Xông trầm ngày tết, một thú chơi tao nhã...
Không phải cứ muốn thì sẽ tiếp cận được thú chơi xông trầm, lý do đơn giản vì nó khá đắt đỏ (trầm là nguyên liệu thuộc dạng quý hiếm trong tự nhiên). Chính vì thế, xưa kia, việc xông trầm chỉ dành cho giới quý tộc thượng lưu. Ngày nay, do đời sống kinh tế phát triển hơn, số lượng người tiếp cận được với thú chơi này cũng bắt đầu gia tăng. Và mọi người có xu hướng tặng nhau trong ngày tết để tỏ lòng quý trọng nhau...
Mùi hương trầm như có một “sức hút kỳ lạ” và quyến rũ hầu như tất cả những ai hít phải nó. Tại nhiều nước Trung Đông mà sự xa hoa đã trở thành “thương hiệu thế giới”, việc xông trầm diễn ra khi có một vị khách đặc biệt đến thăm tư gia vừa là cách thể hiện sự quý mến và tôn trọng của chủ nhân ngôi nhà, đồng thời cũng gián tiếp khẳng định “vị thế xã hội” của người xông trầm.
Ngoài ra, tầng lớp giàu có ở Trung Đông cũng thường xuyên xông trầm vào những dịp ăn mừng lớn hoặc kỷ niệm các sự kiện có ý nghĩa đặc biệt. Lượng tiêu thụ về trầm ở Trung Đông đã tăng vọt trong nhiều năm qua, ví dụ như tại UAE (Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất), lượng trầm nhập khẩu năm 2003 chỉ hơn 2 tấn, thì đến năm 2007, nó đã tăng đến hơn 160 tấn (Nguồn: UNEP-WCMC CITES Trade Database).
Ở Đông Á, Nhật Bản là một quốc gia rất chuộng trầm, đặc biệt là trầm từ Việt Nam. Lịch sử từng ghi nhận, Việt Nam (xứ Đàng Trong) và Nhật Bản đã có mối giao thương về trầm từ rất sớm. Vào năm 1605, chúa Nguyễn Hoàng (người tiên phong mở rộng bờ cõi Việt Nam về phương Nam) đã gửi tặng lãnh chúa Tokugawa Ieyasu mỗi lần 1 miếng Kỳ Nam (tiếng Nhật gọi là KYARA) nặng 1kg để bày tỏ sự quý mến trọng thị.
Hiện nay, thú chơi xông trầm đã dần phổ biến hơn, nhưng ngược lại cũng “biến tấu” hơn. Người ta không còn quá chú trọng đến sự cầu kỳ trong cách xông truyền thống (dùng lõi tre và bộ gắp trầm có tính đặc trưng), mặc dù vẫn đưa ra đòi hỏi cao trong việc sử dụng nguyên liệu để xông trầm, vì đây là yếu tố có tính quyết định đến “đẳng cấp” của việc xông trầm.
Riêng đối với Việt Nam, xông trầm tuy chỉ mới tồn tại ở một số nhóm nhỏ thuộc dạng “uy quyền”, nhưng nhiều người đã không ngần ngại xếp cái thú chơi này vào hạng nhất của những món chơi “vừa lạ vừa khủng vừa mang ý niệm may mắn”, gồm: NHẤT XÔNG, NHÌ CẢNH, TAM TIỀN, TỨ QUẢ, hoặc NHẤT XÔNG, NHÌ CẢNH, TAM TIỀN, TỨ THÚ, nghĩa là thứ nhất xông trầm, thứ nhì cây cảnh (loại cổ thụ và dáng tuyệt đẹp), thứ ba tiền cổ, thứ tư là loại quả, loại thú/con vật đặc biệt.
Có thể thấy được 3 lợi ích của việc xông trầm. Đứng dưới góc độ phân tích, xông trầm được nhìn nhận đem đến ít nhất 3 lợi ích cơ bản, liên quan đến THỂ CHẤT, XÃ HỘI và TÂM LINH.
Cụ thể, về thể chất, mùi trầm hương đã được chứng minh là đem tới sự ổn định huyết áp, giảm lo âu, thư giãn, tĩnh tâm và tập trung cao (báo cáo của các nhà khoa học ở Viện khoa học Weizmann - Israel vào năm 2010). Trong khi đó, như đã nói, khi mùi hương trầm xuất hiện trong gian phòng hoặc ngôi nhà của một ai đó, đủ để nói lên “vai vế xã hội” của người ấy. Thật vậy, do trầm không hề rẻ (nếu là kỳ nam thì càng... khủng khiếp hơn, bởi 1g kỳ nam có giá cao nhiều so với 1g vàng), nên nó được xem là “dấu chỉ của sự giàu sang và quyền thế”.
Nhưng trên tất cả, điều làm cho việc xông trầm trở nên có “giá” là vì người ta tin rằng khi xông trầm, họ sẽ dễ gặp may mắn. Thậm chí, không cần xông trầm, thay vào đó, chỉ cần luôn đem theo bên mình một miếng trầm nhỏ thì cũng sẽ gặp may mắn, thuận lợi. Niềm tin này đã có từ lâu đời, xuất phát từ quan niệm cho rằng, trầm là LINH KHÍ CỦA TRỜI ĐẤT, là BÁU VẬT CỦA THIÊN NHIÊN, là sự KẾT TINH TỪ NHỮNG MÙI HƯƠNG VI DIỆU, nên xông trầm sẽ có tác dụng khai trừ năng lượng tiêu cực, u ám và đem đến “trường năng lượng may mắn” để chiêu tài dẫn lộc và phồn thịnh.
Chính vì lẽ đó, khi mùa xuân đến, nhu cầu sử dụng trầm để xông đốt tại một số quốc gia (trong đó có Việt Nam) lại tăng cao hơn bình thường, vì ai ai cũng muốn khởi đầu một năm mới được nhiều thuận lợi và tốt đẹp! Đây cũng có thể xem là một thú chơi vừa cao sang, vừa tinh tế trong ngày xuân.
HƯƠNG CẦN