Xử lý chất thải y tế: Cần những giải pháp đồng bộ

Thứ hai, ngày 05/11/2012

Bài 1: Thực trạng xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh

 Chất thải y tế nếu không được thu gom, xử lý đúng quy chuẩn sẽ là nguồn ô nhiễm đối với môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hiện nay, việc xử lý chất thải y tế tại nhiều bệnh viện, trạm y tế, phòng khám đa khoa công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập...  Việc phân loại chất thải y tế tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chưa đúng theo quy định. Trong ảnh: Thùng đựng rác thải y tế nơi có nắp đậy, nơi thì không!

 Từ phân loại, lưu trữ

Qua khảo sát cho thấy, công tác phân loại và lưu trữ rác thải tại nguồn của các cơ sở y tế hoàn toàn không giống nhau, nhiều nơi chưa tuân theo quy định. Nhìn chung, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và các đơn vị y tế trực thuộc công tác phân loại chất thải rắn thực hiện gần đúng theo quy định của Bộ Y tế. 84% đơn vị có trang bị nhiều hơn 2 thùng chứa chất thải rắn, 100% trong số đó đều có nắp đậy và 47% có hướng dẫn phân loại dán trên nắp thùng. Tại các phòng khám đa khoa đều có trang bị từ 1 - 3 thùng lưu chứa chất thải rắn, có nắp đậy. Riêng các phòng khám chuyên khoa, phòng mạch tư nhân thì chỉ trang bị một loại thùng chứa chất thải rắn có nắp đậy hoặc không có nắp đậy. Trừ các cơ sở có thực hiện chữa trị tại chỗ thì có trang bị thêm một thùng chứa vật sắc nhọn theo quy cách của Bộ Y tế. Đối với các phòng khám đa khoa khu vực, 70% phòng khám có trang bị từ 2 - 3 thùng chứa chất thải rắn. Đối với các trạm y tế, hầu hết đều trang bị 1 thùng chứa chất thải thông thường có nắp hoặc không có nắp đậy... Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế đánh giá: “Công tác phân loại tại cơ sở của các bệnh viện, các cơ sở trực thuộc và các phòng khám đa khoa tư nhân thực hiện gần đúng theo quy định của Bộ Y tế. Tuy chưa thực hiện tốt về vạch giới hạn cho phép tại các thiết bị lưu chứa, nhưng nhìn chung công tác phân loại được thực hiện khá tốt. Đối với các trạm y tế và phòng khám ngoài giờ, công tác này chưa được chú trọng lắm, việc đầu tư cơ sở vật chất để phân loại, thu gom và lưu giữ tại cơ sở còn sơ sài...”. Cũng theo bác sĩ Hà, đa số các bệnh viện và phòng khám đa khoa tư nhân, việc thu gom và lưu giữ tại cơ sở đều thực hiện đúng theo quy định của Bộ Y tế.

Thực trạng thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Theo đánh giá của ngành y tế, 80% bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và các đơn vị y tế trực thuộc có giao chất thải rắn y tế cho các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý bên ngoài có chức năng. Số còn lại xử lý tại các lò đốt của bệnh viện. Tuy nhiên, hiện nay các lò này vẫn chưa được kiểm tra chất lượng khí thải. Riêng các đơn vị phòng khám đa khoa tư nhân, 100% đơn vị chuyển giao chất thải cho đơn vị có chức năng thu gom, xử lý, trong đó 13% đơn vị thực hiện chuyển giao chất thải của đơn vị mình cho các bệnh viện có thiết bị xử lý tại chỗ (lò đốt). Các phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế, chỉ có 60% cơ sở có thực hiện chuyển giao chất thải cho đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý. Số còn lại chủ yếu là đốt thủ công, điều này không bảo đảm về các quy định môi trường.

