“Xoay trục” khiến ông Trump đảo ngược thế cờ?
(BDO) Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa người dân xứ sở cờ hoa sẽ được chào đón chủ nhân mới của Nhà Trắng. Ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton hay Donald Trump của đảng Cộng hòa sẽ chinh phục được đỉnh cao quyền lực?
Với việc bị đối thủ cựu đệ nhất phu nhân Mỹ bỏ xa phía sau ở thời điểm hiện tại, tỷ phú Donald Trump đang nỗ lực tung ra những “chiêu trò” mới có thể lật ngược thế cờ. Chặng đường về đích đối với ứng cử viên đảng Cộng hòa xem ra còn quá nhiều chông gai.
Giành giật từng lá phiếu
Giữa một thế giới đầy bất an và bất định, nhiều quốc gia có xu hướng quay trở lại chủ nghĩa biệt lập. Ông Trump với chủ trương "chăm lo cho ngôi nhà của nước Mỹ đã rồi mới lo cho thế giới" nổi lên như một người hùng với hy vọng có thể đem lại sự thay đổi thực sự cho nước Mỹ. Trong khi đó, bà Clinton lại là hiện thân cho những chính sách mà không ít người chỉ trích là đã lỗi thời, không còn hiệu quả trong bối cảnh nước Mỹ và thế giới đang đứng trước những thách thức chưa từng có.
Ở các bang được coi là chiến trường đấu trí nóng bỏng, có khả năng quyết định kết quả bầu cử, hai ứng cử viên chính thức đại diện cho đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa - cựu Ngoại trưởng Clinton và tỷ phú Trump - đang tìm cách công kích lẫn nhau để thu hút cử tri. Cả hai ứng cử viên đang phải dốc sức do tỷ lệ ủng hộ thấp, và chiến dịch tranh cử của mỗi bên đều hi vọng biến cuộc bầu cử sắp tới thành một cuộc trưng cầu dân ý về đối thủ không hoàn hảo của mình.
Chiến dịch của bà Clinton đang mô tả ông Trump là hết sức không phù hợp để trở thành một tổng tư lệnh, chớp lấy những sai lầm của ông về an ninh quốc gia để hù dọa một cách hiệu quả người dân Mỹ về viễn cảnh khi ông ngồi trong Phòng Bầu dục. Trong phát biểu tại đại hội đảng Dân chủ, bà Clinton nói: “Một người bạn có thể huýt sáo chế nhạo không phải là người mà bạn có thể tin tưởng giao phó vũ khí hạt nhân”.
Tuy nhiên, chiến dịch của ông Trump dường như cho rằng kết quả bầu cử không tùy thuộc vào tính cách ứng cử viên mà vào trách nhiệm cá nhân của bà Clinton. Nhờ sự ủng hộ của những người “ngoại đạo” giúp ông giành được sự đề cử của đảng Cộng hòa, ông Trump sẽ thể hiện nữ cựu ngoại trưởng như một biểu tượng "đáng chán" cho thực trạng tinh hoa ở một đất nước mà như lời ông nói đang khát khao về những kỹ năng giải quyết vấn đề của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ.
Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton.
Sự “xoay trục” của Donald Trump
Trong bối cảnh ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đang chiếm ưu thế, giới phân tích cho rằng ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump đang cố gắng tạo ra một sự xoay trục trong chiến dịch tranh cử của mình nhằm giành lại ưu thế trước cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong các nhóm cử tri.
Với việc ông Trump bổ nhiệm Stephen Bannon, cựu Giám đốc điều hành của Breitbart News làm người đứng đầu chiến dịch tranh cử, loại bỏ Chủ tịch chiến dịch cũ là Paul Manafort, vốn bị tai tiếng vì cáo buộc có mối liên hệ với cựu Tổng thống Ukraine thân Nga Viktor Yanukovych. Sau đó là một loạt tuyên bố gây sốc của vị tỷ phú này như thừa nhận hối tiếc vì một số phát ngôn sai lầm trong quá trình tranh cử hay tại một cuộc gặp riêng đã tiết lộ rằng có thể nới lỏng chính sách nhập cư với người da màu.
Theo đánh giá, ông Donald Trump có lý do rõ ràng để thực hiện sự thay đổi này vì hiện nay mọi thứ dường như đang chống lại ông. Các cuộc điều tra dư luận cho thấy ông trùm bất động sản đang mất điểm ở khắp nơi, từ các bang còn do dự, các bang ủng hộ đảng Dân chủ cho đến các bang ủng hộ đảng Cộng hòa như Utah.
