Xem xét tăng giá điện để bù chi phí, lỗ

Thứ sáu, ngày 11/05/2012

Đến đầu tháng 5, ba yếu tố các thông số đầu vào của điện: tỷ giá, sản lượng phát điện, nhiên liệu tăng 3,29%, cộng với các khoản lỗ trước đó nên áp lực tăng giá điện là rất cao.

Ngày 10-5, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Nếu tính toán ba yếu tố các thông số đầu vào của điện: tỷ giá, sản lượng phát điện, nhiên liệu thì tăng 3,29%, tương đương 42,95 đồng/kWh (tính đến đầu tháng 5). Cụ thể: tỷ giá tăng 0,6%; giá khí tăng 10,4% (tăng dầu FO); than có giảm: 0,3%. Sản lượng điện phát: thủy điện giảm: 6,7%; nhiệt điện dầu giảm: 9,73%,…

Trong giá điện, theo ông Thỏa, đã nhiều lần Bộ Công thương và Bộ Tài chính có nêu còn có một số khoản treo lại mà cần phải phân bổ như: chênh lệch tỷ giá tính đến ngày 31-12-2011 (15.463 tỷ đồng); chênh lệch do phát điện, mua điện giá cao năm 2010 cao hơn mức nhà nước quy định bán vào khoảng 8.040 tỷ đồng.

"Những khoản này được phép phân bổ, nhưng không phải đưa cùng một lúc vào giá điện mà phân bổ dần dần trong một vài năm để đảm bảo giá điện hạch toán được, phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế, của các DN sử dụng điện và người dân" - ông Thỏa nói.

Theo Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì trường hợp giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành và cơ cấu sản lượng điện phát thay đổi so với kế hoạch phát điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt, làm giá bán điện tại thời điểm tính toán so với giá bán điện hiện hành tăng với mức 5% thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trong thời gian 5 ngày làm việc, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời để Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện. Trường hợp sau 5 ngày làm việc mà Bộ Công Thương chưa có ý kiến trả lời, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh tăng giá bán điện 5% và báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát.

Tuy nhiên, “Đến giờ phút này, Bộ Tài chính chưa nhận được ý kiến của Bộ Công thương. Tinh thần là có những biến động và cũng phải có xem xét tính toán để xử lý với yêu cầu mức độ của mục tiêu kiểm soát lạm phát” – ông Thỏa nói.

Trước đó, hồi tháng 3-2012, ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó tổng giám đốc EVN cho biết do áp lực giá gas, giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào tăng cao, dự kiến Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) sẽ đề xuất Chính phủ cho điều chỉnh tăng giá điện thêm 2 đợt nữa từ nay đến cuối năm 2012, mỗi đợt tăng ít nhất 5% so với giá bình quân hiện nay.

Cùng về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng ngành điện hiện vẫn còn treo một khoản nợ rất lớn kéo dài trong 2 năm 2010, 2011 cho nên trong thời gian tới, nếu điều kiện cho phép thì cũng xem xét cho điều chỉnh giá điện để cải thiện tình hình tài chính ngành điện.

Theo một số chuyên gia kinh tế, cần xem xét lại cách điều hành giá điện. Bởi thực tế từ xưa đến nay giá xăng có khi còn giảm chứ giá điện chỉ tăng, chưa bao giờ giảm, trong khi giá thế giới có lên có xuống. Thứ hai, EVN đòi áp giá thị trường trong khi chưa có cạnh tranh, tức đang áp quy trình ngược, hay có thể nói là lạm dụng cơ chế thị trường. Thứ ba, cả nước thiếu điện nhưng một số nhà sản xuất điện tư nhân lại không ký được hợp đồng bán điện cho EVN...

Theo VOV