Xông pha nơi tuyến đầu chống dịch
(BDO) Những tháng ngày phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đầy “cam go” đã đi qua, mọi người đã trở về với cuộc sống và công việc thường ngày của mình, nhưng với những thầy thuốc áo trắng mang trên mình trọng trách cao cả chăm sóc sức khỏe nhân dân sẽ không thể nào quên những tháng ngày gian khó ấy. Với lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc, họ đã không ngại khó khăn, lao vào “trận chiến” để cùng nhau phòng, chống dịch bệnh, góp phần sớm mang lại cuộc sống bình an cho mọi người.
ĐIỀU DƯỠNG NGUYỄN THỊ HÔN: Xem người bệnh như người nhà để chăm sóc
Điều dưỡng Nguyễn Thị Hôn đang chăm sóc bệnh nhi
Điều dưỡng (ĐD) là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, hỗ trợ bác sĩ điều trị bệnh cho bệnh nhân đạt kết quả tốt nhất. Trong 16 năm gắn bó với công việc này, chị Nguyễn Thị Hôn, hiện là ĐD trưởng khoa nhi Trung tâm Y tế (TTYT) TP.Thuận An luôn nhận được sự tin tưởng, cảm tình từ bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân bởi sự tận tâm trong công việc, chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân hết lòng.
Trong công việc hàng ngày tại TTYT thành phố hay trong suốt thời gian tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh, ĐD Hôn luôn phát huy hết khả năng trong công việc được giao. Từ ngày 23-6 đến 22-12-2021, chị vừa làm ĐD viên, vừa làm ĐD trưởng, trực tiếp quản lý và tham gia chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại khoa nhiễm. Công việc chăm sóc bệnh nhân nói thì dễ nhưng bắt tay vào thực tế phải đối diện với rất nhiều áp lực. Vừa chăm sóc cho bệnh nhân, ĐD vừa là người chia sẻ, động viên bệnh nhân về mặt tinh thần để bệnh nhân yên tâm điều trị. Đặc biệt là thời gian đỉnh dịch bệnh (từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9-2021), số bệnh nhân nặng tại trung tâm nhiều nên quá tải về giường bệnh. Chị Hôn và đồng nghiệp đều phải làm việc hết công suất, hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi.
Chị Hôn cho biết: “Cả khoa lúc đó có 16 người, chúng tôi đều xác định đã vào ngành y thì phải coi bệnh nhân như người nhà của mình. Bằng khả năng và kiến thức đã học, được tập huấn đầy đủ trước khi tham gia phòng, chống dịch bệnh, chúng tôi luôn cố gắng hết sức để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân sớm bình phục sức khỏe. Cứ mỗi bệnh nhân được xuất viện về với gia đình là niềm vui của chúng tôi lại được nhân lên, được tiếp thêm động lực để tiếp tục chiến đấu phòng, chống dịch bệnh”. ĐD Hôn cho biết thêm, một số đồng nghiệp của chị do làm việc quá sức đã ngất xỉu và có đến 9 đồng nghiệp trong khoa bị nhiễm Covid-19 nhưng mọi người vẫn tham gia chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân F0.
Trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, hỗ trợ bác sĩ điều trị cho bệnh nhân đến ngày họ lành bệnh và xuất viện, đó là lúc ĐD Hôn cảm thấy vui nhất vì đã góp một phần nhỏ trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân. ĐD Hôn chia sẻ: “Mình theo và gắn bó với nghề y cũng vì ý nghĩa cao cả của nghề. Nếu không có ĐD, không có bác sĩ thì người dân lấy ai chăm sóc, nương tựa khi bệnh đau. Nghề y là nghề cao quý để chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho nhân dân. 16 năm gắn bó với nghề, mình luôn thấy tự hào về nghề mà mình đã lựa chọn”.
BÁC SĨ ĐOÀN THỊ KIM THOA: Tự hào khi gắn bó với nghề y
Bác sĩ Đoàn Thị Kim Thoa (bìa trái) luôn quyết tâm gắn bó với nghề đã chọn
Cùng với đồng nghiệp của mình, trong đợt dịch bệnh thứ 4 vừa qua, bác sĩ (BS) Đoàn Thị Kim Thoa, khoa hồi sức tích cực TTYT TP.Thuận An là một trong những thầy thuốc tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh. Ngoài vai trò là BS khám bệnh, chăm sóc cho bệnh nhân, chị còn tham gia quản lý, sắp lịch, hỗ trợ anh em tình nguyện viên. Những lúc thiếu người, chị còn làm những công việc của hộ lý, dọn rác, thay quần áo, thay tã cho bệnh nhân... Việc nào chị cũng không nề hà, kêu ca.
Chị cho biết trong 3 tháng đỉnh điểm dịch bệnh, có lúc tưởng chừng như gục ngã vì quá áp lực, nhưng bằng lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm của người thầy thuốc, chị và đồng nghiệp đã nén lại những đau thương, vượt qua mọi khó khăn thách thức, góp nhặt những niềm vui, sự lạc quan để tiếp tục bám trụ phòng, chống dịch bệnh. Mọi người cùng động viên nhau, tin tưởng vào ngày chiến thắng dịch bệnh sẽ không còn xa, đặc biệt là khi bệnh nhân được xuất viện trở về với gia đình ngày càng nhiều, con số nhiễm chậm lại, tỷ lệ tử vong giảm dần và sau cùng là niềm hạnh phúc ngập tràn khi dịch bệnh đã ở bên kia của sườn dốc và thành phố bắt đầu trở về “bình thường mới”.
“Là BS, nhiều khi mình cũng thấy rất buồn vì bất lực trước những ca bệnh diễn tiến nặng và ra đi. Đặc biệt là trong giai đoạn đi phòng, chống dịch bệnh, nhìn thấy đồng đội của mình nhiễm Covid-19 rồi lặng lẽ đi về khu cách ly một mình, mình thấy buồn nhiều lắm. Nhưng nghĩ lại, trong giai đoạn này, mình làm ngành y mà bỏ cuộc thì ai sẽ là người đứng ra chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Mình đã chọn nghề y rồi thì phải quyết tâm đi đến cuối con đường”, BS Thoa chia sẻ.
Để đáp ứng nhu cầu kiểm soát và chăm sóc nhân dân trước diễn biến mới của dịch bệnh, TP.Thuận An đã trưng dụng và cải tạo Phòng khám Đa khoa khu vực An Phú thành khu điều trị Covid-19 200 giường. Đây là bệnh viện tầng 2 điều trị tại chỗ cho người dân trên địa bàn thành phố. Với kinh nghiệm trong những tháng ngày xông pha phòng, chống dịch bệnh và sự tận tâm, trách nhiệm với nghề, BS Thoa tiếp tục được Ban Giám đốc TTYT TP.Thuận An tín nhiệm, giao phụ trách công tác hồi sức tích cực tại khu điều trị Covid-19 thành phố trên địa bàn phường An Phú. Tại đây, chị và đồng nghiệp không ngừng nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
BS Thoa bày tỏ: “Qua đợt dịch bệnh vừa rồi, mình càng thấy tự hào, yêu nghề và muốn gắn bó lâu dài với nghề của mình hơn. Dù có khó khăn, vất vả nhưng công sức mình bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng, dịch bệnh đã dần được đẩy lùi, kinh tế - xã hội cũng dần phục hồi. Đó chính là những niềm vui, niềm động viên khích lệ nhân viên y tế chúng tôi tiếp tục gắn bó, tâm huyết với nghề hơn…”.
CẨM LÝ