Mỗi phát ngôn của ông Trump lại khiến cho cử tri thêm nghi ngờ năng lực của ông trong việc trở thành tổng thống mới của nước Mỹ. Tờ New York Times thậm chí còn cho biết ông Trump đang gặp khó khăn ngay trong chính nhóm ủng hộ chủ lực là cử tri nam da trắng.
Trong bối cảnh các cuộc khảo sát chính trị toàn quốc cho thấy bà Clinton đã dẫn điểm rất xa khi xét về sự ủng hộ của cả cử tri da đen lẫn nhóm người từ những nước nói tiếng Tây Ban Nha, còn gọi là người Hispanic, sự ủng hộ của người da đen dành cho ông Trump chỉ đạt tỷ lệ thấp ở mức một con số. Một cuộc thăm dò cho thấy ông chỉ nhận được sự ủng hộ nhỉnh hơn một chút từ người Hispanic, khoảng 14%.
Tuy nhiên, ông Trump bị đánh giá đang nhận được rất ít phiếu từ các cử tri gốc Phi và điều này khó có khả năng thay đổi. Việc xây dựng hình ảnh mới vốn không dễ dàng cho bất kỳ ứng viên nào vào thời điểm này của cuộc tranh cử, việc đưa ra một vài phát biểu và thay đổi nhân sự chiến dịch là không đủ để lật ngược thế cờ.
Thách thức lớn nhất của ông Trump là việc vượt qua những con số bất lợi trong các cuộc điều tra dư luận. Bên cạnh đó, việc ông Trump có thể duy trì chiến lược hiện nay cũng là điều đáng bàn. Tại các thời điểm trong quá khứ, đôi lúc ông Trump cũng đã tỏ ra cân nhắc các phát biểu của mình, nhưng chỉ vài ngày sau lại quay lại với những thông điệp cực đoan quen thuộc.
Những phát biểu của ông Trump, như trước cộng đồng người da màu vừa qua, cũng sẽ là không đủ để khiến những nhóm cử tri vốn không ủng hộ đảng Cộng hòa cũng như ông Trump trong suốt thời qua thay đổi quan điểm.
Ông Trump đang cố lấy lại phong độ, song các chuyên gia nói rằng ông sẽ phải củng cố chiến lược hơn nữa nếu muốn giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuần qua, ông Trump dường như đã “chơi trội” hơn Tổng thống Obama với cuộc ghé thăm bang Louisiana hôm 19/8, nơi hàng chục nghìn người rời bỏ nhà cửa bởi lũ quét.
Với bài phát biểu về kế hoạch chống khủng bố và tránh đưa ra những bình luận nóng vội như thường thấy, lối nói khoa trương dữ dội của ông Trump được cho là phần nào đã kích động sự ủng hộ trong số các nhóm cử tri nền tảng của ông. Tuy nhiên, đội ngũ nhân viên của ông Trump vẫn cho rằng ứng cử viên này cần “xuống giọng” nữa mới có thể lôi kéo được nhiều cử tri hơn.
Theo thể thức bầu cử Mỹ, cuộc đua vào Nhà Trắng không do số phiếu phổ thông quyết định, mà do cử tri đoàn, ở đó cuộc bỏ phiếu được xác định theo kết quả ở mỗi bang, và số phiếu của từng bang lại tương ứng với dân số. Trong bối cảnh chỉ còn hơn 2 tháng là tới cuộc tổng tuyển cử, giới phân tích nhận định bà Clinton hiện có lợi thế cạnh tranh với mức dẫn trước 5,3% so với ông Trump trong một số cuộc điều tra toàn quốc, đó là chưa kể bà Clinton có lợi thế cạnh tranh đáng kể ở một số bang "chiến trường", nơi có thể quyết định các kết quả của cuộc đua cho chức tổng thống nhiệm kỳ 4 năm tới.
Hẳn nhiều người chưa quên, năm 1968, ứng viên đảng Dân chủ Hubert Humphrey đã từng thay đổi hình ảnh nhanh chóng, thu hút một lượng lớn cử tri từ phía ứng cử viên Đảng Cộng hòa Richard Nixon. Tuy nhiên, từng đó vẫn không đủ cho ông Humphrey giành chiến thắng. Trong bối cảnh của ông Trump hiện nay, tình hình thậm chí còn khó khăn gấp bội. Có lẽ tốt hơn là đảng Cộng hòa nên tập trung vào các cuộc đua vào Quốc hội Mỹ hơn là hy vọng ông Trump còn cách nào đó để lật ngược thế cờ.
Theo CAND