Xem xét dự thảo Báo cáo nhiệm kỳ của Thủ tướng Chính phủ
(BDO)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Chiều 24-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bản dự thảo Báo cáo đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch 5 năm
Theo dự thảo Báo cáo, trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 2011-2015, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 9 chỉ tiêu không đạt, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP nhưng chỉ tiêu này năm 2014 và 2015 đã có chuyển biến tích cực, vượt kế hoạch đề ra.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, giảm mặt bằng lãi suất, bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế gắn với xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo…
Trong hoạt động, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, tuân thủ các quy định của pháp luật; tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, kết hợp trách nhiệm của tập thể với việc đề cao trách nhiệm cá nhân.
Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đúng quy định của pháp luật, lãnh đạo có hiệu lực, hiệu quả công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Các thành viên Chính phủ tham gia tích cực vào việc giải quyết các công việc chung của tập thể Chính phủ.
Vẫn còn tình trạng “xin-cho”
Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, báo cáo cho biết, từ năm 2011 đến nay đã đơn giản hóa 4.471/4.723 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 94,7%). Tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, tồn đọng, kéo dài. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tạo điều kiện để nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị-xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Liên quan đến vấn đề này, thẩm tra dự thảo Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật cho rằng, trong thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực cải cách hành chính, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, đến nay kết quả cải cách hành chính chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho;” bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh... tạo ra nhiều khe hở, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực; chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao… gây lãng phí, tốn kém cho xã hội.
Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá Chính phủ đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt ban hành nhiều cơ chế cụ thể để kiểm soát các hoạt động quản lý trong một số lĩnh vực nhạy cảm liên quan trực tiếp đến người dân, như trong lĩnh vực thuế, hải quan; đồng thời đã quản lý chặt chi tiêu công, giảm các đoàn đi nước ngoài không cần thiết bằng ngân sách nhà nước…
Tuy nhiên, Báo cáo còn chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí cũng như nguyên nhân và trách nhiệm; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; tình trạng lãng phí còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu, như việc xây dựng trụ sở, quảng trường, tượng đài, mua sắm và sử dụng tài sản công…
Bên cạnh những tiến bộ và kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu rõ một số hạn chế, yếu kém trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Đơn cử như việc quán triệt, thể chế hóa và ban hành các kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, thi hành Hiến pháp, pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội trong một số lĩnh vực và ở một số bộ, ngành, địa phương còn lúng túng.
Tiến độ xây dựng một số dự án luật, pháp lệnh còn chậm, chất lượng thẩm định còn thiếu tính bao quát, khả thi. Công tác phối hợp trong nghiên cứu, xây dựng luật, pháp lệnh chưa thật chặt chẽ. Giám sát, phản biện xã hội hiệu quả chưa cao. Khả năng nắm bắt, xử lý thông tin, năng lực phân tích, dự báo còn hạn chế.
Sự phối hợp giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư và các chính sách khác trong thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế có thời điểm còn chưa đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.
Làm rõ những tồn tại cần tập trung giải quyết trong nhiệm kỳ tới
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với những nội dung của báo cáo, đánh giá từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016) đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật, cũng như các nhiệm vụ, quyền hạn của mình để bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế….
Sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã góp phần quan trọng tạo nên bước phát triển đáng ghi nhận trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước.
Một số ý kiến đề nghị Báo cáo cần bổ sung nêu bật được kết quả tổ chức thực hiện những chủ trương lớn về tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức và hoạt động của Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội; vấn đề thực hiện chủ trương bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; việc thực hiện tách quản lý nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh; việc tổ chức các bộ, cơ quan ngang bộ và đội ngũ cán bộ, công chức theo yêu cầu tinh gọn, hiệu quả.
Đánh giá cao kết quả công tác 5 năm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước kiến nghị Báo cáo cần đề cập thêm đến những tồn tại, thách thức từ các nhiệm kỳ trước để lại và công tác khắc phục những yếu kém tồn tại đó.
Ngoài ra, Báo cáo cũng cần thống kê những nội dung mà Quốc hội đã tiến hành chất vấn Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và kết quả giải quyết, xử lý các chất vấn đó như thế nào. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng gợi ý Báo cáo cần đề cập đến những vấn đề còn tồn tại, cần tập trung giải quyết trong nhiệm kỳ tới.
Góp ý về một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị làm rõ hơn trong Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về "tam nông" gắn với thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới; cụ thể hơn nữa kết quả công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đang là những vấn đề rất bức xúc trong thời gian vừa qua./.
Theo TTXVN