Xe tải né trạm cân, “băm nát” đường giao thông nông thôn
Khoảng 2 tháng nay, hàng chục km đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng đang bị xe tải “băm nát” gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Đặc biệt, tuyến giao thông chạy dọc kênh thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa vừa mới được xây dựng nhưng hiện đã xuống cấp nghiêm trọng vì những xe né trạm này. Người dân lo ngại nếu chính quyền các cấp không sớm quan tâm, tuyến kênh được xây dựng tiền tỷ này sẽ bị sạt lở trong nay mai.
(BDO)
Xe tải nối đuôi lưu thông dọc kênh thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa khiến mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, dễ gây sạt lở bờ kênh
Bị kiểm tra ở quốc lộ, chạy vào đường nhánh
Có mặt tại chân cầu Tham Rớt trên quốc lộ 13 chưa đầy 30 phút, chúng tôi ghi nhận có hàng chục xe tải, xe cải tiến chở hàng cồng kềnh, quá tải mang biển số của các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước… từ hướng huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước chạy về tấp vào con đường sỏi đỏ dọc kênh thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa. Sở dĩ cánh tài xế chọn cung đường này để đi vì để né Trạm kiểm tra tải trọng (KTTT) xe lưu động số 39 trên quốc lộ 13, nơi có lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), Thanh tra giao thông (TTGT) đang làm nhiệm vụ cả ngày lẫn đêm.
Anh Nguyễn Văn Khỏe, một công an viên của xã đi cùng P.V tỏ ra bức xúc: “Tôi không hiểu vì sao từ trạm cân đến chân cầu chỉ cách chưa đầy 200m, nhưng xe chở quá tải trọng ngang nhiên luồng lách, né trạm. Sao lực lượng tuần tra của trạm không có biện pháp ngăn chặn? Khoảng 2 tháng trước, con đường dọc kênh này rất ít xe cộ qua lại, mặt đường rất đẹp. Bây giờ xe tải “quần” cả ngày lẫn đêm, khiến mặt đường biến thành “ao”. Mỗi lần đi tuần tra qua tuyến đường này, chúng tôi phải “gồng mình” để điều khiển xe máy vì mặt đường quá trơn. Cũng vì thế mà rất ít người dân chọn con đường này để đi lại như trước”.
Theo tìm hiểu của P.V, cánh tài xế khi điều khiển xe từ Bình Phước về rồi rẽ trái vào con đường dọc kênh để đi qua địa bàn xã An Linh, An Long, Phước Hòa (Phú Giáo); thậm chí qua Đồng Xoài, Đồng Nai; hoặc đánh một vòng theo đường giao thông nông thôn khoảng 10km rồi qua địa bàn ấp 1, xã Trừ Văn Thố để ra lại quốc lộ 13. Còn nếu xe rẽ phải cũng đi không quá 10km để ra đường ĐT750 rồi quay lại ngã ba Trừ Văn Thố trên quốc lộ 13, hay đi qua địa bàn huyện Dầu Tiếng, Tây Ninh. Đa phần những xe này vận chuyển củi cao su, nguyên vật liệu nặng nên khiến mặt đường nhanh bị xuống cấp. Hiện khoảng 3km đường dọc kênh thủy lợi thuộc địa phận ấp 1, xã Trừ Văn Thố đã xuống cấp nghiêm trọng. Ông Hồ Viết Khánh, một người dân địa phương, nói trong bức xúc: “Từ ngày lập trạm cân thì người dân chúng tôi ở đây không được yên ổn như trước. Xe tải né trạm cả ngày lẫn đêm khiến tôi lo xe gây tai nạn cho mấy đứa nhỏ trong vùng. Có khi mình đang ngủ ngon giấc thì tài xế đi ngang bóp còi inh ỏi, vậy là mất ngủ luôn!”.
Chứng kiến con đường dọc kênh đang bị xuống cấp, mặt đường hư hỏng nặng, nước đọng thành ao, nhiều người dân cho biết rất dễ xảy ra sạt lở cho tuyến kênh thủy lợi vừa được xây dựng tiền tỷ. Trong khi đó cánh tài xế thì không quan tâm đến thực tế này. Anh N.Q.T, tài xế xe tải BS 93C- 04…, tâm sự: “Tôi chỉ là người làm thuê, chạy kiếm cơm hàng ngày. Chủ xe bảo chạy đường nào thì tôi đi đường đó!”.
Vượt rào cản, phá thanh chắn
Bức xúc, lo lắng cho những tuyến đường giao thông sỏi đỏ đang bị xe tải nặng “băm nát” từng ngày, lực lượng công an xã ngày đêm tổ chức tuần tra. Tuy nhiên, họ cho biết vì không có chức năng xử phạt những xe này nên không làm được gì. Chính quyền xã Trừ Văn Thố đã cho lập hàng chục thanh chắn trên địa bàn ấp 1, 3, 4 để ngăn xe quá tải vào đường giao thông nông thôn, nhưng hiện không ít thanh chắn đã bị cánh tài xế lén tháo dỡ, có cái bị xe càn quét siêu vẹo. Anh Nguyễn Văn Khỏe cho biết: “Thường những xe tải né trạm ban đêm có thùng xe rất lớn, nên khi tránh nhau đã tông sập nhiều tường rào mà người dân xây dựng kiên cố trước đây, khiến họ hết sức bức xúc”.
