Xây dựng xã hội học tập
(BDO) Xây dựng xã hội học tập (XHHT) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm thực hiện đổi mới tư duy của mọi ngành, mọi giới trong xã hội về giáo dục theo tư tưởng hiện đại, đó là “học tập thường xuyên, học tập suốt đời”.
Xây dựng xã hội học tập
Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) nhìn nhận, những năm qua, việc xây dựng XHHT luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như nhận được sự quan tâm phối hợp của các cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ, các ban ngành, đoàn thể và sự nỗ lực của hội khuyến học các cấp trong tỉnh. Đến nay, mạng lưới khuyến học các cấp đã phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, với 100% huyện, thị, thành phố và xã, phường, thị trấn có tổ chức hội, với khoảng 70.000 hội viên hội khuyến học. Riêng với Sở GD-ĐT, sở đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường tổ chức các hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời...
Mục tiêu của việc xây dựng XHHT nhằm đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình: gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, góp phần xây dựng XHHT. Nỗ lực học tập cũng là hình thức thể hiện lòng yêu nước, vì có kiến thức, có trình độ mới góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh. Vì thế, từng gia đình đã vận động người thân tích cực học tập. Phong trào này đã nhanh chóng phát triển trong cộng đồng dân cư và được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Cũng từ đó phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học ngày càng phát triển. Phong trào này thể hiện truyền thống hiếu học, quý trọng nhân tài và tôn sư trọng đạo của dân tộc. Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 79.895 hộ đạt gia đình hiếu học và 113 dòng họ đăng ký dòng họ hiếu học. “Có thể nói, việc triển khai xây dựng XHHT trên toàn tỉnh đã tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho mọi lứa tuổi, trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục ở mọi lúc mọi nơi, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ. Với sự chỉ đạo sâu sát của tỉnh, sự phối hợp tích cực từ các ban ngành, tổ chức, đoàn thể, công tác xây dựng XHHT của tỉnh trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành quả, qua đó củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, thực hiện công bằng xã hội trên toàn địa phương”, bà Nguyễn Hồng Sáng đã đánh giá như vậy.
Học tập suốt đời
Cùng với việc thực hiện đề án xây dựng XHHT, tỉnh còn có đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, góp phần xây
dựng XHHT, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Xây dựng XHHT, trong 3 năm trở lại đây cơ bản người dân đã có ý thức “học tập suốt đời”. Đa số người dân hiểu được sự gắn kết giữa năng lực cá nhân với nhu cầu xã hội và sự tác động của phát triển kinh tế, xã hội đến việc học tập của mỗi cá nhân. |
Với phương châm học tập thường xuyên và suốt đời, ở các địa phương đã tổ chức nhiều hình thức học tập cho người dân ở mọi lứa tuổi. Và trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) là địa chỉ để bà con lui tới học tập. Đến nay, tất cả các xã, phường trong tỉnh đều có trung tâm HTCĐ. Để người người đều được học tập bằng nhiều hình thức khác nhau, các trung tâm đã mở nhiều lớp học theo từng chủ đề, theo thời vụ và theo nhu cầu của nhiều đối tượng nhân dân như: nói chuyện các chuyên đề về truyền thống, học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, phổ biến Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Bình đẳng giới, kỹ thuật trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, công tác thanh niên, phụ nữ, dạy phổ cập cho học sinh lang thang, cơ nhỡ...
Trong năm 2016, hội khuyến học triển khai đại trà ra toàn tỉnh đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh phát triển các chi hội khuyến học tại các ấp, khu phố, các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp có hoạt động khuyến học - khuyến tài. Theo đó, phấn đấu 100% cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành GD-ĐT là hội viên hội khuyến học; tiếp tục phối hợp với các đơn vị để vận động đoàn viên, hội viên đăng ký trở thành hội viên hội khuyến học xuống đến các cấp hội cơ sở; mỗi hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa tiêu biểu đều có 1 hội viên hội khuyến học.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự nghiệp “trồng người” vì lợi ích trăm năm để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, Bình Dương đã và đang xây dựng một XHHT thường xuyên, học tập suốt đời.
H.THÁI