Xoay chuyển bánh xe hợp tác
(BDO) Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc theo kế hoạch diễn ra tại Seoul trong các ngày 26 – 27/5 được kỳ vọng sẽ là cơ hội để đưa hợp tác ba bên vốn bị ngưng trệ trong hơn 4 năm qua trở lại đúng hướng.
Từ trái sang: Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Chính phủ Hàn Quốc đánh giá đây sẽ là một bước ngoặt trong việc khôi phục và bình thường hóa hoàn toàn hệ thống hợp tác giữa 3 nước Hàn - Trung - Nhật. Dư luận tại Hàn Quốc, nước thể hiện nỗ lực lớn trong việc thúc đẩy sớm tổ chức hội nghị lần này, nhìn chung đều đánh giá tích cực về cuộc gặp. Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, việc Hàn Quốc chủ trương xích lại gần Mỹ và việc tăng cường liên minh ba bên Mỹ - Hàn - Nhật vô hình trung đã làm dấy lên hình thái của mô hình "Chiến tranh Lạnh mới" với bên kia là Nga, Trung Quốc và Triều Tiên. Chính vì thế, việc kết nối lại hợp tác với Trung Quốc được coi là mắt xích còn thiếu nhằm mở rộng không gian ngoại giao cho Hàn Quốc.
Phó Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo cho biết Tổng thống Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cùng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ tập trung thảo luận 6 lĩnh vực gồm: hợp tác kinh tế và thương mại, phát triển bền vững, các vấn đề y tế, khoa học và công nghệ, quản lý an toàn và thảm họa, giao lưu nhân dân, đồng thời đưa ra tuyên bố chung. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo dự kiến trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, cũng như gặp gỡ doanh nhân và tham dự diễn đàn kinh doanh. Ông Kim Tae-hyo cho rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ tạo cơ hội để phục hồi động lực hợp tác thực chất và hướng tới tương lai của ba nước. Các cuộc gặp song phương Hàn - Trung và Hàn - Nhật cũng sẽ được tổ chức trước cuộc gặp ba bên.
Có thể thấy ba nước đều khá thống nhất quan điểm nối lại đàm phán và bắt đầu từ những vấn đề ít gai góc trước. Bởi lẽ các bên đều nhận thấy lợi ích trong việc kiểm soát quan hệ và nối lại đàm phán để đảm bảo động lực hợp tác thực tế và hướng tới tương lai nhằm cho phép người dân ba nước được hưởng những lợi ích lớn.
Tạp chí nghiên cứu châu Á có bài viết đánh giá rằng hội nghị thượng đỉnh lần thứ chín ở Seoul lần này thu hút sự quan tâm hơn do diễn ra đúng thời điểm chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đẩy nhanh việc thiết lập “cấu trúc an ninh kiểu mắt lưới”, tích cực sử dụng các liên minh để đối trọng với sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Theo đó, Washington đã tăng cường hoạt động cùng lúc với nhiều nước trong các liên minh an ninh do Mỹ dẫn dắt như Hàn - Mỹ - Nhật, Mỹ - Nhật - Philippines, cơ chế AUKUS (liên minh an ninh giữa Mỹ, Anh và Australia) và QUAD (hợp tác an ninh giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) nhằm gia tăng áp lực với Trung Quốc. Trong hệ thống lưới an ninh này, Hàn Quốc nổi lên như một điểm mắt quan trọng và đang bày tỏ ý định tham gia AUKUS. Đây chính là lý do có thể lý giải tại sao Trung Quốc có phản ứng tích cực với đề xuất nối lại cuộc gặp thượng đỉnh ba bên lần này sau thời gian dài lạnh nhạt.
Chuyên gia chính trị quốc tế Park In-hwi thuộc Đại học nữ Ewha nhận định rằng với việc liên minh Hàn-Mỹ và quan hệ Hàn - Mỹ - Nhật đang tiến triển tốt đẹp, trục còn thiếu cuối cùng đối với Hàn Quốc là Trung Quốc và hội nghị thượng đỉnh này có thể là cơ hội để Seoul tạo nền tảng hoàn thiện chiến lược ngoại giao giữa các cường quốc. Theo chuyên gia này, ngay cả khi Hàn Quốc tập trung thúc đẩy hợp tác với Mỹ và Nhật Bản trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quân sự thì cần có sự khôn khéo để đảm bảo rằng những lợi ích có thể đạt được trên bình diện kinh tế thông qua quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc cũng phải được duy trì.
