Xử lý chất thải y tế: Cần những giải pháp đồng bộ
Bài 2: Những giải pháp khả thi
Trong khi rác thải y tế (RTYT) ngày một tăng lên thì hệ thống xử lý rác thải của các cơ sở y tế (CSYT) lại ngày càng xuống cấp. Nếu RTYT không được xử lý bảo đảm đúng tiêu chuẩn sẽ dẫn đến nguy cơ như lây nhiễm bệnh cho cộng đồng cũng như ô nhiễm môi trường...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 đơn vị dịch vụ có chức năng thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế (CTRYT), đó là Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương và Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ môi trường Việt Xanh (Tân Uyên). Hai đơn vị này đều có hệ thống lò đốt chất thải nguy hại đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép. Cả 2 đơn vị này đang thực hiện việc thu gom xử lý thông qua hợp đồng và chứng từ chất thải nguy hại với các CSYT trên địa bàn tỉnh. Tổng công suất xử lý của 2 công ty này hiện nay khoảng 31,2 tấn/ ngày. Theo thống kê của 2 công ty này, tổng khối lượng CTRYT tiếp nhận từ các bệnh viện trên địa bàn tỉnh (theo hợp đồng) là 12,75 tấn/tháng (trung bình 420kg/ngày). Trong khi đó, khối lượng phát sinh của các bệnh viện không thực hiện tự xử lý (đốt) là 27,78 tấn/tháng. Điều này đặt ra câu hỏi là, lượng CTRYT chênh lệch kia đi đâu? Có thể, lượng CTRYT này một phần được đốt tại chỗ ở các bệnh viện có trang bị lò đốt, một phần đã lẫn trong chất thải thông thường - phần này chủ yếu xuất phát từ các phòng khám chuyên khoa nhỏ lẻ của các bác sĩ và được xử lý không đúng theo quy định, như chôn lấp hoặc tái chế. Điều này, rất cần được các cơ quan quản lý kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn, nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, cũng như bảo vệ sức khỏe của người dân trước nguy cơ ô nhiễm từ nguồn rác thải không được xử lý bảo đảm đúng theo quy chuẩn. Thu gom rác thải rắn y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.063 CSYT tế lớn nhỏ (bao gồm cả công lập và ngoài công lập). Theo thống kê của ngành y tế, trung bình một ngày các CSYT này phát sinh khoảng 1.250kg CTRYT , trong đó: các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và các đơn vị y tế trực thuộc phát sinh khoảng 1.108kg/ngày; các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, phòng mạch tư nhân phát sinh khoảng 47kg/ngày; các phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế phát sinh khoảng 96kg/ngày. Ước tính đến năm 2015, lượng CTRYT phát sinh từ các CSYT trên địa bàn tỉnh là 3.659,98kg/ ngày và đến năm 2020 là 4.231,34kg/ngày. Thời gian qua, một số CSYT đã trang bị lò đốt để xử lý chất thải rắn nhưng tập trung chủ yếu ở các bệnh viện lớn. Cũng theo ngành y tế, các bệnh viện công từ tỉnh đến huyện hầu hết có trang bị lò đốt chất thải rắn và hệ thống xử lý nước thải. Song theo thời gian hệ thống này xuống cấp và lạc hậu, việc vận hành 2 hệ thống trên còn mang tính cầm chừng, thậm chí có nơi còn đóng cửa, ngừng hoạt động lò đốt. Riêng các trạm y tế xã, phường, thị trấn hầu như chưa có hệ thống xử lý rác thải. Theo nhận định của Sở Tài nguyên - Môi trường, các lò đốt tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đều không đạt chuẩn về xử lý chất thải.
Rác thải y tế là một mối nguy hại không chỉ đối với con người, mà còn gây ảnh hưởng đối với môi trường. Rác thải y tế không chỉ là bông băng, chai nhựa, mà còn có kim tiêm, lọ thủy tinh, những loại rác bệnh phẩm chứa vi rút, vi khuẩn ở dạng mầm bệnh... Thế nên, yêu cầu đặt ra với việc xử lý rác thải y tế đó phải khoa học và tuyệt đối an toàn.
Theo quy chế quản lý chất thải y tế của Bộ Y tế, các hành vi bị nghiêm cấm, gồm: Thải các chất thải y tế nguy hại chưa được xử lý, tiêu hủy đạt tiêu chuẩn vào môi trường; Xử lý và tiêu hủy chất thải y tế nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật và không đúng nơi quy định; Chuyển giao chất thải y tế cho tổ chức, cá nhân không có tư cách pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất thải; Buôn bán chất thải nguy hại; Tái chế chất thải y tế nguy hại.