“Tôi không hiểu vì sao từ trạm cân đến chân cầu chỉ cách chưa đầy 200m nhưng xe chở quá tải trọng ngang nhiên luồng lách, né trạm. Sao lực lượng tuần tra của trạm không có biện pháp ngăn chặn? Khoảng 2 tháng trước, con đường dọc kênh này rất ít xe cộ qua lại, mặt đường rất đẹp. Bây giờ xe tải “quần” cả ngày lẫn đêm, khiến mặt đường biến thành “ao”. Cũng vì thế mà rất ít người dân chọn con đường này để đi lại như trước”. (Nguyễn Văn khỏe, Công an xã Trừ Văn Thố) |
Tại khu vực ấp 4, xã Trừ Văn Thố, chúng tôi ghi nhận nhiều tuyến giao thông vừa được xây dựng chưa lâu, nay bị “cày xới” như mảnh ruộng. Không chỉ xe máy, thậm chí xe ô tô cũng khó đi lại trên những con đường này. Ngay đầu cầu 13 tấn bắc qua kênh thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, nối ấp 4 xã Trừ Văn Thố với xã Cây Trường, hiện mặt đường đang bị khoét những hố sâu và đầy sình lầy. Ông Phan Văn Linh, Phó Trưởng Công an xã Trừ Văn Thố, cho biết: “Cây cầu này có trọng tải 13 tấn, nhưng xe tải trên 30 tấn vẫn vô tư qua lại ngày đêm. Nếu tình trạng này kéo dài, cây cầu sẽ sớm đổ sập. Chúng tôi thường xuyên tuần tra không cho xe qua cầu, nhưng khi vắng bóng lực lượng thì xe tải lại tung hoành”.
Trao đổi với P.V về việc xe né trạm gây bức xúc cho người dân địa phương, ông B., một CSGT thuộc lực lượng CSGT tỉnh đang làm nhiệm vụ tại Trạm KTTT xe lưu động số 39, cho biết: “Chúng tôi không được phép tuần tra, xử lý xe đi vào đường nhánh, đường tẻ. Việc tuần tra, xử lý những xe vi phạm này là của chính quyền địa phương. Ở đây việc thì nhiều, lực lượng rất mỏng nên chủ yếu tập trung cho công việc tại trạm”. Ông Vũ Văn Lực, cán bộ TTGT tỉnh, Đội phó Trạm KTTT xe lưu động số 39, cho biết sau gần 2 tháng đặt trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên quốc lộ 13, lượng xe chở quá tải ngang qua địa bàn đã giảm rất nhiều. Hiện những xe chở quá tải chỉ dao động từ 1 - 2 tấn, nhưng khi phát hiện quá tải là lực lượng lập biên bản ngay.
Hơn 1 năm qua, TTGT tỉnh đã kết hợp với lực lượng CSGT, quân sự địa phương lập trạm KTTT xe lưu động trên nhiều tuyến đường, mục đích là hạn chế tối đa việc xe chở quá tải trọng, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ theo đúng chỉ đạo của Bộ Giao thông - Vận tải. Tuy nhiên, khi trạm KTTT được đặt ở đâu, thì khu vực đó xảy ra tình trạng xe né trạm, mà địa phương xã Trừ Văn Thố là một điển hình. Vì thế, chính quyền các cấp cần có sự phối hợp tốt trong việc tổ chức tuần tra, xử phạt nghiêm những xe né trạm như trên.
ÔNG NGUYỄN ĐỖ VŨ, CHÁNH THANH TRA SỞ GIAO THÔNG - VẬN TẢI TỈNH: “Sẽ tập trung lực lượng xử lý việc xe tải né trạm cân”
Khi đặt trạm KTTT xe lưu động ở đâu, chúng tôi cùng chính quyền địa đương khảo sát rất kỹ địa điểm, để hạn chế tối đa tình trạng xe né trạm. Qua đó, có kế hoạch phối kết hợp trong việc tổ chức tuần tra trên các tuyến đường. Tuy nhiên, do đặc thù địa bàn tỉnh có quá nhiều đường tẻ, đường nhánh nên khó giải quyết triệt để. Hơn nữa, cánh xe tải thường cho lực lượng canh đường theo dõi lực lượng tuần tra, nên khi thấy vắng bóng lực lượng tuần tra là tài xế cho xe né trạm. Ngay trong tuần này, TTGT tỉnh sẽ tăng cường lực lượng, thậm chí sẽ ngưng việc tuần tra trên một số tuyến đường để tập trung quân số tổ chức tuần tra, xử lý mạnh tay việc xe né trạm tại địa bàn xã Trừ Văn Thố. Chúng tôi cũng sẽ nhanh chóng làm việc với chính quyền địa phương để tìm ra biện pháp ngăn chặn xe né trạm tối ưu nhất... Hơn 1 năm qua, từ khi trạm KTTT xe lưu động được lắp đặt trên một số tuyến đường như quốc lộ 13, ĐT741, ĐT746 đã mang lại hiệu quả khi trực tiếp đánh vào ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của tài xế, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn.
QUẢNG ĐIỀN