Xin hãy cười và đừng xả rác

Thứ tư, ngày 19/08/2015

(BDO) Tại sân bay Đà Nẵng, tôi thấy hai du khách nước ngoài trả giá taxi với thái độ rất khó chịu. Sau nhiều lần qua lại, cuối cùng anh taxi và người điều hành dịch vụ tại đây thoả thuận được. Tôi hỏi anh điều hành: "Taxi có đồng hồ, cứ tính theo kilômét, tại sao lại phải trả giá?". Anh trả lời: "Tây họ vậy đó anh. Họ không chịu trả theo đồng hồ, họ chỉ đòi trả theo giá thoả thuận đoạn đường từ sân bay tới điểm đến. Bọn em đành phải hạ xuống vài chục ngàn, chịu thiệt một chút nhưng để phục vụ du khách nước ngoài".

Nhân viên khu du lịch Bà Nà đu dây xuống rừng nhặt rác

"Tây họ vậy đó anh". Tôi nghĩ mãi câu nói ấy trên đoạn đường từ sân bay về khách sạn. Tây không phải như vậy, ở đâu họ cũng chỉ leo lên taxi, đi và trả tiền theo đồng hồ kilômét. Nhưng ở Việt Nam (VN) họ không tin cái đồng hồ, mà thực ra là họ không tin người VN, cái đồng hồ có lỗi gì đâu. Họ phải trả giá trước khi lên xe, vì họ nhận được những lời cảnh báo của những nạn nhân từng bị lừa tại VN. Chắc chúng ta không quên những trường hợp người nước ngoài bị "chém" vài triệu đồng một chuyến taxi từ quận 1, TPHCM đi sân bay Tân Sơn Nhất hay một chuyến xích lô 5km giá 1,3 triệu đồng ở Hà Nội. Đà Nẵng chưa xảy ra những vụ lấy tiền xe như trấn lột, nhưng tai tiếng về sự lừa đảo thì không địa phương nào của VN tránh khỏi.

Có điều rất mừng là các anh taxi và điều hành ở sân bay có thái độ khá lịch sự khi thuyết phục du khách. Họ đều nói rằng cố gắng để cho người nước ngoài thấy người Đà Nẵng thân thiện, không lừa đảo. Tôi hỏi nếu khách nước ngoài nào cũng trả giá thấp hơn giá tính theo đồng hồ thì sao? Các anh taxi ở đây đều cho rằng, gặp khách khó tính mấy cũng phải chiều, mất ít tiền cho một cuốc taxi nhưng làm cho khách hài lòng, có thiện cảm với Đà Nẵng.

Một ngày ở khu du lịch Bà Nà, hai điều tôi quan sát và rút ra kết luận, đó là du khách xếp hàng khá trật tự và ít xả rác. Hay nói đúng hơn, cả khu du lịch đông nghẹt khách nhưng không có rác, một điều rất hiếm thấy tại VN. Tại sao khu du lịch Bà Nà lại làm được như vậy? Đơn giản vì họ có một lực lượng nhân viên chuyên lượm rác, du khách thấy môi trường sạch sẽ, không một cọng rác, tự khắc cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Người Việt sẽ ngày càng văn minh hơn khi có nhiều môi trường tạo ra nếp sống văn minh. Dân nước nào cũng vậy thôi, sự văn minh mà họ sở hữu hiện nay phải được xây dựng bằng một quá trình công phu. VN đang luyện "công phu" không xả rác nhưng chưa biết đến ngày nào mới đạt được thành tựu.

Những điều mà các anh taxi ở sân bay Đà Nẵng cư xử với khách nước ngoài hay một Bà Nà không rác có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nên thương hiệu "thành phố đáng sống", thu hút du khách bốn phương. Cho nên, sự tử tế cũng còn là phương cách mang lại lợi ích kinh tế.

Theo Lao Động