Xây dựng xã hội học tập suốt đời - cơ hội phát triển
Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần IX đã nêu: “…đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức không chính quy, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một xã hội học tập”. Học tập là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Trong xã hội phát triển, mỗi người càng phải tự học, tự rèn để bắt kịp với sự phát triển của thời đại, đồng thời đóng góp trí tuệ xây dựng quê hương đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
(BDO)
Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng khuyến học, khuyến tài cho học sinh nhân dịp đầu năm học mới. Ảnh: A.SÁNG
Nhiều hình thức học tập
Theo ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo thì mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, phù hợp với điều kiện, nhu cầu để làm người công dân tốt; có nghề, lao động với hiệu quả ngày càng cao; học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc; học để góp phần phát triển quê hương đất nước.
Hưởng ứng phong trào xây dựng xã hội học tập, tỉnh luôn tạo điều kiện cho toàn dân được học tập suốt đời với nhiều hình thức. Đặc biệt, tỉnh đã có Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013-2020”. Xây dựng xã hội học tập để bảo đảm thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và địa phương. Hàng năm, Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, Hội Khuyến học đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học”… từ đó phong trào xã hội học tập đã lan tỏa ở khắp mọi nơi.
Thực hiện “xã hội học tập”, quy mô trường lớp, các ngành học, cấp học trong những năm học qua tiếp tục được mở rộng. Hàng năm, tuy tỉnh chịu nhiều áp lực gia tăng học sinh ngoài tỉnh, nhưng tất cả học sinh đều được tạo điều kiện đến trường. Xây dựng xã hội học tập, ngoài học ở trường phổ thông, người dân còn được học tập ở các trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX), trung tâm học tập cộng đồng, các lớp học tình thương, học nghề, học đại học với nhiều hình thức: chính quy, từ xa... Để đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập, số lượng TTGDTX, TTGDTX - kỹ thuật - hướng nghiệp, ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa, nghiệp vụ trong tỉnh ngày càng tăng lên. Tỉnh đẩy mạnh đầu tư cho các trung tâm, đến nay 100% trung tâm công lập được lầu hóa.
Xây dựng xã hội học tập, ở mỗi xã, phường, thị trấn đều xây dựng trung tâm học tập cộng đồng. Hoạt động của các trung tâm có nhiều chuyển biến tích cực và đã trở thành cơ sở giáo dục thường xuyên cấp xã, phường góp phần vào việc xây dựng xã hội học tập. Hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng ngày càng phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, chính trị - thời sự, tìm hiểu pháp luật, học về kỹ thuật công - nông nghiệp, nghề truyền thống. Hàng năm, các trung tâm tổ chức cho hàng vạn lượt người tham gia học tập để nâng cao nhận thức về tư tưởng, chính trị, học để làm kinh tế, góp phần nâng cao cuộc sống gia đình.
Học tập suốt đời
Để tạo điều kiện cho người dân được học tập suốt đời, các hoạt động khuyến học - khuyến tài trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Hiện nay, tất cả các huyện, thị, thành phố và 91 xã, phường, thị trấn đều có thành lập hội khuyến học, các trường học có thành lập những chi hội khuyến học. Hàng năm, hội khuyến học các cấp đã hỗ trợ học bổng cho hàng ngàn trường hợp học sinh nghèo hiếu học, tạo điều kiện cho các em được tiếp tục học tập.
Cùng với thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập, năm 2014 UBND tỉnh còn ban hành kế hoạch “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Qua đó góp phần xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, từ năm 2014 tỉnh đã chọn xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) để thực hiện thí điểm xây dựng các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Từ cơ sở điểm này, sau khi rút kinh nghiệm, giai đoạn 2016- 2020, tỉnh triển khai mạnh mẽ phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập. Trong giai đoạn này, phấn đấu 100% cán bộ, hội viên của hội khuyến học các cấp được tập huấn nâng cao nhận thức về xã hội học tập và các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng; 70% gia đình được công nhận danh hiệu “gia đình học tập”; từ 30 -50% dòng họ được công nhận danh hiệu “dòng họ học tập”; 60% cộng đồng đạt danh hiệu “cộng đồng học tập”, các xã vùng khó khăn đạt tỷ lệ 50%; 50% các cơ quan, trường học, đơn vị doanh nghiệp đạt danh hiệu “đơn vị học tập”.
A.SÁNG