Xem “Tôi yêu Bình Dương”, tự hào và yêu quê hương hơn

Thứ sáu, ngày 23/09/2022

(BDO) Mỗi khi nhắc đến Bình Dương, nhiều người thường kể ngay những ngành nghề truyền thống của vùng đất này như: Gốm sứ, sơn mài, mộc… Vì vậy, nhiều độc giả của Báo Bình Dương đã chia sẻ với chúng tôi những cảm xúc tự hào và yêu quý làng nghề thủ công truyền thống của quê hương khi xem chương trình “Tôi yêu Bình Dương” tập 4 vừa qua với chủ đề “Sơn mài đất Thủ - trăm năm tạc gỗ nên vàng”.


Nhiều du khách rất hào hứng khi đến tham quan, tìm hiểu các công đoạn sản xuất tại Cơ sở sơn mài Định Hòa, một điểm đến lý tưởng ở Bình Dương

Hấp dẫn từ tên tiêu đề

Trước khi phát sóng, Báo Bình Dương đã đăng tải trailer tập 4 với chủ đề “Sơn mài đất Thủ - trăm năm tạc gỗ nên vàng”. Chính tiêu đề này đã khiến nhiều độc giả hào hứng đón xem. Chị Huỳnh Thị Tiên (công nhân làm việc tại phường Thuận Giao, TP.Thuận An) cho biết, đã từng nhìn thấy những sản phẩm sơn mài tại các hội chợ triển lãm thương mại, nên chị rất thích những nét tinh xảo của các sản phẩm sơn mài. Chị cũng được biết đây là nghề truyền thống rất nổi tiếng của Bình Dương. Vì vậy, chị Tiên rất mong chờ đến sáng chủ nhật để xem tập 4 hấp dẫn này của chương trình “Tôi yêu Bình Dương”.

Sơn mài được xem là một trong các chất liệu hội họa đặc biệt của Việt Nam, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tại Bình Dương, đây là một trong những ngành nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời, với hơn 300 năm phát triển. Ở Bình Dương có nhiều làng nghề sơn mài, phần lớn tập trung trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Trong đó, làng nghề Tương Bình Hiệp được xem là nơi khởi phát của nghề sơn mài ở Bình Dương. Và nơi đây, sơn mài Định Hòa là một trong những cơ sở lâu đời và nổi tiếng nhất. Tại đây, còn gìn giữ lại cách chế tác thủ công vốn dĩ có từ xa xưa. Mỗi tác phẩm đều là tâm huyết của những nghệ nhân, đặt vào đó cái tâm, thần thái, sự tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Các sản phẩm nơi đây đều được đánh giá cao vì chất lượng tốt, tinh xảo, mượt mà trong từng đường nét, chi tiết…

Thầy Huỳnh Tuấn Huy, giáo viên trường THCS Nguyễn Văn Cừ (TP.Thủ Dầu Một) cho biết: “Khi nghe những chia sẻ của các nghệ nhân trong chương trình “Tôi yêu Bình Dương”, tôi càng hiểu thêm về nghề sơn mài truyền thống. Những sản phẩm sơn mài không đơn thuần là một kiệt tác mà còn chứa đựng tâm huyết của người nghệ nhân làm ra qua những chất liệu đa dạng nhằm thể hiện đẳng cấp của tác phẩm. Mỗi lần đến nơi đây, tôi càng thấy tự hào khi thu thập thêm nhiều kiến thức và có thể hòa mình vào những tác phẩm nghệ thuật độc đáo”.

Mang tính giáo dục cao

Sau gần 1 tháng ra mắt, chương trình “Tôi yêu Bình Dương” đã nhận được sự ưu ái của quý bạn đọc gần xa. Bởi đây không chỉ là kênh gợi nhớ quê hương của những người xa xứ, mà còn là chương trình mang tính giáo dục cao đối với những người trẻ.

Chị Đinh Thị Bích Tuyền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng cho biết: “Đây là chương trình rất có ý nghĩa cho thế hệ sau này. Những thông điệp của chương trình mang tính nhân văn, giáo dục thế hệ trẻ biết thêm những vùng đất anh hùng, tự hào hơn với những nền văn hóa lịch sử đặc trưng. Chương trình giúp chúng ta biết về những dấu ấn lịch sử của quê hương nơi mình sinh ra, có những làng nghề được các bậc cha ông duy trì. Qua đây, chúng ta có thể chia sẻ trên các trang mạng xã hội, để mọi người và cộng đồng trên thế giới biết đến vùng đất Bình Dương đang từng bước phát triển, thay da đổi thịt nhưng vẫn lưu giữ những hình ảnh làng nghề truyền thống”.

Còn với chị Phạm Thị Lành, ngụ tại xã An Tây, TX.Bến Cát, sáng chủ nhật thường là thời gian cả nhà chị dành để “ngủ nướng”. Nhưng nay thói quen này được thay đổi bằng những động tác thể dục khởi động và xem chương trình “Tôi yêu Bình Dương” của Báo Bình Dương. Sau khi xem xong, cả nhà chị Lành lên ý tưởng đến tham quan để tìm hiểu và trải nghiệm những địa chỉ mà chương trình giới thiệu. 2 con của chị cũng trở nên ngoan hơn và tự giác dậy sớm vào sáng chủ nhật hàng tuần, đón xem điểm đến mới trong chương trình thú vị này trên Báo Bình Dương.

Bên cạnh những chia sẻ, cảm nhận, bạn đọc cũng đã đóng góp ý kiến xây dựng nhằm giúp chương trình ngày càng hay hơn. Anh Nguyễn Văn Phước, ngụ tại phường Tân Bình, TP.Dĩ An đã đề xuất, âm nhạc trong chương trình cần chọn lọc những bài hát về Bình Dương và có âm lượng hài hòa hơn. Nếu chương trình đưa thêm được những thành tựu, những giải thưởng của các nhân vật gắn với từng địa chỉ thì sẽ hấp dẫn hơn. Hy vọng, các số tiếp theo sẽ có thêm những món ăn đặc sản, những lễ hội nổi tiếng để bạn đọc kịp cập nhật và sắp xếp thời gian tham gia cùng địa phương.

Rất cảm ơn những tình cảm, các ý kiến đóng góp của quý độc giả đã dành cho chương trình. Ban Biên tập Báo Bình Dương và ê kíp thực hiện chương trình sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp để thực hiện chương trình ngày càng hay và ý nghĩa hơn, để mọi người sẽ ngày càng yêu mến Bình Dương hơn.

THỤC VĂN