Xu hướng chọn ngành 2011: Vẫn nhiều bất cập!
Theo đánh giá chung từ các trường cho biết, lượng hồ sơ đăng ký dự thi đại học (ĐKDT ĐH) năm nay lại tiếp tục tập trung vào nhóm các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh... Điều đó cho thấy, dù đã có sự cân nhắc khá kỹ về năng lực, điều kiện kinh tế để quyết định chọn ngành học, bậc học phù hợp, thế nhưng trên thực tế nhiều thí sinh (TS) đứng trước ngưỡng cửa ĐH vẫn còn xu hướng chọn những ngành học theo cảm tính.
Khối ngành kinh tế vẫn hút TS
Những năm gần đây, các khối ngành kinh tế, du lịch, công nghệ thông tin luôn đứng “top” đầu. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, hồ sơ ĐKDT vào các trường ĐH cũng đã thay đổi ít nhiều. Phần lớn các em chọn thi vào các trường địa phương vì điều kiện gần nhà, thuận tiện đi lại, tiết kiệm chi phí... Trường ĐH Thủ Dầu Một có lượng TS ĐKDT cao nhất với 2.591 hồ sơ. Trong đó, khối A chiếm 1.309 hồ sơ, khối D 801 hồ sơ, khối B 209 hồ sơ và khối C 170 hồ sơ. Tiếp đến là ĐH Công nghiệp 1.440 hồ sơ và ĐH Nông lâm với 1.434 hồ sơ ĐKDT. Hầu hết các TS đều chọn thi vào khối ngành kinh tế, kế toán, quản trị kinh doanh. Tương tự, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương mà Sở GD-ĐT thu được là 462 hồ sơ nhưng nhiều nhất cũng rơi vào các ngành như: Kế toán, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin...
Cần khuyến khích các em học sinh có cách nhìn tích cực hơn trong xu hướng chọn ngành nghề cho tương laiEm Nguyễn Thị Lan Anh, học sinh trường THPT Dĩ An chọn thi vào khối ngành kinh tế, dù Lan Anh chưa xác định mình sẽ học chuyên ngành nào. Em nói: “Em chỉ nghe các bạn nói học kinh tế dễ kiếm việc làm, thu nhập khá. Mặc dù em rất thích ngành xã hội học của trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH-NV) nhưng theo em được biết, học ngành này ra vừa khó xin việc vừa vất vả nên lại thôi”. Còn em Huỳnh Thị Thanh Tâm, học sinh trường THPT Trịnh Hoài Đức lại xác định ngay từ đầu là phải học Ngoại thương. Vì theo Tâm, học ngành này, ra trường có thể làm những công việc vừa oai vừa dễ kiếm tiền, lại được đi đây đi đó... Ông Đặng Thành Sang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Hàng năm, sở đều phối hợp với các trường tổ chức tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh nhưng phần lớn các em đều quan tâm đến khối ngành kinh tế. Do vậy, hầu như các ngành thuộc khối kinh tế đều thừa TS...”.
Cần có cái nhìn tích cực với các ngành xã hội
Những năm gần đây, nhóm ngành KHXH-NV ngày càng hiếm người học. Để có được TS, các trường phải tuyển đến NV2, NV3, thậm chí có trường không mở được lớp và bỏ ngành.
Thống kê từ các trường ĐH cho thấy, mỗi năm số lượng TS đăng ký thi vào nhóm ngành KHXH-NV giảm dần. Nhóm ngành KHXH-NV của trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương cũng đang trong tình trạng khủng hoảng vì khó tuyển sinh. Theo thống kê của Sở GD-ĐT thì năm nay sở chỉ nhận được duy nhất 1 hồ sơ dự thi khối C vào trường này. Ngay như ĐH KHXH-NV TP.HCM là trường thuộc top trên cũng không ngoại lệ. Trong mấy năm qua, có những ngành không tuyển đủ phải lấy NV2 với điểm trúng tuyển chỉ hơn điểm sàn 0,5 điểm. Từ năm 2006 đến nay, ngành Triết học của các trường chưa bao giờ tuyển đủ chỉ tiêu. Năm 2010, nhà trường có tới 15 ngành học có điểm chuẩn thấp hơn năm 2005. Tại trường ĐH Thủ Dầu Một, Ths. Trương Thị Linh cho biết: Năm đầu tiên Khoa Xã hội - Nhân văn của trường chỉ tuyển được 50 sinh viên cho 2 lớp (trong khi chỉ tiêu mỗi ngành là 100). Khóa Ngữ văn đầu tiên trường tuyển được trên 300 sinh viên nhưng đến khóa thứ năm (năm 2010) chỉ tuyển được có... 30 sinh viên.
Ông Đặng Thành Sang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng: “Có thể lý giải lý do của sự “lạnh nhạt” đối với các ngành khối C là do tâm lý xã hội chưa coi trọng nhóm ngành KHXH-NV. Nhiều người quan niệm chỉ khi không có năng lực thì mới thi vào nhóm ngành này. Phụ huynh và HS thì lại nghĩ rằng đây là nghề khó xin việc và thu nhập thấp... nên họ không chọn học. Thật ra, các TS đều có một ước mơ chính đáng là được bước vào giảng đường ĐH sau 12 năm đèn sách ở bậc THPT. Xu hướng chọn ngành, nghề của TS tập trung vào nhóm ngành kinh tế, du lịch... khá cao, là điều phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến những bất cập nhất định, bởi nhu cầu sử dụng lao động của xã hội đa dạng, chứ không chỉ là những ngành khối kinh tế. Vì vậy, trong thời gian tới, địa phương cần phối hợp với các trường để có chính sách khuyến khích cách nhìn khách quan và tích cực hơn với những ngành nghề xã hội đang có nhu cầu”.
NGỌC THANH