Xảy ra án mạng do nguyên nhân xã hội: Ngăn chặn những cái xấu trên đường

Thứ năm, ngày 07/01/2021

(BDO) Từ năm 2014 đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra 6.307 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 1.276 vụ giết người, cố ý gây thương tích. Thiệt hại làm 323 người chết, 1.298 người bị thương. Trong số các vụ án này, không ít vụ chỉ là va chạm nhỏ trên đường hoặc chỉ vì những cái “nhìn đểu” mà xảy ra chuyện lớn vì người trong cuộc thích giải quyết bằng “nắm đấm”.

 Bị cáo Tuyền khóc mếu máo sau khi rời phiên tòa với bản án 19 năm tù giam. Ảnh: TÂM TRANG

 “Hổ báo” trên đường và cái kết

Tại phiên tòa chiều 21-9- 2020, trái với hình ảnh hung hăng khi lao vào đánh người trên đường sau va quẹt giao thông, bị cáo Hoàng Văn Tuyền (sinh năm 1989, quê Thanh Hóa) khóc như một đứa trẻ khi nghe tòa tuyên án. Người nhà bị cáo và người nhà bị hại cũng khóc ngất. Chỉ vì một vụ va quẹt giao thông nhỏ nhưng vì không biết kiềm chế bản thân, bị cáo đã gây ra cái chết, cướp đi sinh mạng trụ cột một gia đình…

Trước đó, vào khoảng 17 giờ 10 phút ngày 11-4-2020, giữa anh Phạm Văn Hà và Tuyền xảy ra va quẹt giao thông tại phường An Thạnh, TP.Thuận An. Sau va quẹt, Tuyền xông vào đánh liên tiếp vào vùng đầu và mặt làm nón bảo hiểm của Hà rơi xuống đất. Thấy Hà say rượu, Tuyền định lái xe bỏ đi thì bị Hà đạp vào đùi. Tức giận, Tuyền quay lại đánh liên tiếp vào người khiến Hà gục xuống đường. Gây án xong, Tuyền định lên xe máy bỏ đi thì bị người dân xung quanh và lực lượng Công an phường An Thạnh giữ lại. Hà được đưa đến Trung tâm Y tế phường An Thạnh cấp cứu nhưng đã tử vong.

Tại phiên tòa, Tuyền cho rằng mình bị oan vì anh Hà đánh mình trước. Tuy nhiên, trước những chứng cứ không thể chối cãi, Tuyền đã thừa nhận hành vi. Bị cáo bị tuyên phạt 19 năm tù giam về tội “giết người”.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay việc một số thanh thiếu niên khi tham gia giao thông xảy ra va quẹt dẫn đến ẩu đả đã trở nên báo động. Thậm chí có trường hợp mới đây, chỉ vì cho rằng người đi xe máy “tạt đầu” xe của mình mà một tài xế đuổi theo đánh người tử vong. Sự việc xảy ra tại địa phận TP.Dĩ An.

Thông tin ban đầu được biết chiều ngày 25-12, tài xế Trương Ngọc Tuấn điều khiển xe ben trên đường Bùi Thị Xuân (phường Tân Bình, TP.Dĩ An). Lúc này, anh Nguyễn Ngọc Lực (40 tuổi, ngụ Phú Giáo) điều khiển xe máy vượt lên trước đầu xe ben. Thấy vậy, Tuấn điều khiển xe ben vượt lên rồi ép xe của anh Lực dừng lại, sau đó hai bên xảy ra cãi vã. Tuấn lấy một cây gỗ trên xe ben đánh nhiều nhát vào người anh Lực khiến nạn nhân gục tại chỗ, sau đó Tuấn lái xe bỏ đi. Do vết thương nặng nên anh Lực đã tử vong. Gây án xong Tuấn đã đến Công an phường Đông Hòa (TP.Dĩ An) để đầu thú.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, qua phân tích các vụ án giết người và cố ý gây thương tích trong thời gian qua cho thấy chủ yếu là do nguyên nhân xã hội; thường mang tính bộc phát cá nhân, mâu thuẫn về lời nói, văn hóa vùng miền, hành động khiêu khích nhau trong sinh hoạt hàng ngày hoặc do ghen tuông tình ái nên đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Một số trường hợp mâu thuẫn do tranh chấp tài sản hoặc va quẹt khi tham gia giao thông. Nhiều đối tượng có tính côn đồ, hung hãn, khi xảy ra mâu thuẫn đối tượng sử dụng vũ khí, hung khí gây thương tích cho người khác. Đáng chú ý là một số vụ việc tuy không mang tính chất băng nhóm nhưng khi bị khiêu khích, kích động thì gọi điện cho người thân, bạn bè, đồng hương cùng đến để giải quyết vấn đề, gây hậu quả nghiêm trọng.

Cần các giải pháp căn cơ

Trước thực trạng các vụ án giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội ngày càng tăng, vào trung tuần tháng 12-2020, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã tổ chức hội thảo về công tác phòng, chống loại tội phạm này trên địa bàn tỉnh. Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Cùng với sự phát triển của Bình Dương đã kéo theo việc người dân đến làm ăn sinh sống rất đông, từ đó tình hình vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp. Bình Dương trở thành 1 trong 18 địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) của cả nước. Bên cạnh đó, do giáp ranh với TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Phước, các đối tượng, băng nhóm phạm tội thường xuyên lợi dụng để ẩn náu, tập hợp và hoạt động phạm tội đã tác động trực tiếp đến công việc đấu tranh phòng, chống tội phạm của các cơ quan chức năng và lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại hội thảo, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh, cho rằng để công tác tấn công các loại tội phạm trên hiệu quả thì cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể, trong đó lực lượng chủ công là công an. Cấp ủy, chính quyền địa phương phải đẩy mạnh công tác phòng ngừa, không để tội phạm có điều kiện phát sinh. “Muốn đạt được hiệu quả thì trước tiên cần chú trọng công tác tuyên truyền. Hình thức, nội dung tuyên truyền phải sinh động, phù hợp với đối tượng để từng bước nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, đặc biệt là công nhân lao động. Vận động người dân mạnh dạn tham gia phòng chống tội phạm, đặc biệt là các mô hình tự phòng, tự quản; gắn camera để giám sát ANTT. Song song đó, lực lượng công an cần chủ động trong công tác quản lý địa bàn, đối tượng, tiếp nhận và xử lý nhanh tin báo tội phạm của người dân...”, Đại tá Quyên nhấn mạnh. (còn tiếp)

 Quản lý chặt đối tượng,  phòng ngừa sự cố bất ngờ

Trung tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, cho biết thời gian qua đơn vị chú trọng công tác phòng ngừa nghiệp vụ với việc điều tra cơ bản, rà soát nhằm phát hiện các đối tượng hoạt động theo kiểu băng nhóm, đòi nợ thuê, thanh thiếu niên hư hỏng, quậy phá, các đối tượng có tiền án về tội giết người, cố ý gây thương tích... Phòng tiến hành lên danh sách, lập hồ sơ mời gọi, răn đe, giáo dục, không để vi phạm pháp luật. Đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự đã đưa vào quản lý nghiệp vụ hơn 4.000 đối tượng các loại. Song song đó, Phòng Cảnh sát hình sự thường xuyên phối hợp cùng các cơ quan ban ngành nhằm  kịp thời phát hiện các vụ mâu thuẫn, tranh chấp  trong nội bộ nhân dân để giải quyết ngay từ đầu...

L.T.PHƯƠNG