Xử lý hiệu quả tình trạng sạt lở trên sông Đồng Nai
(BDO)
Sông Đồng Nai chảy qua địa bàn 2 thị xã là Tân Uyên, Dĩ An và huyện Bắc Tân Uyên của tỉnh Bình Dương với chiều dài khoảng 60km. Tình hình sạt lở bờ sông Đồng Nai thời gian qua xảy ra chủ yếu trên địa bàn TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên. Qua khảo sát của ngành chức năng, trên tuyến sông này có tổng cộng 18 điểm sạt lở và 174 hộ dân có nhà ở nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở.
Còn nhiều điểm sạt lở
Hiện nay, sông Đồng Nai đoạn đi qua địa bàn TX.Tân Uyên có 6 điểm sạt lở, huyện Bắc Tân Uyên có 11 điểm sạt lở; chiều dài mỗi điểm sạt lở từ 10 - 100m, chiều rộng sạt lở về phía bờ từ 3 - 15m. Tình trạng sạt lở làm mất đất sản xuất của các hộ dân thuộc tại các xã Lạc An, Thường Tân và Tân Mỹ của huyện Bắc Tân Uyên, xã Thạnh Hội, phường Khánh Bình của TX.Tân Uyên.
Bên cạnh tình trạng mất đất sản xuất, mất nhà do sạt lở, trên dọc tuyến sông Đồng Nai đoạn đi qua tỉnh Bình Dương còn có 73 hộ dân thuộc diện cần di dời, nhưng hiện chỉ có 39 hộ đã di dời, 4 hộ đã xây bờ kè chống sạt lở, còn đến 30 hộ chưa di dời. Đây chính là vấn đề mà lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo địa phương hết sức quan tâm, vì nguy cơ sạt lở có thể gây mất an toàn đến nhiều hộ dân.
Một điểm sạt lở bờ sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: Q.NHIÊN
Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, nguyên nhân gây sạt lở bờ sông Đồng Nai là do dòng chảy và tình trạng bơm hút cát lậu trên sông. Tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra bắt đầu từ năm 2000 và mức độ sạt lở mạnh nhất tập trung vào năm 2003 và 2004. Năm 2005 UBND tỉnh đã cấm khai thác cát trên sông Đồng Nai khu vực huyện Tân Uyên (nay là TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên) nên tình hình sạt lở bờ sông đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên vẫn còn một số người dân địa phương và từ tỉnh Đồng Nai lén lút khai thác cát lậu vào ban đêm nên bờ sông tiếp tục bị sạt lở, làm ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân ven sông.
Xử lý dứt điểm các trường hợp khai thác cát lậu
Để khắc phục và hạn chế sạt lở bờ sông làm thiệt hại tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, nhất là trong mùa mưa lũ, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với UBND TX.Tân Uyên và UBND huyện Bắc Tân Uyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra để xử lý dứt điểm các trường hợp khai thác cát lậu; kiểm tra, đình chỉ và nghiêm cấm người dân không xây dựng nhà cửa, công trình kiến trúc trong phạm vi hành lang sông Đồng Nai. UBND TX.Tân Uyên và UBND huyện Bắc Tân Uyên cần khẩn trương di dời dứt điểm 30 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm để giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân ven sông Đồng Nai; đồng thời có kế hoạch phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng khu tái định cư để di dời những hộ có nhà nằm trong phạm vi cách bờ sông từ 5 - 20m.
Nhằm hạn chế sạt lở bờ sông, từ đầu năm 2016, công trình xây dựng bờ kè chống sạt lở sông Đồng Nai đoạn thuộc phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên đã được thi công. Việc đẩy nhanh tiến độ thi công công trình này sẽ góp phần giải quyết vấn đề cấp bách về tình trạng sạt lở ở sông Đồng Nai, nhất là vào mùa mưa bão sắp tới. Công trình có tổng chiều dài toàn tuyến là 1.850m, từ cầu Rạch Tre đến Thị ủy Tân Uyên với tổng kinh phí thực hiện 400 tỷ đồng, do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, để bảo đảm chất lượng, công trình được xử lý bằng mái thảm đá, thân kè bằng tường chắn đất với kết cấu bê tông cốt thép, xử lý nền mái thân kè bằng cọc bê tông cốt thép. Ngoài ra công trình còn bao gồm hệ thống công viên và đèn chiếu sáng để tạo vẻ mỹ quan chung trong khu vực.
Thực hiện công trình này, nhiều hộ dân sống ven sông trước đây đã phải di dời vào nơi ở mới. Bà Nguyễn Thị Mỹ, người dân phường Uyên Hưng, chia sẻ những năm trước gia đình bà sống tại khu vực có nguy cơ sạt lở nên rất lo lắng. Nhưng đã hơn 1 năm nay gia đình bà được di dời sang nơi ở mới an toàn hơn, nên rất yên tâm sinh sống và làm ăn.
Theo ông Đoàn Hồng Tươi, Phó Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, trong quá trình bồi thường cho người dân để thực hiện công trình xây dựng bờ kè chống sạt lở sông Đồng Nai đoạn thuộc phường Uyên Hưng địa phương không gặp vướng mắc, sau khi nhận tiền bồi thường người dân tự tháo dỡ nhà cửa để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Công trình này khi hoàn thành không chỉ góp phần cải thiện vệ sinh môi trường, chống sạt lở trong khu vực mà còn mang lại vẻ mỹ quan cho thị xã; qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tôn tạo và chỉnh trang mỹ quan đô thị trên địa bàn thị xã.
Tại buổi khảo sát công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên sông Đồng Nai vừa qua, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lưu ý các ngành chức năng của tỉnh, TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên cần xử lý nghiêm, triệt để hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nhằm hạn chế tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra ở bờ sông Đồng Nai đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương. Đối với các địa phương ở khu vực có điểm sạt lở cần khẩn trương tiến hành công tác di dời, triển khai bồi thường đầy đủ theo luật định để ổn định sản xuất và sinh hoạt của người dân trước mùa mưa lũ. Riêng Sở Giao thông - Vận tải tiến hành cắm mốc hạn chế sà lan qua lại những khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Đối với những khu vực có nguy cơ sạt lở, trước mắt địa phương cần nghiên cứu sử dụng kinh nghiệm dân gian trong phòng, chống sạt lở như trồng cây, đóng cừ tràm giữ đất ven bờ.
QUỲNH NHIÊN