhà máy Xử lý nước thải sinh hoạt Thủ Dầu Một - đơn vị vận hành rô bốt đa năng, nhờ có thiết bị chuyên dụng là rô bốt đa năng và xe ép rác chuyên dụng nên việc trục vớt rác thải, lục bình trên các tuyến sông trên địa bàn tỉnh của đơn vị có nhiều thuận lợi so với nhiều nơi khác, vì lục bình mới vớt lên có khối tích khá lớn nhưng trọng lượng thì không lớn, phải xử lý bằng xe ép rác để tiết kiệm chi phí vận chuyển. Hiện nhà máy đã triển khai 2 điểm thu vớt tại chân cầu Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một) và ấp Bến Giảng, xã Phú An, TX.Bến Cát. Theo đó, đợt 1 vớt lục bình của đơn vị diễn ra trong 15 ngày. Đến thời điểm này, đã có 140 xe ép rác thực hiện nhiệm vụ vớt lục bình và đã giải quyết được 1.400 tấn.

Kết quả nói trên đã góp phần làm sạch môi trường sông nước, khơi thông dòng chảy, bảo đảm an toàn cho tàu bè đi lại và chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn. Theo kế hoạch, việc triển khai các đợt thu gom lục bình, cỏ dại, làm vệ sinh môi trường kết hợp khai thông dòng chảy, phòng chống lụt bão trong thời gian tới tại các kênh, rạch trên địa bàn sẽ do các địa phương thực hiện, Nhà máy Xử lý nước thải sinh hoạt Thủ Dầu Một sẵn sàng hỗ trợ trên tinh thần nhiệm vụ công ích.

 Ông Antti Eskelinen, đại diện Hãng Watermaster (Phần Lan), cho biết rô bốt đa năng thu gom lục bình trên sông là thiết bị chuyên dùng để thu vớt lục bình trên sông, tham gia tìm kiếm cứu nạn, phòng chống lụt bão rất hiệu quả. Rô bốt này tuy nhỏ gọn nhưng thiết bị có đầy đủ 7 chức năng quan trọng như: Nạo vét, đóng cọc, hút bùn, bơm thổi, vận chuyển bùn đất bằng hệ thống ống đi xa từ vài trăm đến cả ngàn mét… thuận tiện sử dụng trong các kênh rạch nhỏ hẹp trong đô thị mà các phương tiện chuyên dùng không vào được. Sản phẩm này được chế tạo đặc biệt để sử dụng trong các tình huống tìm kiếm cứu nạn, cụ thể: Trường hợp nước đổ mạnh, đường dốc thiết bị sẽ di chuyển bằng bánh xích; trường hợp nước dâng cao, tốc độ chảy mạnh thiết bị sẽ “đi” bằng 4 “chân”. Đặc biệt, thiết bị này sử dụng hiệu quả khi thu vớt lục bình trên sông là nhờ thiết bị tự nổi, tự bơi trên mặt nước nên hoạt động rất chủ động, tiết kiệm thời gian, năng lượng. Hiện thiết bị đã được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình D ương quản lý, vận hành.

 

 DUY CHÍ