Xử lý hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: Cần sự chung tay của doanh nghiệp
(BDO) Thời gian qua, tỉnh Bình Dương luôn coi trọng việc bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Tuy vậy, công tác chống hàng giả, thực thi quyền SHTT của tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn. Trong thời gian tới, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tiếp tục bám sát chỉ đạo của các cấp, tăng cường phối hợp với các ngành chức năng để giải quyết hiệu quả tình trạng hàng hóa giả mạo, vi phạm quyền SHTT trên địa bàn.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Toàn tỉnh hiện có 48 khu, cụm công nghiệp, nhiều kho hàng cho thuê, nhiều nhà trọ cùng hàng chục ngàn doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Thực tế này làm cho công tác đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT tại tỉnh rất phức tạp và khó khăn.
Theo ông Trần Văn Tùng, quyền Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh, trong thời gian qua đơn vị đã nỗ lực phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, đưa ra các biện pháp, chế tài mạnh để xử lý các vụ việc hàng hóa giả mạo, vi phạm quyền SHTT. Trong năm 2018, chi cục đã tập trung thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Cục QLTT, Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại, và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Trung ương) và địa phương. Chi cục cũng tăng cường trinh sát, đeo bám địa bàn, mua tin, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng cơ sở báo điểm; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT… nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các đơn vị sản xuất, kinh doanh chân chính.
Lực lượng QLTT tỉnh kiểm tra hàng hóa của một đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Ảnh: T.MY
Theo Chi cục QLTT, vấn đề nổi lên hiện nay trên địa bàn tỉnh là tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau diễn ra phức tạp. Đặc biệt, có những đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã mài chữ nổi trên vỏ chai gas của các hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình rồi tung ra thị trường, làm thiệt hại cho nhà kinh doanh gas chân chính, Nhà nước thất thu thuế... Chỉ tính trong 9 tháng năm 2018, chi cục đã chỉ đạo cho các Đội QLTT phối hợp kiểm tra và xử lý 4 trường hợp vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Điển hình, ngày 16-1-2018, đoàn kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo 389 TX.Dĩ An do Đội QLTT số 5 chủ trì, phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế Công an TX.Dĩ An tiến hành kiểm tra đột xuất tại bãi đậu xe container thuộc khu phố Ngãi Thắng, phường Bình Thắng, TX.Dĩ An. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra bắt quả tang hành vi sang chiết LPG từ xe bồn 10 tấn sang chai LPG loại 12kg và 45kg. Tại hiện trường, đoàn kiểm tra làm việc với chủ lô hàng; chủ lô hàng khai nhận không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện chiết nạp khí dầu mỏ hóa lỏng, kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng không có hợp đồng, hóa đơn theo quy định.
Doanh nghiệp cần chủ động
Đối với vấn đề xâm phạm quyền SHTT, trong 9 tháng năm 2018, Chi cục QLTT đã phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý 10 trường hợp xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, hàng hóa vi phạm quyền SHTT, tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 800 triệu đồng. Điển hình ngày 1-6-2018, đoàn kiểm tra Đội QLTT số 5 chủ trì, phối hợp với Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành kiểm tra Công ty TNHH TMSX Sơn Jymex, địa chỉ 28 Trần Hưng Đạo, phường Đông Hòa, TX.Dĩ An. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện công ty kinh doanh 907 bao, thùng sơn, bột trét tường các loại, 14.216 đơn vị bao bì các loại có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT nhãn hiệu “Jymec”, trị giá hàng hóa vi phạm gần 499 triệu đồng. Đội QLTT số 5 đã tham mưu Chi cục QLTT trình UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 360 triệu đồng, buộc công ty loại bỏ yếu tố vi phạm đối với toàn bộ số hàng hóa vi phạm.
Theo bà Nguyễn Thị Phụng, Đội trưởng Đội QLTT số 9, một rào cản lớn mà lực lượng QLTT thường gặp khi thực thi nhiệm vụ là doanh nghiệp bị làm giả không đăng kýkịp thời vàchưa cóýthức trong việc đăng kýbảo hộ quyền SHTT. Bên cạnh đó, hiện nay còn nhiều doanh nghiệp ngại cung cấp thông tin hoặc yêu cầu cơ quan chức năng xửlývi phạm vìsợngười tiêu dùng quay lưng với sản phẩm, sợảnh hưởng đến uy tín sản phẩm vàdoanh thu bán hàng. Ngay cảkhi doanh nghiệp đãphát hiện được đối tượng xâm phạm quyền SHTT của công ty thìcũng còn nhiều doanh nghiệp không làm bất cứviệc gì, mà“tựchịu đựng” và“đồng hành” cùng những xâm phạm đó.
Bà Phụng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp cần chủđộng áp dụng các biện pháp phòng ngừa những xâm phạm thương hiệu, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong việc phát hiện, tố giác hành vi giả mạo, vi phạm quyền SHTT...
Ông Tùng cho biết thêm, tuy việc xử lý hàng giả, vi phạm quyền SHTT đã được luật quy định rất rõ nhưng trong quá trình thực thi cơ quan chức năng còn gặp nhiều bất cập, khó khăn. Trong thời gian tới, Chi cục QLTT tiếp tục phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật về an toàn thực phẩm, kỹ năng nhận biết hàng thật hàng giả; đồng thời tổ chức cho các cá nhân sản xuất, kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Chi cục QLTT cũng sẽ chủ động phối hợp với báo, đài truyền hình tỉnh, đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và các đơn vị sản xuất, kinh doanh, góp phần ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT…
TIỂU MY