Đến xử lý

Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 bệnh viện đa khoa có trang bị lò đốt chất thải rắn y tế. Khối lượng chất thải rắn y tế đốt trung bình khoảng 189kg/ngày. Hầu hết các lò đốt này hiện nay đều đã lạc hậu. Trong 8 lò đốt trên, hiện có 5 lò đã có thời gian sử dụng từ 6- 7 năm, công suất đốt 20 - 30kg/ giờ; 3 lò đốt còn lại được đầu tư từ năm 2009 và gần như “trùm mền” vì đã xuống cấp, hư hỏng. Tất cả các lò đốt đều chưa có hệ thống xử lý khí thải hoàn chỉnh. Chỉ có 3/8 lò đốt có hệ thống xử lý đơn giản, thu bụi sau quá trình đốt bằng nước hoặc bằng cyclon. Và có một thực tế là, mặc dù các lò đốt không bảo đảm chất lượng môi trường như vậy, nhưng ngoài xử lý chất thải bệnh viện của mình, một số bệnh viện còn tiếp nhận xử lý rác thải cho các đơn vị y tế cấp dưới khác, như: trạm y tế, phòng khám đa khoa. Về vấn đề này, đại diện Sở Y tế cho biết, sở đã có văn bản chỉ đạo chấm dứt việc tiếp nhận rác y tế để xử lý của các cơ ở không có chức năng xử lý.    Mặc dù trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh có rất nhiều thùng đụng rác thải thông thường nhưng rác vẫn được để bên ngoài

Đối với các phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế, chỉ có 60% đơn vị chuyển giao chất thải rắn y tế cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý hoặc cho các đơn vị thu gom chất thải sinh hoạt. Còn lại 40% đơn vị thực hiện đốt hoặc chôn chất thải rắn y tế trong khuôn viên cơ sở. Điều này, không chỉ không đúng theo quy định, mà việc làm này còn gây ô nhiễm không khí, môi trường.

“Theo quy định của Bộ Y tế, việc phân loại chất thải rắn y tế phải thực hiện ngay tại nơi phát sinh chất thải. Từng loại chất thải phải đựng trong các túi và thùng có mã màu kèm biểu tượng theo đúng quy định. Mỗi loại chất thải được thu gom vào các dụng cụ thu gom theo mã màu quy định và phải có nhãn hoặc ghi bên ngoài túi nơi phát sinh chất thải. Các chất thải y tế nguy hại không được để lẫn trong chất thải thông thường. Nếu vô tình để lẫn chất thải y tế nguy hại vào chất thải thông thường thì hỗn hợp chất thải đó phải được xử lý và tiêu hủy như chất thải y tế nguy hại. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao, trước khi thu gom về nơi tập trung chất thải của cơ sở y tế phải được xử lý ban đầu tại nơi phát sinh chất thải…”

Một vấn đề khác đặt ra hiện nay đó là, thực trạng xử lý nước thải y tế trên địa bàn tỉnh cũng đang rất khó khăn. Nước thải y tế cũng là vấn đề đang được nhiều người quan tâm, vì đây cũng là một trong những nguồn có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hiện tại, nhiều cơ sở y tế vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải. Qua khảo sát của ngành y tế tại 25 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và các đơn vị y tế trực thuộc, thì chỉ có 19 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải y tế. Các bệnh viện còn lại đều đổ chung nước thải y tế chưa qua xử lý vào hệ thống cống chung, hoặc đổ tràn cho thấm tự nhiên vào đất. Về vấn đề này, bác sĩ Huỳnh Thanh Hà đánh giá, nhìn chung, công tác xử lý nước thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn còn thể hiện nhiều mặt yếu kém. Nước thải y tế được xếp vào danh mục chất thải đặc biệt nguy hại nếu không được xử lý triệt để. Tuy nhiên, qua khảo sát trên thì có đến 1/4 bệnh viện không có hệ thống xử lý nước thải. Một số bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải, nhưng hầu như không được quan tâm vận hành và sửa chữa khi hư hỏng.

Tại các bệnh viện lớn còn như thế, thì đối với các bệnh viên đa khoa tư nhân, phòng khám đa khoa khu vực, các trạm y tế và phòng khám ngoài giờ cũng không mấy khả quan hơn. Hầu hết nước thải y tế từ các cơ sở này đều được xả trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung của khu vực hoặc xả ra môi trường. Điều này thực sự rất nguy hiểm vì nước thải y tế có thể chứa mẫu bệnh phẩm, khi thải ra môi trường có thể lây lan bệnh cho cộng đồng. Vì thế, vấn đề xử lý nước thải cũng cần được quan tâm xử lý nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân. 

Bài 2: Những giải pháp khả thi

HỒNG THUẬN