Có thể nói, vấn đề xử lý rác thải y tế trên địa bàn tỉnh đang đặt ra nhiều vấn đề cần được Sở Y tế, chính quyền cấp tỉnh quan tâm bằng những quyết sách phù hợp trong thời gian tới. Ngoài vấn đề đầu tư hệ thống xử lý CTRYT, nước thải y tế phù hợp, theo công nghệ tiên tiến hiện đại để xử lý chất thải đạt chuẩn, bảo đảm vệ sinh môi trường, các CSYT cũng cần quan tâm đến việc quản lý, vận hành, duy trì hoạt động hiệu quả hệ thống sau khi đã được đầu tư... Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, việc xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Hầu hết, hệ thống xử lý chất thải y tế ở các bệnh viện có trang bị đều đã xuống cấp, cần được đầu tư cải tạo và nâng cấp. Trong khi đó, các trạm y tế hầu như chưa có hệ thống xử lý chất thải... Do đó, nhằm bảo đảm việc xử lý lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường cần có quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại. Trước thực trạng đó, Sở Y tế đã xây dựng “Đề án xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2025”. Bác sĩ Hà cho biết: “Hiện nay, đề án đã được các ban ngành, địa phương liên quan góp ý chỉnh sửa hai lần. Chúng tôi đang hoàn thiện lại đề án để trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 11-2012. Sau khi đề án được phê duyệt, sẽ có những mục tiêu rõ ràng về việc quản lý, xử lý các chất thải ý tế bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường...”. Bác sĩ Hà cho biết thêm, mục tiêu chung của đề án là nhằm nâng cao hiệu quả quản lý CTRYT, cải thiện chất lượng môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Các cơ sở xử lý CTRYT nguy hại được đầu tư xây dựng gắn liền với các khu xử lý CTRYT tập trung bằng những công nghệ tiên tiến, phù hợp, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải y tế trên địa bàn tỉnh, bảo đảm nước thải ra đạt tiêu chuẩn môi trường.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị : lưu ý ngành y tế và các ngành liên quan, cần có sự kiểm tra, giám sát việc phân loại rác thải, đặc biệt là rác thải nguy hại tại các bệnh viện. Bên cạnh đó, phải có sự giám sát về môi trường. Về lâu dài, cần có cơ chế xử phạt rõ ràng thì việc thực hiện phân loại rác thải tại các cơ sở y tế mới được thực hiện nghiêm... Việc xử lý chất thải y tế, tiếp tục duy trì và phát triển hệ thống thu gom tuyến công lập hiện tại và phấn đấu đến năm 2015, bảo đảm 100% lượng chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế (công lập và ngoài công lập) được thu gom, phân loại và vận chuyển đến các cơ sở xử lý đúng quy định. Nước thải y tế phải được xử lý tại chỗ (phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi đấu nối vào hệ thống nước thải sinh hoạt). Riêng khu vực nông thôn, trước mắt cho phép nước thải y tế được khử trùng và qua bể tự hoại trước khi cho tự thẩm thấu và từng bước tiến tới xử lý đạt chuẩn quy định. Đề án cần cân nhắc đến nhiều phương án phù hợp và khả thi kể cả tính đến phương án sử dụng mô hình xe xử lý nước thải lưu động, nhưng phải bảo đảm an toàn, đạt chuẩn, hiệu quả và phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Võ Thị Ngọc Hạnh:
Các trạm y tế, đặc biệt là ở vùng nông thôn lâu nay vẫn thường xử lý nước thải bằng cách tự hoại hoặc đổ trực tiếp cho nước tự thấm vào đất. Tuy nhiên, không phải trạm y tế nào cũng dùng cách này. Thiết nghĩ, các trạm y tế cần khử trùng nước thải trước khi xả vào nguồn tiếp nhận chung nhằm bảo vệ môi trường, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng…
Phó giám đốc sở y tế Ngô Tùng Châu:
Theo quy định pháp luật, những đơn vị y tế xây dựng mới bắt buộc phải có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn y tế thì mới được cấp phép hoạt động. Sở Y tế cũng đã ra văn bản liên quan đến vấn đề này. Theo đó, tất cả các cơ sở y tế hành nghề tư nhân đã đầu tư trên địa bàn tỉnh, đến năm 2015, nếu không đầu tư xử lý môi trường đạt chuẩn thì sẽ không được gia hạn giấy phép hoạt động. Bên cạnh đó, Luật Khám - Chữa bệnh mới ra đời quy định, để được cấp lại chứng chỉ hành nghề cũng như giấy phép hoạt động, các cơ sở y tế phải chứng minh được: đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hệ thống phòng cháy chữa cháy và ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn. Do đó, đối với cơ sở y tế hành nghề tư nhân, lộ trình đến năm 2015 sẽ hoàn chỉnh việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải…
HỒNG THUẬN