Việc khôi phục hội nghị thượng đỉnh ba bên Hàn - Trung - Nhật sau thời gian dài gián đoạn có ý nghĩa rất lớn. Điều này là do ba nước có chung lịch sử lâu đời và là những nước láng giềng có nhiều mối liên kết phụ thuộc lẫn nhau, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Kim ngạch trao đổi thương mại chiếm tỷ trọng cao trong hợp tác giữa ba nước so với các nước khác. Thêm vào đó, sự hợp tác giữa ba nước là cần thiết để ứng phó với các thảm họa khí hậu và môi trường ngày càng thường xuyên.
Trong bối cảnh liên minh Nga - Trung - Triều được củng cố mạnh, ông Park Hyeong-joong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, cho rằng Bắc Kinh không muốn căng thẳng trong khu vực leo thang dưới cấu trúc "Chiến tranh Lạnh mới" giữa một bên là Mỹ - Hàn - Nhật với bên kia là Nga - Trung - Triều. Theo ông, kể cả khi hội nghị lần này không đạt được kết quả cụ thể nào về vấn đề an ninh trên Bán đảo Triều Tiên thì vẫn có giá trị gửi tín hiệu đến Nga và Triều Tiên.
Tuy nhiên, nhìn chung kỳ vọng vào kết quả cuộc gặp này là không cao. Giới phân tích Hàn Quốc chỉ ra rằng ngay cả khi tuyên bố chung ba nước được thông qua, rất có thể vấn đề an ninh sẽ bị loại trừ. Có ý kiến rằng việc Trung Quốc cử Thủ tướng Lý Cường tham dự cũng cho thấy hội nghị sẽ chủ yếu liên quan tới hợp tác kinh tế.
Giáo sư Nam Sung-wook chuyên ngành chính trị quốc tế thuộc Đại học Hàn Quốc lưu ý dường như Trung Quốc sẽ cố gắng giải quyết các vấn đề như chuỗi cung ứng chất bán dẫn đang vướng mắc với liên minh Hàn - Mỹ trong khi Hàn Quốc lại muốn tập trung ngoại giao thực dụng nhằm khôi phục trao đổi kinh tế với Trung Quốc.
Giới phân tích Hàn Quốc cũng nhận định chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol cần tận dụng cơ hội tại hội nghị này để hóa giải mối quan hệ bị giảm sút nhất với Trung Quốc kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Thúc đẩy liên lạc chiến lược, thay đổi tình hình, mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại, tạo môi trường đầu tư thân thiện ở Trung Quốc nhằm hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu và giao thương là những kết quả mà dư luận đang trông đợi.
Hàn Quốc đã thể hiện rõ lập trường gác lại khác biệt, tập trung hợp tác giống như những nỗ lực giai đoạn ngoại giao con thoi để phá băng với Nhật Bản năm 2023. Với rất nhiều khác biệt và vô vàn những vấn đề tồn đọng sau nhiều năm quan hệ bị đình đốn, việc Hàn - Trung - Nhật đồng ý nối lại hội nghị thượng đỉnh được cho là tín hiệu tích cực thể hiện ý chí hợp tác hướng tới tương lai
Kang Joon-young, Giáo sư chuyên ngành nghiên cứu khu vực và quốc tế thuộc Đại học Ngoại ngữ Hankuk, cho rằng rất khó để ngay lập tức đạt được những kết quả thực chất, nhưng chỉ cần tổ chức cuộc gặp cũng có ý nghĩa lớn bởi điều này vực dậy một nền tảng đổi thoại thay vì đối đầu không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào. Ít nhất, cuộc gặp sẽ thúc đẩy bánh xe hợp tác ba bên xoay chuyển, thay vì đứng im.
Theo Báo Tin Tức